Chợ Tết nơi vùng cao Tây Bắc

Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, chợ Tết ở Lai Châu là nơi hội tụ sắc màu văn hóa của 20 dân tộc anh em sinh sống. Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão, chợ đông đúc, nhộn nhịp, tấp nập bán mua.

Hai người đàn ông dân tộc Mông bán lá dong và lạt. Họ rất chịu khó lên rừng lấy lá dong và tre lứa về chẻ lạt về bán, kiếm tiền tiêu Tết.

Hai người đàn ông dân tộc Mông bán lá dong và lạt. Họ rất chịu khó lên rừng lấy lá dong và tre lứa về chẻ lạt về bán, kiếm tiền tiêu Tết.

Khi hoa mận nở trắng rừng, hoa đào nở bên sườn núi, cũng là dịp Tết đến xuân về. Với đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Lự, Hoa, Kháng ở huyện Tam Đường - cửa ngõ của tỉnh Lai Châu - thì chợ Tam Đường là trung tâm mua bán, đặc biệt là vào dịp giáp Tết.

Chợ được xây dựng khang trang, rộng rãi, bày bán đủ thứ, từ đèn điện đồ gia dụng, đến quần áo, sản vật, rau củ quả hoa lá... Ngoài các gian hàng bán trong chợ, thì nơi thu hút, tập trung đông nhất là khu vực bán đồ sản vật địa phương. Trước đây, khi đường xá đi lại khó khăn, đời sống kinh tế chưa phát triển như hiện nay, bà con ở bản làng xa phải đi bộ từ tờ mờ sáng đến chợ. Nhưng giờ đây, đời sống nhân dân các dân tộc Lai Châu đã khá hơn nhiều, bà con đi chợ chủ yếu sử dụng xe máy, vì thế xe máy dựng kín quanh chợ và khu bãi đỗ xe vào dịp cuối tuần, đặc biệt những ngày giáp Tết.

Chợ Tết vùng cao không thiếu thứ gì.

Chợ Tết vùng cao không thiếu thứ gì.

Là địa bàn có tới 37,25% dân tộc Mông sinh sống, chợ Tam Đường bày bán khá nhiều trang phục của người Mông. Trang phục của phụ nữ Mông rất độc đáo, cầu kỳ, gồm váy, áo, thắt lưng, sà cạp, khăn cuốn trên đầu (hoặc mũ), trang sức đi kèm là vòng cổ, vòng đeo tay và hoa tai. Váy của phụ nữ Mông là váy mở, rộng, có nhiều nếp gấp, khi đi, váy xòe ra như bông hoa rực rỡ sắc màu. Trước đây, váy áo được làm bằng vải lanh, được thêu tay tỉ mẩn. Nhưng ngày nay, phụ nữ Mông thường mua vải bán sẵn về may, thậm chí là mua sẵn váy áo, vì thế các bộ trang phục cũng bớt phần độc đáo, hầu hết đều từa tựa như nhau.

Trang phục của người phụ nữ Mông khá cầu kỳ. Cô bé được mẹ cho đi chợ chọn quần áo và thử mũ diện Tết.

Trang phục của người phụ nữ Mông khá cầu kỳ. Cô bé được mẹ cho đi chợ chọn quần áo và thử mũ diện Tết.

Chị Linh dân tộc Lô Lô bán hàng tại chợ Tam Đường cho biết: Vải chủ yếu nhập từ Trung Quốc, với hoa văn màu sắc đa dạng. Váy áo may sẵn cũng rất nhiều. Nói chung ở chợ giờ không thiếu thứ gì.

