Chợ tết xưa trong ký ức tuổi thơ

Mỗi độ tết đến, xuân về với tôi luôn là một cột mốc đáng nhớ của đời người. Càng lớn tuổi và sống xa quê lâu năm tôi lại thường nhớ về quá khứ, nhớ về những năm tháng tuổi thơ với bao kỷ niệm đã lùi vào dĩ vãng. Nhớ nhất vẫn là những lần theo mẹ đi chợ tết. Chợ tết ở quê xưa đã theo tôi suốt thời thơ ấu và mãi đến tận bây giờ mỗi lần tết đến xuân về vẫn thấy trong lòng nao nao.

Chợ tết xưa ở quê tôi được tính là những phiên chợ giáp ngày Tết Nguyên đán, khoảng từ 25 đến ngày 30 tháng Chạp. Lúc này đã là đầu xuân nhưng tiết trời vẫn se lạnh. Bầu trời không còn âm u như những ngày đông mà đã có nắng nhạt. Khác với những phiên chợ ngày thường chỉ họp buổi sáng, hàng hóa ít, người mua bán không đông; những phiên chợ tết, họp cả ngày, từ sáng sớm đến xẩm tối lúc nào cũng đông người mua, kẻ bán. Một số sạp buôn bán chuyên nghiệp thì còn bán hàng tới khuya mới nghỉ. Quang cảnh chợ tết luôn nhộn nhịp, sôi động, không khí xuân tràn ngập chợ quê. Chợ tết ở quê tôi ngày xưa ấy vẫn là một phần của cái nghèo ở vùng đồi trung du thuần nông đơn điệu, nhưng ở quê, người dân luôn tìm thấy sự gần gũi, chan hòa. Đời sống vật chất chưa đủ đầy nhưng cảm xúc êm đềm, chân thật thấm đẫm tình người, tình quê hương. Có điều gì đó thật tự nhiên, thật thoải mái, mộc mạc, chân quê. Chợ tết quê xưa, với lũ trẻ tụi tôi, nhìn cái gì cũng đẹp, cũng lạ mắt, cũng thích được mẹ mua cho. Khi xưa, hàng hóa ở chợ quê chưa nhiều như ngày nay nhưng chợ tết hàng hóa các loại cũng được bày bán khắp cả bên trong và bên ngoài chợ. Hàng hóa mua bán đa phần là những thứ nông sản “tự sản tự tiêu”. Về lương thực có các loại gạo nếp, gạo tẻ, gạo tám thơm. Về thực phẩm có gia cầm, thủy sản, thịt lợn, trứng gà, trứng vịt, bắp cải, su hào, xà lách, súp lơ, các loại rau sống, rau thơm, hành, ớt, tỏi làm gia vị. Các loại củ, quả như: khoai từ, khoai tím, bí đỏ, bí đao, cà chua, gấc đỏ để đồ xôi, cho tới những phên đường mía, mật mía đều là sản phẩm của người dân quê tôi làm ra. Trái cây có chuối, cam, quýt, bưởi, bòng, táo để thắp hương trong ngày tết, rồi đỗ xanh, lá dong gói bánh, đều được bày bán nhiều. Ở một góc chợ còn bán lá trầu, vôi và những buồng cau đã tách ra thành nhánh nho nhỏ thuận cho người mua; một ít rổ, rá đan bằng tre, nứa. Còn có cả nồi, xoong, chảo, hàng chén, đũa mới, hàng dao, thớt gỗ dùng để chặt thịt... Người dân mang ra chợ tết hầu như tất cả những sản vật của vùng quê tôi sinh sống. Tuy giá trị không cao, nhưng lại là niềm vui được trao đổi hàng hóa trong phiên chợ tết, người buôn bán chuyên nghiệp cũng như người nông dân một nắng hai sương trên ruộng đồng đều vui vẻ được tham gia góp phần làm nên sự náo nhiệt và sắc thái riêng của chợ tết quê.

