Chợ quê những ngày giá rét

Những ngày qua, miền Bắc nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng chịu đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất kể từ đầu mùa đông 2021-2022. Cùng với đó, dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao nên người dân chủ động hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc để phòng chống dịch bệnh, gió rét, khiến hoạt động kinh doanh nhiều chợ truyền thống trên địa bàn trở lên đìu hiu, ế ẩm vì thưa khách.

Rét đậm, rét hại kéo dài kết hợp số ca mắc Covid-19 tăng cao khiến hoạt động kinh doanh chợ Bồ Sao (Vĩnh Tường) đìu hiu, ế ẩm vì lượng khách thưa thớt

Rét đậm, rét hại kéo dài kết hợp số ca mắc Covid-19 tăng cao khiến hoạt động kinh doanh chợ Bồ Sao (Vĩnh Tường) đìu hiu, ế ẩm vì lượng khách thưa thớt

8 giờ sáng - thời điểm tấp nập, nhộn nhịp các phiên chợ, có mặt tại một số chợ truyền thống trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy khung cảnh thật đìu hiu, vắng vẻ. Bà Hoàng Thị Nhị, tiểu thương kinh doanh hoa quả tại chợ Kiệu (Vĩnh Tường) chia sẻ: Khoảng 3 tuần trở lại đây, khách hàng đến chợ ngày một thưa, nếu có mua cũng rất mau lẹ.

Dù lượng sản phẩm bán ra cho 1 khách hàng có tăng vì khách mua tích trữ trong vài ngày nhưng doanh thu cả ngày vẫn giảm 30-50% so với cùng kỳ. Điều này khiến người kinh doanh tự do như chúng tôi khó lại chồng khó.

Cùng chung quan điểm, chị Lê Thị Thanh Thủy, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Bồ Sao (Vĩnh Tường) cho biết: Dậy từ 3h sáng để mổ lợn và đem những miếng thịt tươi, ngon đến chợ cho khách hàng từ 5h sáng vào những ngày lạnh “cắt da, cắt thịt” và số ca mắc Covid-19 tăng cao như hiện nay không hề dễ. Tuy nhiên, lượng khách hàng đi chợ lại đìu hiu, thưa thớt khiến chị ngồi bán đến cuối phiên chợ vẫn ế hàng.

Chia sẻ về thực trạng trên, đại diện Ban quản lý chợ Bồ Sao cho biết: Chợ Bồ Sao là 1 trong 4 chợ trên địa bàn tỉnh được chọn làm mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP theo Dự án “Xây dựng Mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”.

Thời gian qua, chợ đáp ứng rất tốt nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân trên địa bàn và các xã lân cận như Việt Xuân, Lũng Hòa, Thổ Tang, Tân Tiến, Yên Lập và là đầu mối chung chuyển hàng hóa lên các chợ của thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, đặc biệt trong những ngày trời rét đậm, rét hại và số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đang tăng cao, lượng khách hàng đến chợ giảm quá một nửa so với ngày thường bởi người dân hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc để phòng chống dịch bệnh và giá rét. Nếu có đi chợ cũng mua tích trữ cho vài ngày hoặc mua online rồi nhờ shipper chuyển đến tận nhà.

Thu hút khoảng 2.000 lượt khách hàng, tiểu thương đến kinh doanh, buôn bán mỗi phiên chợ, song những ngày này, chợ Đạo Trù (Tam Đảo) cũng giảm đi 50-70% lượng khách hàng so với trước Tết.

Ông Lê Đại Lam, Trưởng Ban quản lý chợ cho biết: Thời tiết rét đậm, rét hại kết hợp tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, với hàng trăm ca mắc Covid-19 trong ngày khiến người dân hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc để phòng, chống dịch bệnh lây lan khiến lượng khách hàng đi chợ giảm, tiểu thương cũng nghỉ theo.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch Covid-19 luôn được UBND xã quan tâm, phối hợp với Ban Quản lý chợ đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo đến các tiểu thương, khách hàng đi chợ thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ y tế. Đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt thông báo ngay cho Ban quản lý chợ, địa phương biết để thực hiện các biện pháp y tế phù hợp.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 kết hợp với đợt rét đậm, rét hại kéo dài nhiều ngày trên địa bàn khiến lượng khách hàng đi chợ thưa thớt, đìu hiu nhưng các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày tại các chợ luôn được tiểu thương bày bán đầy đủ, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch được các cấp, các ngành, Ban Quản lý chợ quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Mới đây, Sở Công thương đã ban hành Hướng dẫn số 02 về phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở đã có hướng dẫn cụ thể đối với đơn vị quản lý; hộ kinh doanh; người lao động/làm việc, người bán hàng, khách hàng; khu dịch vụ có hoạt động kinh doanh, dịch vụ ăn uống về một số nội dung cần thiết để phòng, chống lây nhiễm dịch Covid-19; các điều kiện ATTP; công tác thông tin, tuyên truyền; cách vệ sinh môi trường, khử khuẩn…

Bài, ảnh: Hồng Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/74106/cho-que-nhung-ngay-gia-ret.html