Trước đây chỉ dòng máy bay tiêm kích hạng nặng MiG-31K được sửa đổi từ MiG-31 mới có khả năng mang tên lửa siêu thanh Kh-47.
Bởi tên lửa Kh-47 có kích thước của quả tên lửa khá lớn, nên rất ít dòng máy bay có thể mang được chúng.
Tên lửa siêu thanh Kh-47 Kinzhal có chiều dài khoảng 8 m, đường kính 1m, sải sánh 1,5 m. Trọng lượng tên lửa vào khảng 3.8 tấn, trong khi đầu đạn nặng 0.5 tấn.
Tuy nhiên bất ngờ khi hãng thông tấn TASS ngày 4/9 dẫn nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga cho biết kíp phi công đầu tiên điều khiển tiêm kích bom Su-34 khai hỏa tên lửa siêu vượt âm Kh-47 Kinzhal trong chiến dịch tại Ukraine đã được trao phần thưởng cấp nhà nước.
Đây là lần đầu xuất hiện thông tin Nga sử dụng tiêm kích bom Su-34 Nga phóng tên lửa Kinzhal, thay cho tiêm kích hạng nặng MiG-31K.
Ông Sidharth Kaushal, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cho rằng gắn tên lửa Kh-47 Kinzhal lên máy bay Su-34 là bước đi hợp lý của quân đội Nga, giúp đa dạng hóa khí tài, đồng thời giảm tải đáng kể cho biên đội MiG-31K.
Không quân Nga (VKS) hiện có ít nhất 10 tiêm kích MiG-31K được hoán cải để chuyên mang tên lửa Kh-47 Kinzhal.
Trong trường hợp cần thiết, VKS có thể huy động tối đa 30-35 máy bay MiG-31K cho nhiệm vụ tấn công bằng tên lửa siêu vượt âm Kh-47.
Con số này thấp hơn nhiều so với phi đội 120 chiếc cường kích đa năng Su-34 đang có trong biên chế VKS.
Chênh lệch càng đáng kể khi cường kích đa năng Su-34 đòi hỏi chi phí vận hành và bảo dưỡng thấp hơn, tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu cao hơn so với dòng tiêm kích hạng nặng MiG-31.
"Su-34 mang tên lửa Kh-47 Kinzhal sẽ giải phóng lượng lớn tiêm kích MiG-31 cho nhiệm vụ tuần phòng tiền tuyến. Radar mạnh mẽ và tên lửa đối không tầm xa R-37M của MiG-31 luôn là công cụ hữu ích", ông Kaushal nhận định.
Việc giảm tải cho MiG-31 cũng là để trả cho dòng chiến đấu cơ hạng nặng này về vai trò tiêm kích phòng thủ tầm xa thay vì vai trò tấn công phủ đầu.
Tiêm kích MiG-31, có tên định danh của NATO là Foxhound, có chuyến bay thử đầu tiên vào năm 1975.
Máy bay có chiều dài 21,62 m, trọng tải cất cánh tối đa 46,2 tấn, như vậy tải trọng khi cất cánh tối đa của MiG-31 tương đương với xe tăng T-90A.
Trọng lượng nặng là do thân máy bay được gia cố vững chắc để có thể chịu được vận tốc cực cao mà không xé rách thân máy bay, nhiều vị trí còn được gia cường bằng thép và titan.
Có thể nói, bầu trời nước Nga đang được bảo vệ bởi loại máy bay "độc nhất", MiG-31 có thể đánh chặn bất kỳ mục tiêu nào.
MiG-31 có thể tiêu diệt từ các tên lửa hành trình cho đến cả vệ tinh, trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm và ở bất kỳ tốc độ nào.
Các nhà phân tích hàng không quân sự thì tin rằng ở khả năng đánh chặn thì không có một loại máy bay chiến đấu nào khác có thể cạnh tranh được với tiêm kích MiG-31 của Nga trong thời gian 10 - 15 năm tới.
Một nhóm nhỏ tiêm kích MiG-31 cũng có thể giám sát một vùng không phận rộng lớn. Sức mạnh của MiG-31 chính là Radar Zaslon S-800 có tầm phát sóng cực mạnh cùng với hai động cơ có lực đẩy cực lớn.
MiG-31 là máy bay chiến đấu đầu tiên trên thế giới được trang bị radar quét mạng pha điện tử bị động, Zaslon S-800.
Tầm hoạt động tối đa của radar này đối với các mục tiêu có kích thước máy bay chiến đấu xấp xỉ 200 km.
Radar trên MiG-31 có thể theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu và tấn công 4 mục tiêu trong số đó với tên lửa mang theo.
Ăng-ten radar mảng pha trên radar của MiG-31 khác biệt so với các radar cổ điển ở chỗ, nó cho phép dịch chuyển chùm tia bức xạ trong khi ăng-ten được gắn cố định, cũng như tạo ra số lượng những tia bức xạ cần thiết để theo dõi đồng thời nhiều mục tiêu khác nhau.
Có thông tin Nga đã nâng cấp radar trên MiG-31 để chúng có thể phát hiện được tới 24 mục tiêu ở khoảng cách xa 320km.
Hệ thống máy tính trên khoang cho phép phi công có thể lựa chọn ra những mục tiêu nguy hiểm nhất và trực tiếp phóng tên lửa không - đối - không tầm xa để tiêu diệt.
MiG-31 được trang bị cặp động cơ tuốc bin phản lực Aviadvigatel D30-F6 cho phép nó đạt tốc độ tối đa mach 1.23 ở độ cao thấp.
Tốc độ tới hạn trên độ cao lớn đạt Mach 2,83, nếu dùng nhiên liệu phụ trội thì tốc độ của nó vượt qua Mach 3,2.
Tuy nhiên phi công được khuyên không nên bay ở tốc độ này bởi có thể làm hỏng động cơ.
MiG-31 có thể đạt tầm bay 3.000 km khi có thùng dầu phụ.
MiG-31 có thể trang bị 4 tên lửa tầm xa R-33, ngoài ra tiêm kíc này còn có thể trang bị các loại tên lửa tầm trung và tầm ngắn như R-40, R-60, bên cạnh đó là khẩu pháo cỡ nòng 23 mm.
MiG-31 nâng cấp còn có thể mang theo mang theo 6 tên lửa tầm xa R-37 (RVV-BD) và 2 tên lửa tầm ngắn R-73.
Đặc biệt, với sự ra đời của siêu tên lửa Kh-47 biệt danh "Dao găm" trang bị trên phiên bản MiG-31K đủ khả năng xuyên thủng mọi hàng phòng thủ của đối phương.
MiG-31 có 2 chỗ ngồi, phía trước là phi công điều khiển bay, còn đằng sau là phi công vận hành hệ thống vũ khí.
MiG-31 lần đầu tiên được đưa vào sử dụng trong lực lượng Không quân Liên Xô vào năm 1981.
Sau khi Liên Xô tan rã thì không quân Nga và Không quân Kazakh là hai lực lượng chính sử dụng MiG-31.