Cho thời hậu Covid-19

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, dẫu chỉ một lần nhắc đến các chữ 'hậu Covid-19', nhưng cũng nhóm lên chút niềm vui rằng ngày đó rồi cũng đang đến, khi cả nước đến nay dường như đã thấm mệt với những 'đóng, mở' vì đại dịch.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ chú trọng các giải pháp để tiếp tục giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp (chi phí logistics, giá nguyên vật liệu), duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động; thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19.

Giai đoạn hậu Covid-19, lúc này có lẽ đó là một điều được trông đợi nhất. Hậu Covid-19, toàn dân có thể thoải mái ngồi ăn phở không phải nhìn trước ngó sau lo “giọt bắn”. Hậu Covid-19, lũ trẻ có thể thoải mái chen vai thích cánh đến các rạp chiếu phim mà không lo sẽ thành các “thế hệ” F. Hậu Covid-19, công nhân không lo đứt gãy việc dở chừng, nông dân không lo nông sản ùn ứ đổ bỏ và bệnh nhân không lo bệnh viện bị phong tỏa, trả họ về tự uống thuốc điều trị. Hậu Covid-19, người dân không còn phải ngán ngẩm bắt gặp trên các trang báo hàng ngày, 10 tin thì 9 tin về dịch bệnh… Có rất nhiều niềm vui đáng để háo hức khi có được cuộc sống trong thời hậu Covid-19.

Tuy nhiên, dịch bệnh này đã như một cuộc chiến mà khi nó đi qua, không thể không để lại tàn tích. Hậu Covid-19, rồi thì sao? Rất nhiều người có thể hòa chung không khí ngày toàn dân ăn phở rồi thì sẽ phải âu lo tiền ở đâu để ăn? Bệnh nhân được quay trở lại các bệnh viện, nhưng rồi lo tiền ở đâu để chữa?

“Khắc nghiệt” là từ mà Ủy ban Kinh tế dùng để nêu lên thực tế thị trường lao động đã và đang phải hứng chịu từ bối cảnh kinh tế bị càn quét bởi dịch bệnh Covid-19. Tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng; số lao động thất nghiệp tăng cao sẽ phát sinh tranh chấp về lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Cơ quan này còn ghi nhận một số ý kiến cho rằng, tình hình quan hệ lao động sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Chưa hết, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng năm 2021 tăng 1,47% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát thấp là do sức cầu trong nước quá yếu. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ; đồng thời đã bắt đầu xuất hiện doanh nghiệp có quy mô lớn rời bỏ thị trường, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp ngày càng suy giảm. “Hơn năm qua, nhiều doanh nghiệp phải cầm cự, “đu xà”, tưởng giai đoạn vừa qua là hết dịch. Nhưng dịch trở lại, họ mỏi, phải buông tay thôi và sắp tới còn buông nhiều hơn. Chỉ cần vài đợt dịch không kiểm soát được là sẽ buông tất” - PGS. TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bình luận trong một cuộc họp mới đây của Thường trực Ủy ban Kinh tế.

Chính phủ đang ráo riết thực hiện hàng loạt các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, theo Nghị quyết 68. Gói hỗ trợ trị giá 26 nghìn tỷ đồng, theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, là có nhiều cách làm “táo bạo”. Chính sách hỗ trợ được thiết kế đơn giản nhất, dễ tiếp cận nhất, thủ tục hành chính giảm khoảng 60% so với thủ tục các gói hỗ trợ trước.

Cùng với đó, nhiều chính sách hỗ trợ khác sẽ còn được nghiên cứu để ban hành trong thời gian sớm nhất. Dù đang thực hiện giảm mức thu của 30 loại phí, lệ phí gồm: lĩnh vực chứng khoán, phí bảo trì đường bộ cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải... đến hết năm nay, với ước tính ngân sách giảm thu khoảng 2.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính vẫn đang tập trung thiết kế các chính sách tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, kích thích, khuyến khích duy trì ổn định và phát triển kinh tế.

Cho thời hậu Covid-19, có thể thấy Chính phủ nỗ lực rất cao để cả nền kinh tế cũng như người dân không quá tổn thương và sẵn sàng gượng dậy.

Nguyên Mẫn

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2021-07-11/cho-thoi-hau-covid-19-107142.aspx