Chợ, siêu thị tại Hà Nội không thiếu hàng, lượng người tới mua sắm giảm
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới trong sáng nay (7-9), tại một số chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, tiểu thương đến chợ bán hàng giảm hẳn, còn các siêu thị tiếp tục phục vụ ổn định. Hàng hóa tại chợ và siêu thị dồi dào, lượng người mua sắm giảm hơn hôm qua.
Chợ dân sinh giảm người bán, người mua
Dù sáng nay, bão số 3 tiến sát vào đất liền Bắc Bộ gây mưa và gió lớn song chị Nguyễn Thị Thanh Mai, kinh doanh thịt lợn tại chợ Gia Lâm (quận Long Biên) vẫn tới chợ.
“Nhiều người đặt mua hàng nên tôi vẫn bán sáng nay nhưng cũng mong hết sớm để về, bởi lo bão vào sâu, sẽ mưa to hơn”, chị Thanh Mai nói. Dù mưa bão, giá thịt lợn chị bán ra vẫn như ngày thường, từ 120.000 đến 130.000 đồng/kg tùy loại.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Khương, kinh doanh rau củ tại chợ Gia Lâm cho biết, chị vẫn tiếp tục bán buổi sáng nay. Lượng hàng nhập vào chỉ tương đương ngày thường nhưng giá rau quả đầu vào tăng nên chị cũng bán tăng hơn từ 5.000 đến 8.000 đồng/kg, tùy loại.
Một số tiểu thương tại các chợ Phú Gia (quận Tây Hồ), Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng)… cũng cho biết, giá rau đầu vào tăng hơn ngày thường do mưa gió ít người thu hoạch, nên giá bán tăng hơn. Tuy nhiên, các tiểu thương tập trung bán các loại củ quả, giảm lượng rau do nhiều người lựa chọn củ quả hơn.
Tại các chợ, bí xanh, mướp, dưa chuột, đỗ xanh cùng có giá 25.000 đồng/kg, bắp cải 20.000 đồng/kg, cà chua 40.000 đồng/kg, rau muống 13.000 đồng/mớ…
Bà Phùng Thị Thanh Hà, đại diện Ban quản lý chợ Gia Lâm thông tin, trong chiều qua, Ban quản lý chợ đã nhắc nhở các tiểu thương ở xa tạm nghỉ kinh doanh để bảo đảm an toàn, đồng thời khuyến cáo không tăng giá bán các mặt hàng.
Ghi nhận tại nhiều chợ trên địa bàn như: Châu Long (quận Ba Đình), Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), lượng tiểu thương kinh doanh đều giảm một nửa, người tới chợ mua sắm cũng ít hơn so với hôm qua.
Siêu thị dồi dào hàng hóa
Trong khi đó, ghi nhận tại các siêu thị, hàng hóa rất dồi dào, lượng người tới mua sắm vẫn khá nhiều, song có giảm so với hôm qua.
Ghi nhận tại siêu thị WinMart Nguyễn Văn Cừ quận Long Biên lúc 10h sáng nay, không đông người mua, rau xanh, thịt, cá, củ quả đầy các quầy kệ.
Chị Thu Hằng, nhân viên siêu thị cho biết, hai ngày nay, nhân viên toàn siêu thị ứng trực đầy đủ, bảo đảm tiếp hàng liên tục lên quầy kệ. “Dù hôm nay, lượng người tới không đông như hôm qua nhưng chúng tôi xác định sẽ về muộn hơn để phục vụ người mua”, chị Thu Hằng nói.
Đại diện hệ thống siêu thị này cho biết, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao, siêu thị đã chủ động dự trữ nguồn hàng thiết yếu, đồng thời, làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để duy trì nguồn cung ổn định và cam kết bình ổn giá, không tăng giá trong thời gian diễn ra bão.
Chị Lê Thị Thủy, quản lý cửa hàng Bác Tôm trên phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên, cũng thông tin, sáng nay, hàng hóa về cửa hàng dồi dào, giá vẫn như ngày thường.
Ghi nhận tại siêu thị Co.opmart, BRG, BigC, sáng nay, hàng hóa dồi dào, lượng người tới mua sắm giảm hơn so với hôm qua. Đại diện hệ thống Co.opmart cho biết, với kinh nghiệm ứng phó với dịch Covid-19, Co.opmart đã chủ động sắp xếp nhân sự, linh hoạt ca làm việc, duy trì kênh bán hàng online.
Siêu thị đã tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 so với ngày thường. Các mặt hàng được tăng cường dự trữ bao gồm: Rau xanh, củ quả, gạo, mì ăn liền, bún ăn liền, đường, dầu ăn, bột ngọt…
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc BRGMart, hệ thống siêu thị đã đặt hàng, tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu 30% so với bình thường, giá cả hàng hóa không có biến động và các chương trình khuyến mại thúc đẩy tiêu dùng, bình ổn giá vẫn được triển khai toàn diện.
Còn Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ, nhằm bảo đảm nguồn cung ứng, siêu thị Big C đã làm việc với nhà cung cấp, tăng gấp đôi nguồn hàng. Bên cạnh đó, siêu thị tăng thời gian mở cửa tới 23h, thay vì 22h như ngày thường.
Kiểm tra việc dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trước khi siêu bão số 3 đổ bộ vào tối muộn 6-9, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết, hàng hóa được doanh nghiệp các địa phương chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo phục vụ người tiêu dùng trước, trong và sau bão. Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không nên đi mua, tích trữ quá nhiều hàng hóa so với nhu cầu.
Còn theo bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, cơ quan này đã yêu cầu các siêu thị, doanh nghiệp, nhà phân phối tăng lượng dự trữ các mặt hàng thiết yếu. Hiện, nguồn hàng hóa trên thị trường rất dồi dào, người dân không nên quá lo lắng việc thiếu lương thực, thực phẩm.