Chó thả rông, không rọ mõm bị phạt nặng ở nhiều nơi

Tại nhiều quốc gia, dây xích, rọ mõm là hai thứ bắt buộc nếu người chủ muốn đưa chó, mèo ra nơi công cộng. Một số gửi thú cưng đi học lớp huấn luyện nghe lời trước khi đem về nuôi.

Hơn 4,5 triệu người bị chó cắn mỗi năm ở Mỹ và hơn 800.000 người được chăm sóc y tế khi bị chó cắn, theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC). Ít nhất một nửa trong số những người bị cắn là trẻ em.

Để giảm thiểu tình trạng trên, 50 bang ở Mỹ có những quy định khác nhau về việc dắt chó đi dạo ngoài nơi công cộng, song đều có yêu cầu chung ở một điểm: chủ sở hữu phải có dây buộc hoặc xích khi cho chúng ra đường.

Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng ra quy tắc tương tự để cân bằng giữa việc cho thú cưng được ra ngoài chơi với đảm bảo an toàn cho người xung quanh.

 Để quản lý tình trạng chó thả rông, chủ nuôi tại nhiều nơi chỉ được phép đưa con vật ra đường khi đã chuẩn bị dây buộc. Ảnh: Japan Times.

Để quản lý tình trạng chó thả rông, chủ nuôi tại nhiều nơi chỉ được phép đưa con vật ra đường khi đã chuẩn bị dây buộc. Ảnh: Japan Times.

Dây xích, rọ mõm là bắt buộc

Tại Ireland, các chú chó khi ra ngoài phải do người trên 16 tuổi dẫn đi, bằng dây xích dài không quá 1m. Chó phải được rọ mõm bất cứ khi nào ở nơi công cộng, đeo vòng cổ có ghi tên hoặc địa chỉ của chủ nhân.

Còn ở New Zealand, theo Đạo luật Kiểm soát chó có hiệu lực từ năm 1996, người muốn nuôi ngoài cần chứng minh các điều kiện cần thiết mới được phép nuôi, còn có thể gửi thú cưng đi các lớp huấn luyện riêng biệt trước khi mang chúng về nhà.

Ngoài ra, chủ có thể lên mạng dùng tên mình để đăng ký micro chip gắn vào vật nuôi phòng trường hợp đi lạc.

Trên các phương tiện giao thông công cộng, vật nuôi cần được để trong lồng hoặc balô chuyên dụng. Các giống hung dữ được phân loại có tính đe dọa như Pitbull phải được rọ mõm khi ở nơi đông người. Những con chó từng tấn công người khác bắt buộc chủ phải rọ mõm và giữ chúng bằng dây xích toàn thời gian khi ra ngoài đường.

Chó không được sủa hay hú, làm ảnh hưởng đến người khác. Nếu chó cắn người hay các con vật nuôi khác, người chủ có thể bị truy tố và phạt tiền lên đến 3.000 NZD.

 Lisa Sturm, giám đốc trường huấn luyện chó ở New Zealand, với chú chó Mouse. Ảnh: Stuff.

Lisa Sturm, giám đốc trường huấn luyện chó ở New Zealand, với chú chó Mouse. Ảnh: Stuff.

Ở Singapore, các cá nhân được phép nuôi tối đa 3 con chó. Chó khi ra đường phải có dây xích, không được phép thả rông, theo Dịch vụ Động vật và Thú y Quốc gia. Mức tiền phạt cao nhất nếu làm trái là 5.000 SGD.

Mọi con chó trên 3 tháng tuổi phải được cấp phép kiểm soát bệnh dại từ Cơ quan Thú y và Thực phẩm Nông nghiệp (AVA). Giấy phép này có giá trị trong 1 năm và phải được gia hạn hàng năm.

Một số giống chó như German Sheppard, Rottweiler, Bull Terrier nằm trong danh sách hạn chế ở Singapore. Những giống chó này cần được rọ mõm và xích mọi lúc ở nơi công cộng.

Trước khi được nuôi các giống này, chủ chó phải đưa con vật đến các lớp huấn luyện vâng lời từ HLV được AVA chứng nhận. Mỗi nhà chỉ được phép nuôi một con chó đối với các giống chó bị hạn chế, theo Pet Traveller.

Một số yêu cầu khác là người nuôi có nhiệm vụ kiểm soát con vật của mình, không để thú cưng quấy rầy đến người xung quanh như sủa quá nhiều, quấy phá tại các địa điểm công cộng, chạy theo ôtô. Nếu vi phạm, giấy phép nuôi sẽ bị thu hồi hoặc không được phép gia hạn.

Tại Canada, ngoài xích và rọ mõm, người mang chó, mèo ra đường phải chuẩn bị thêm túi đựng phân. Chúng được chạy rông ở một số khu vực nhất định, như công viên dành riêng cho chó, mèo.

Mức phạt cao nhất cho chủ nuôi vi phạm lên tới hàng trăm USD, theo Đạo luật về trách nhiệm của chủ sở hữu chó có hiệu lực vào năm 2005.