Nằm ngay cửa ngõ thành phố Lai Châu, chợ phiên San Thàng họp sáng thứ 5 và sáng Chủ nhật hàng tuần. Trước đây, khi chưa chia tách tỉnh, chợ có tên gốc là chợ Tam Đường đất, họp ở khu đất trống, nằm ven suối, khá đơn sơ. Giờ đây, chợ được xây dựng khang trang, sạch sẽ, được quy hoạch bài bản, phân chia thành các khu vực mua bán khác nhau, nơi bán lợn gà, nơi bán rau củ quả, nơi bán bánh trái, phở bún các loại, nơi bán quần áo…

Sáng sớm, khi sương mù còn giăng triền núi, mặc thời tiết cuối đông đầu xuân lạnh thấu xương, bà con đi xe máy đến chợ và mang theo rất nhiều sản vật, ngoài mật ong, măng, đỗ, vừng, gạo lạc, thảo quả, các loại rau củ quả như cải mèo, nấm hương, đậu hà lan, lợn gà… thì gần Tết còn có thêm lá dong, lá chuối, lạt gói bánh, chuối xanh, hoa lan, đào rừng. Chợ San Thàng bán đủ thứ, từ cái kim sợi chỉ, dao búa niềm, đến quần áo, sản vật địa phương và đồ ăn…

Khu vực bán lợn cắp nách ở chợ San Thàng, tập trung đông đúc người mua người bán.

Khu vực bán lợn cắp nách ở chợ San Thàng, tập trung đông đúc người mua người bán.

Đến chợ San Thàng, nhất định phải thưởng thức món thắng cố, phở chua, hay các loại bánh… Điều đặc biệt, tất cả các món đều do bà con dân tộc tự làm, đậm hương vị độc đáo, là bánh bỏng giòn tan quyện ngọt giữa đường và gạo nếp, là bánh khảo thơm phức, hay bán rán mật, bánh quẩy của bà con dân tộc Giáy; là bánh bò vị khá độc đáo, bánh dày dẻo thơm của đồng bào Mông…

Đến chợ San Thàng, nhất định du khách phải thưởng thức các loại bánh, với vị đặc trưng riêng.

Đến chợ San Thàng, nhất định du khách phải thưởng thức các loại bánh, với vị đặc trưng riêng.

Nếu du khách thích ăn bún phở thì phở Nhắng là món ăn không thể bỏ qua. Bánh phở được làm thủ công, dùng kéo cắt tại chỗ, nước phở được ninh từ xương lợn với nhiều gia vị độc đáo, qua các công đoạn cầu kỳ của người dân tộc Giáy. Bát phở nóng hổi, thơm ngon, nước phở trong, vị thơm ngon đặc trưng, riêng có, hấp dẫn từ mùi vị đến cảm quan.

Chợ San Thàng là nơi trao đổi mua bán, là nơi giao lưu văn hóa của bà con các dân tộc trong vùng. Từ tháng 12/2019, chợ đêm San Thàng được tổ chức và đi vào hoạt động, tạo nên một sản phẩm du lịch hấp dẫn với du khách khi đến Lai Châu. Chợ đêm San Thàng còn tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ.

Một phiên chợ độc đáo khác ở Lai Châu, đó là phiên chợ “sừng” họp vào ngày con có sừng (ngày Sửu, ngày Mùi) trong tháng, ở xã biên giới Sì Lở Lầu (tiếng Quan Hỏa, Sì Lở Lầu nghĩa ra là 12 tầng dốc), huyện Phong Thổ. Chợ được họp vào thứ Bảy, Chủ nhật, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Dao đỏ, Hà Nhì, Mông.

Thảo quả là sản vật độc đáo ở các phiên chợ nơi vùng cao Tây Bắc.

Thảo quả là sản vật độc đáo ở các phiên chợ nơi vùng cao Tây Bắc.

Chợ chủ yếu bán sản vật địa phương, đồ thêu tay, đồ trang sức của đồng bào như vòng tay, vòng cổ, thắt lưng, khuyên tai, xà tích bằng bạc, rất đẹp mắt. Bên cạnh đó, du khách được thưởng thức các món ẩm thực đặc sản của người dân bản địa như: Rượu thóc, dưa khô, phở thái tay… Nếu đến Lai Châu, du khách nhất định phải đến Sì Sở Lầu và phải đến chợ phiên.

Mùa xuân đã về trên khắp mọi miền đất nước. Là một trong những tỉnh khó khăn nhất cả nước, nhưng với đồng bào các dân tộc Lai Châu, niềm hy vọng về nhiều mùa xuân ấm no và những phiên chợ Tết đủ đầy vẫn theo họ về khắp các bản làng.

Ngọc Thảo

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/cho-tet-noi-vung-cao-tay-bac-348017.html