Chở Tết lên non

PTĐT - Khi những làn sương còn dày đặc, ôm trọn lấy bản làng, phủ kín trên khắp lối đi đến từng nhành cây, ngọn cỏ, những chiếc xe ô tô với đèn pha sáng choang đã phá tan màn đêm bao phủ để mang theo vô số những hàng hóa lên miền sơn cước. Nhờ vậy mà đồng bào vùng cao có cái Tết đủ đầy.

Người dân xã Thượng Cửu cẩn thận chọn từng chiếc lá dong về gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết.

Người dân xã Thượng Cửu cẩn thận chọn từng chiếc lá dong về gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết.

Sáng sớm tinh mơ, người dân khắp các bản thuộc vùng Tam Cửu (bao gồm các xã Đông Cửu, Thượng Cửu, Khả Cửu thuộc huyện miền núi Thanh Sơn. Đây là khu vực tập trung chủ yếu là đồng bào Dao, Mường, cách xa trung tâm huyện lỵ cả mấy chục km) đã trở dậy xuống núi đi chợ phiên. Chợ phiên vùng cao có đặc điểm họp rất sớm nên còn được gọi là “chợ họp trong sương”, khi sương tan cũng là lúc chợ vãn người mua, bán và chuẩn bị tan. Chợ ở các xã vùng cao này họp vào những ngày nhất định, mỗi phiên cách nhau đến cả tuần lễ. Bởi vậy, không khó để lý giải vì sao người ta lại háo hức chờ phiên chợ đến vậy. Lúi húi bên chậu cá tươi rói còn vẫy vùng trong nước, chị Phạm Thị Lan, khu 12, xã Hoàng Xá, Thanh Thủy kể: “Chúng tôi bán hàng ở đây đã được hơn 20 năm. Ngày trước đường xá đi lại khó khăn, phải thồ hàng bằng xe đạp và chủ yếu bán những mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày của bà con. Sau này cứ thấy người dân ở đây cần mặt hàng gì chúng tôi lại lấy mặt hàng đó, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân mà hàng hóa lại bán chạy, không bị tồn ứ”.
Phiên chợ này, trên xe hàng của chị Lan không chỉ có những thực phẩm tươi sống như thường ngày mà còn chở thêm nào mứt, hạt dưa, bánh kẹo theo nhu cầu người dân. Gần đó, sạp hàng gia dụng của một thương lái ở xã Văn Miếu cũng nhanh chóng được sắp xếp gọn gàng với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu. Xa xa những dây quần áo đầy màu sắc, kiểu dáng được người bán treo lên… Tất cả đã sẵn sàng phục vụ người dân mua sắm, chuẩn bị đón Tết. Không lâu sau đó, bắt đầu xuất hiện tiếng chân đi lại, tiếng trò chuyện càng lúc càng to, rõ. Không gian tĩnh mịch đầu sớm của bản làng thoắt cái đã nhộn nhịp và sinh động. Núi rừng như được đánh thức.

Nhiều nhu yếu phẩm được người dân lựa chọn mua sắm chuẩn bị đón Tết.

Nhiều nhu yếu phẩm được người dân lựa chọn mua sắm chuẩn bị đón Tết.

Vừa bán hết sọt rau cải nương mà gia đình tự gieo, đang chuẩn bị quẩy ớp ra sau lưng đi sắm đồ Tết, bà Đinh Thị Nhẫn, người dân khu Tu Chạn, xã Thượng Cửu gật gù tỏ vẻ hài lòng: “Ngày xưa, hàng hóa khan hiếm lắm, muốn mua gì cũng khó phần không có tiền, phần có tiền không biết mua ở đâu. Sau này, nhờ những chuyến hàng của người buôn dưới xuôi mang lên bán chúng tôi được mua những thực phẩm tươi, đồ dùng trong gia đình và bán những nông sản như: Rau rừng, măng, khoai…, con giống lấy thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Chuyện mua sắm Tết cũng thuận tiện. Thay vì phải đi xuống tận trung tâm huyện hay gửi mua người trong bản trước đó cả tháng thì giờ đây, chỉ cần dặn các thương lái ở phiên chợ trước là phiên sau có hàng...”.Hiện những phiên chợ ở khu vực Tam Cửu quy tụ rất nhiều thương lái ở các địa phương Hoàng Xá (Thanh Thủy), Văn Miếu, Võ Miếu (Thanh Sơn), Tứ Xã (Lâm Thao)... Mỗi người bán một mặt hàng khác nhau từ các loại rau củ, thực phẩm đến mặt hàng điện gia dụng, đồ dùng sinh hoạt... phục vụ nhân dân. Ông Hà Ngọc Nga- Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Cửu cho biết: “Hàng hóa được vận chuyển, trao đổi thông qua những chuyến xe hàng đều đặn của những thương lái dưới xuôi vào mỗi phiên chợ không chỉ giúp người dân được tiêu dùng những nhu yếu phẩm, hàng hóa cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày mà còn giúp đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông sản của người dân địa phương, từ đó kích thích sản xuất, nâng cao thu nhập… Nhiều năm trở lại đây, những phiên chợ giáp Tết rất đông vui, nhộn nhịp kẻ mua, người bán, đó là tín hiệu vui cho thấy đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng lên rõ rệt”.Những ngày giáp Tết Canh Tý, giữa núi rừng trùng điệp, những chuyến xe của các tiểu thương vẫn vượt mấy chục cây số về với bản làng, không chỉ chở hàng hóa mà còn mang cả hơi ấm tình người, góp thêm chút hương sắc mùa xuân cho những nơi cách trở, xa xôi.

Lệ Oanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202001/cho-tet-len-non-168789