Đón khách Ấn Độ: Hiểu đúng để phục vụ tốt hơn
Những năm gần đây, Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách Ấn Độ. Tuy nhiên, để đón và phục vụ thị trường khách này không phải dễ nhưng nếu hiểu được sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch, lữ hành phục vụ thị trường khách này tốt hơn.
Thị trường khách tiềm năng
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng nhẹ so với 8,45 triệu lượt năm 2019. Trong đó, khách đến từ Ấn Độ nằm trong Top 10 thị trường khách quốc tế đến Việt Nam.
Trang livemint.com (một trong những trang viết về kinh tế hàng đầu của Ấn Độ) cũng có bài viết khẳng định, thị trường du lịch Ấn Độ đang diễn ra sôi động. Đặc biệt, tỉ lệ người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài đã tăng đột biến thời gian gần đây, trong đó Việt Nam nổi lên như một điểm đến quốc tế được ưa chuộng.
Báo cáo của Viện Kinh tế Mastercard có chủ đề “Xu hướng Du lịch 2024: Phá vỡ ranh giới” cũng khẳng định quý I/2024, du khách Ấn Độ đến Việt Nam tăng 248% so với cùng kỳ năm 2019. Du khách Ấn Độ đi du lịch nước ngoài nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Ấn Độ hiện là thị trường lớn phát triển nhanh nhất thế giới.
Quý I/2024, các sân bay Ấn Độ ghi nhận kỷ lục 97 triệu lượt khách, bằng con số của cả năm ở thời điểm 10 năm trước. Đặc biệt, du khách Ấn Độ thích đi biển và đã kéo dài chuyến du lịch nước ngoài thêm một ngày so với cùng kỳ năm 2019. Xu hướng này cho thấy, nhu cầu đối với những trải nghiệm du lịch phong phú và ý nghĩa của người Ấn.
Theo David Mann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mastercard, người dân Ấn Độ đang “chịu khó” đi du lịch nước ngoài. “Ấn Độ hiện là thị trường lớn, phát triển nhanh nhất trên thế giới và trong tương lai gần, xu hướng này có thể vẫn sẽ tiếp tục gia tăng không ngừng”, ông David Mann nói. Cùng với đó, nhu cầu đi du lịch, mua sắm trang sức và quần áo cao cấp vẫn sẽ diễn ra mạnh mẽ khi thu nhập của người dân ngày càng tăng cùng với lối sống đầy khát vọng.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines khẳng định, từ khi mở các đường bay thẳng Việt Nam - Ấn Độ vào tháng 6/2022 đến nay, hãng bay đã vận chuyển hơn 240.000 lượt khách. “Hệ số sử dụng ghế luôn ở mức gần 80% trong năm 2024, cao gấp 1,5 lần so với năm 2022”, ông Hà nói và cho biết, điều này chứng tỏ nhu cầu đi lại ngày càng lớn của du khách và doanh nhân giữa hai nước.
Theo bà Thái Phương Hòa, Tổng Giám đốc Sun World (Tập đoàn Sun Group), lượng khách Ấn Độ đến các công viên thuộc tập đoàn Sun World quản lý và khai thác đang có xu hướng tăng trưởng tốt trong thời gian gần đây. “Nếu như năm 2019, lượng khách chỉ đạt 50.000 lượt thì năm 2023 đã tăng gấp 4 lần và dự kiến năm nay (2024) sẽ tăng gấp đôi năm ngoái”, bà Phương Hòa khẳng định và cho rằng, các khu nghỉ dưỡng của Sun Group ở Phú Quốc, Đà Nẵng cũng là những lựa chọn hàng đầu của nhiều khách hàng Ấn Độ để tổ chức đám cưới.
Với tiềm năng lớn từ thị trường khách inbound (khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam – PV) tỷ dân, giữa tháng 5/2024, Vietnam Airlines đã cùng Vietravel, Vingroup, Sun Group và các hãng lữ hành của Ấn Độ hợp tác quảng bá du lịch Việt Nam và Ấn Độ ở cả hai nước. Đồng thời, tổ chức sự kiện, lễ hội, hội chợ du lịch nhằm khai thác hiệu quả các đường bay của Vietnam Airlines và sản phẩm du lịch của các đơn vị.
Không dễ phục vụ!?