Thu thập DNA của chó

Tây Ban Nha, ngoài thu thập DNA của chó để ngăn chặn việc bỏ rơi và lạm dụng vật nuôi, công nghệ này còn được sử dụng để theo dõi những người cho thú nuôi phóng uế bừa bãi mà không thu dọn.

Hồi tháng 1, một người phụ nữ giấu tên sinh sống tại vùng Valencia nhận được email từ chính quyền khu vực Benalmadena, thông báo về việc cô bị phạt tiền vì để chó đi vệ sinh ngoài nơi công cộng vào tháng 8/2021, khi cô đi nghỉ dưỡng ở địa phương này.

Tháng 9/2020, cô từng đăng ký phân tích mẫu ADN của thú cưng với ADN Canino - một công ty chuyên thu thập và duy trì cơ sở dữ liệu DNA chó khắp cả nước, để đề phòng thú cưng lạc mất.

 Người phụ nữ Tây Ban Nha bị phạt tiền sau khi để chó cưng phóng uế trên vỉa hè. Ảnh minh họa: Pixabay.

Người phụ nữ Tây Ban Nha bị phạt tiền sau khi để chó cưng phóng uế trên vỉa hè. Ảnh minh họa: Pixabay.

Sau khi lấy mẫu phân của chú chó để lại trên vỉa hè đối chiếu với cơ sở dữ liệu, các nhà chức trách ở Benalmadena đã truy ra người chủ.

Qua sự việc của nữ du khách, các chính quyền địa phương ở Tây Ban Nha muốn cảnh báo những người chủ nên tự ý thức quản lý việc đi vệ sinh của thú cưng mình vì hoàn toàn có thể bị truy xuất thông tin và phạt tiền, dù là sống ở khu vực nào.

Tại Trung Quốc, luật phòng chống dịch bệnh động vật áp dụng trên cả nước từ tháng 5 năm ngoái, trong đó quy định muốn dắt chó, mèo ra ngoài cần bắt buộc có dây xích kèm thẻ thông tin. Con vật cũng cần được tiêm phòng dại định kỳ tại cơ sở y tế địa phương.

Giống với Mỹ, các thành phố lại có thêm những quy định riêng.

Thành phố Thâm Quyến ở miền Nam Trung Quốc bắt buộc người nuôi sử dụng vi mạch cho vật cưng để khuyến khích “nuôi chó văn minh”.

 Với tình trạng các vụ chó cắn, rượt đuổi người tăng cao, nhiều thành phố ở Trung Quốc siết chặt quy định dắt thú cưng ra đường. Ảnh: Sixth Tone.

Với tình trạng các vụ chó cắn, rượt đuổi người tăng cao, nhiều thành phố ở Trung Quốc siết chặt quy định dắt thú cưng ra đường. Ảnh: Sixth Tone.

Thành phố ven biển Thanh Đảo thiết lập chính sách mỗi hộ gia đình chỉ được phép nuôi một chú chó trong bối cảnh các thương tích liên quan đến loài vật này gia tăng.

Thành phố Vũ Hán cấm nuôi chó dữ và chó kích thước lớn trong khu dân cư, chó cảnh phải đeo rọ mõm khi đưa ra khỏi nhà. Ai bị phạt từ 2 lần trở lên bị nêu tên công khai, trừ điểm tín nhiệm.

Tuy nhiên, một số quy định về nuôi chó vấp phải chỉ trích là bất hợp lý, có phần cực đoan. Năm 2018, Hàng Châu, thành phố lớn tại miền Đông, ban hành luật cấm dắt chó đi dạo vào ban ngày.

Tháng 11/2020, chính quyền huyện Uy Tín (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) gây tranh cãi khi cấm các chủ nuôi dắt chó đi dạo bên ngoài và áp dụng hình phạt nặng đối với những người làm trái, theo Sixth Tone.

Bất kỳ ai bị phát hiện cho chó ra ngoài đường sẽ chịu cảnh cáo ở lần đầu. Nếu vi phạm lần thứ hai, họ phải nộp phạt 50-200 nhân dân tệ. Nếu tái phạm lần ba, vật nuôi sẽ bị công an địa phương bắt giữ và tiêu hủy.

Một quan chức họ Wu cho hay quy định xuất phát từ thực trạng gia tăng các xung đột liên quan đến vật nuôi giữa các cư dân. Người này cho biết nhiều trường hợp người dân bị cắn bởi những chú chó không có chủ đi kèm.

Mặt khác, cơ quan chức năng cũng ghi nhận các báo cáo vật nuôi bị giết hại sau các vụ mâu thuẫn. Tuy nhiên, không có luật cụ thể nào liên quan đến thú cưng trong nhà, do đó việc khởi kiện không thể thực hiện.

Du Fan, chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Động vật thành phố Vũ Hán, cho rằng chính sách mới của huyện Uy Tín là “vô nhân đạo”.

“Cố gắng giải quyết vấn đề không sai, nhưng tôi nghĩ cách tiếp cận này vi phạm các quy định pháp luật liên quan. Các chú chó không làm gì sai để phải chết”, ông Du nói.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cho-tha-rong-khong-ro-mom-bi-phat-nang-o-nhieu-noi-post1309769.html