Chợ tết ở quê xưa càng thêm nhộn nhịp hơn với những trò chơi dân dã mà người tham gia chủ yếu là giới trẻ như trò bịt mắt đập niêu có thưởng, trò leo cầu đốt pháo... Sau khi theo mẹ lướt qua chợ xem một lượt, mỗi đứa đều được mẹ cho một ít tiền lẻ để ăn quà trong lúc chờ mẹ mua sắm hàng tết. Lũ trẻ chúng tôi thường tập trung nơi có mấy bàn quay kẹo kéo, cùng bỏ số tiền bằng nhau để mua kẹo kéo nhưng nếu quay trúng số to thì được nhiều kẹo, quay số nhỏ thì được ít kẹo hơn. Tôi còn nhớ, những đứa may mắn được nhiều kẹo thì mặt mày hớn hở, miệng cười toe toét, đứa được ít kẹo vẻ mặt cũng có chút thoáng buồn... Đi chợ tết ở quê xưa cùng mẹ quả là điều thú vị, cứ nghĩ như đi trẩy hội. Dưới con mắt trẻ thơ, chợ tết cái gì cũng lạ, cái gì cũng đẹp, cũng thích. Lũ trẻ chúng tôi tha hồ ngắm nhìn những viên kẹo xanh đỏ hay mấy thứ đồ chơi bằng giấy, bằng đất sét nặn, phơi khô rồi quết màu xanh, đỏ, tím, vàng nhìn ngộ nghĩnh. Tôi thích nhất là những cái trống bỏi, món đồ chơi dân gian được bày bán nhiều vào dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. Trống bỏi có cấu tạo đơn giản với mặt trống bằng bìa, tang trống bằng đất sét, dùi trống là que gỗ nhỏ. Trống gắn với cán tre qua trục xoay bằng kim loại. Khi cầm và xoay, các khía của cán tác động vào dùi trống khiến dùi trống đập liên hồi vào mặt trống tạo nên âm thanh giòn giã. Chợ tết ở quê xưa còn có cả cụ đồ bán những câu đối tết, có cả chữ nho và chữ quốc ngữ mà lũ trẻ chúng tôi trố mắt nhìn chẳng hiểu chút gì. Chợ tết quê xưa không thể thiếu những cành đào, những chậu cúc cắt tại vườn nhà mang ra bán, không cầu kỳ tỉa tót, chơi hoa ngày tết ở quê xưa thật giản đơn... Chợ tết quê ngày nay đã có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại. Chợ không còn chỉ gói gọn trong các khu chợ, những địa điểm nhất định mà đã tỏa ra mọi ngóc ngách của cuộc sống trong sự phát triển của công nghệ thông tin và các loại hình dịch vụ. Việc chuẩn bị tết cũng trở nên dễ dàng hơn, chỉ cần một tiếng đồng hồ ra chợ hay vào siêu thị là có đủ mọi thứ cần mua cho một cái tết sung túc.

Tết Nhâm Dần đã cận kề. Sắc xuân đã ngập tràn muôn nơi, trong tôi như có một sự thôi thúc mãnh liệt tìm về với những giá trị văn hóa cội nguồn; lòng bâng khuâng nhớ về làng quê xưa nơi chôn nhau cắt rốn của mình như để được cảm nhận hương vị ngày Tết cổ truyền. Chợ tết quê xưa không nhiều lời mời chào đon đả, không đôi co níu kéo trả cheo mà mộc mạc như chính bản chất của người dân quê tôi thật bình dị, khiêm nhường. Với tôi những món quà, những vật phẩm chợ tết ở quê xưa rất bình thường nhưng không tầm thường. Bởi hương vị của nó là hương vị của tuổi thơ, của ký ức quê nhà. Chợ tết ở quê xưa trở thành nỗi nhớ da diết khôn nguôi trong tôi mỗi khi tết đến, xuân về.

NGUYỄN HOÀI SƠN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202202/cho-tet-xua-trong-ky-uc-tuoi-tho-3101715/