Theo chia sẻ của các công ty du lịch, du khách Ấn Độ thường thích những địa danh mới mẻ ở Việt Nam, nơi có cảnh sắc thiên nhiên đa dạng, khí hậu cho phép du lịch quanh năm, văn hóa lâu đời với các di sản thế giới trải khắp cả nước, ẩm thực và các loại hình du lịch phong phú, đa dạng.
Khách Ấn Độ có xu hướng chọn du lịch tại các thành phố lớn ở Việt Nam như TPHCM, Hà Nội và các điểm đến quen thuộc như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Hội An, Đà Lạt. Tuy nhiên, với những đặc trưng về văn hóa, tín ngưỡng, thói quen chi tiêu, khẩu vị trong ăn uống… khiến việc phục vụ cho đối tượng khách du lịch Ấn Độ đòi hỏi những yêu cầu khác chuyên biệt, thậm chí là khắt khe.
Để thu hút khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam, thị trường khách được đánh giá “có nhiều điểm đặc thù”, dựa vào sự đa dạng tín ngưỡng, văn hóa, việc cung cấp dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, sinh hoạt cũng cần được doanh nghiệp đầu tư thêm và đào tạo lại nhân lực.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Phạm Hà, Chủ tịch LuxGroup, cho rằng các hãng lữ hành, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch cần chủ động nắm bắt các đặc điểm tâm lý của người Ấn. Theo ông Hà, du khách Ấn Độ thích “mặc cả” và “đi chợ”. Giá cả là yếu tố quan tâm đầu tiên và quyết định chuyến đi của du khách Ấn Độ, quyết định việc đặt tour với công ty nào. “Tất cả các thị trường nói chung đều quan tâm về giá, nhưng du khách Ấn là thị trường nhạy cảm về giá”, ông Hà nói và cho biết, họ (khách Ấn Độ - PV) sẽ cố gắng lấy được thông tin về giá cả các dịch vụ cho chuyến đi để làm cơ sở đàm phán giá với đối tác.
Bên cạnh đó, du khách Ấn Độ luôn yêu cầu được phục vụ ẩm thực Ấn Độ trong chuyến đi. Với du khách Ấn Độ, Việt Nam là điểm đến mới và chỉ thực sự trở thành điểm “hot” sau đại dịch Covid-19, nên họ chưa có nhiều kiến thức hiểu biết về du lịch Việt Nam. Bởi vậy, mỗi yêu cầu của du khách Ấn Độ thường cần sửa đổi nhiều lần cho phù hợp.
Cũng theo ông Hà, việc có đường bay thẳng giữa Việt Nam - Ấn Độ đã góp phần lớn trong quá trình thúc đẩy, thu hút khách. “Đối với khách Ấn Độ có mức chi tiêu cao, họ sẵn sàng đưa đầu bếp theo để phục vụ đoàn riêng và thuê nguyên chuyến trọn gói”, ông Hà chia sẻ thêm.
Nhiều cơ sở lưu trú cũng cho biết, khách Ấn Độ “rất khác biệt” với thị trường các nguồn khách quốc tế khác đến Việt Nam. “Họ khác biệt hoàn toàn về khẩu vị ẩm thực, thói quen sinh hoạt. Đơn cử, người Ấn thường ăn chay hoặc kiêng sử dụng một số thực phẩm từ thịt bò, họ thích ăn gia vị cay nồng, phong cách chế biến đậm vị hăng cay”, đại diện một khách sạn ở Hội An (Quảng Nam), chia sẻ và cho biết, khách Ấn khi đến Việt Nam vẫn thích ăn món Ấn nhiều hơn.
Ở Việt Nam có lợi thế nguồn rau củ quả phong phú, thịt heo, gia cầm cũng đa dạng có thể bổ sung vào thực đơn của du khách Ấn Độ. Tuy vậy để đào tạo cách nấu món Ấn hoặc tìm đầu bếp chuyên còn khá ít. Vì thế, nếu chỗ lưu trú không có không gian ẩm thực riêng và xung quanh không có nhiều nhà hàng Ấn phục vụ, cộng đồng kinh doanh sản phẩm văn hóa Ấn cho tệp khách bình dân và cao cấp chưa phổ biến, thì đây là một trở ngại khó giữ chân họ lâu hơn.
Ngoài ra, người Ấn cũng thường chọn lui tới trung tâm thương mại mua sắm hàng hóa, vật phẩm, quà lưu niệm… điểm vui chơi sôi động để giải trí. “Vì thế để thu hút khách Ấn chọn thành phố nào đó làm điểm đến, ngoài phục vụ tốt việc ăn uống, tín ngưỡng thì hệ sinh thái xung quanh có những dịch vụ liên quan cũng rất quan trọng”, vị này nhìn nhận.
Để du khách chi tiêu nhiều hơn
Theo bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị - Công nghệ Thông tin BenThanh Tourist, Việt Nam có ưu thế về cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, nhiều điểm đến du lịch phù hợp với nhu cầu du lịch của nhiều phân khúc du khách Ấn Độ, bao gồm cả phân khúc khách hàng hạng sang và khách hàng tiêu chuẩn.
Cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ du lịch Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của du khách Ấn Độ. Tuy nhiên, theo bà Linh, hiện nay chi phí dịch vụ du lịch của Việt Nam còn khá cao nếu so với các quốc gia trong cùng khu vực như Thái Lan, Myanmar… dẫn đến làm giảm sức cạnh tranh. “Do đó, ngành du lịch không những cần phải nhanh chóng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên giỏi ngôn ngữ và am hiểu văn hóa Ấn Độ, phát triển các chuỗi nhà hàng phục vụ ẩm thực Ấn Độ, cũng như có các chính sách trợ giá thiết thực dành cho du khách Ấn Độ (giảm giá dịch vụ khách sạn, vé tham quan) nhằm tăng sức hấp dẫn đối với du khách của thị trường tỷ dân này”, bà Linh đề xuất.
Trong khi đó, theo tài liệu nghiên cứu một số đặc điểm tâm lý của khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam của ông Nguyễn Quang Vinh, Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, phụ nữ Ấn Độ thích đeo trang sức và người Ấn đặc biệt coi trọng, chăm chút cho trang phục của mình. Còn theo các hướng dẫn viên du lịch, khách Ấn Độ thích đi mua vàng, đá quý, ngọc trai, tranh thêu, tranh sơn dầu dát vàng, đồ thủ công mỹ nghệ kỳ công để làm quà.
Vì thế, bà Thái Phương Hòa, Tổng Giám đốc Sun World, cho rằng để khai thác hiệu quả dòng khách Ấn Độ, cần có những giải pháp đồng bộ, phù hợp với văn hóa và thị hiếu đặc biệt của thị trường khách này.
Theo đó, Chính Phủ nghiên cứu xem xét chính sách hỗ trợ visa ngắn hạn cho khách Ấn Độ nhằm tạo cú hích đột phá cho sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường đầy tiềm năng này, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Thứ hai, cần tăng cường đào tạo nhân sự du lịch chuyên cho khách Ấn Độ phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn, điểm đến du lịch. Đồng thời, các địa phương và điểm đến cần chủ động đầu tư hạ tầng phục vụ riêng cho nhu cầu tín ngưỡng cho khách Ấn Độ. Ví dụ như khu vực/phòng Cầu nguyện dành cho khách Ấn Độ do nhóm khách này có những nhu cầu đặc thù liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo, thói quen sinh hoạt riêng biệt…
Tiếp đến, theo bà Phương Hòa, cần đầu tư cho ẩm thực Ấn Độ tại các khu, điểm đến du lịch. Vì theo bà Hòa, bên cạnh việc thưởng thức ẩm thực của các vùng đất mới thì đa số du khách Ấn Độ vẫn “trung thành” với ẩm thực Ấn Độ và thực hành tôn giáo. Tuy nhiên, số lượng đầu bếp có thể nấu được các món Ấn Độ còn rất thiếu ở Việt Nam.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, tổng chi tiêu của khách Ấn Độ ra nước ngoài khá cao trên thế giới. Năm 2010 đạt 10,5 tỷ USD; 2017: 18,4 tỷ USD (đứng thứ 16 trên thế giới); 2018: 21,3 tỷ USD (đứng thứ 14); năm 2019 ước tính tăng 9,8% so với 2018. Các chuyên gia dự báo, mức chi tiêu này có thể đạt 45 tỷ USD vào năm 2025 và khoảng 91 tỷ USD vào năm 2030.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường thêm các chuyến bay và mở thêm các đường bay thẳng từ 5 thành phố lớn của Ấn Độ (Mumbai, New Dehli, Bangalore, Hyderabat và Ahmedabad) đến các thành phố lớn của Việt Nam để tạo thuận lợi hơn trong việc đưa du khách Ấn Độ đến Việt Nam. Đồng thời, cũng phải tăng cường xúc tiến quảng bá tới thị trường khách Ấn Độ ở cấp quốc gia cũng như đối với các địa phương, doanh nghiệp.