Chợ thực phẩm - những ổ dịch COVID-19 nguy hiểm ở Mỹ Latinh

Khu vực Mỹ Latinh hiện là điểm 'nóng' toàn cầu mới về đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, với số ca tử vong vượt 100.000 người, cũng như các ca nhễm đã tăng lên hơn 2 triệu người.

Chợ buôn bán thực phẩm là những ổ dịch lây lan.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, mỗi tuần, chợ đầu mối lớn nhất khu vực Mỹ Latinh Central de Abasto ở thủ đô Mexico City đã ghi nhận hàng chục ca nhiễm SARS-CoV-2.

Trong khi đó, một khu chợ có mái che ở Venezuela hiện là một trong những nguồn lây lan lớn nhất nước này.

Và tất cả những người bán hàng trong một khu chợ lớn ở Peru đều cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu xâm nhập khu vực Mỹ Latinh ngày 26/2, từ Mexico đến Argentina, các cơ quan y tế đã đấu tranh để ngăn chặn sự bùng phát của nhũng ổ dịch tại các khu chợ có mái che bán hàng lương thực-thực phẩm tươi sống mang tính biểu tượng ở Mỹ Latinh và là môi trường gần như hoàn hảo cho sự lây lan của dịch bệnh.

Hàng trăm triệu người dân trong khu vực phụ thuộc vào các khu chợ này về thực phẩm cũng như sinh kế.

Chợ Central de Abasto. ảnh: reuters

Chợ Central de Abasto. ảnh: reuters

Trước tình trạng lây lan nguy hiểm, các cơ quan chức trách đang tranh luận về các biện pháp để duy trì sự hoạt hoạt động của các khu chợ dân sinh mà đảm bảo không trở thành những ổ dịch mới.

Chợ Central de Abasto, rộng khoảng 3 km2 với rất nhiều nhà kho, điểm bốc dỡ hàng hóa và bán buôn, là nơi cung cấp trái cây, rau và các sản phẩm nông nghiệp khác cho hơn 20 triệu người trong khu siêu đô thị ở Thung lũng Mexico, gồm thủ đô Mexico City và một số thành phố của các bang lân cận như Estado de Mexico và Hidalgo.

Những hành lang của khu chợ hàng ngày là nơi làm việc của 90.000 công nhân và nơi đi lại của 300.000 người mua sắm.

Tại đây, cơ quan chức năng đã ghi nhận 690 trường hợp nhiễm bệnh. Mặc dù đã triển khai các biện pháp phòng dịch như đo thân nhiệt và phân loại các khu bán hàng, số ca nhiêm mới vẫn ở mức 60-70 ca/tuần.

Giám đốc Héctor García Nieto đã bác bỏ việc đóng cửa Central de Abasto, cho rằng nếu điều này xảy ra sẽ giống như thắt dạ dày của một phần đất nước.

Thực tế này được lặp lại trên khắp Mỹ Latinh, nơi các nhóm người bán hàng rong thường tập trung quanh các khu chợ; nơi hàng triệu nông dân không có các điểm bán hàng khác cho sản phẩm của họ; và nơi nghèo đói ngăn cản người tiêu dùng mua sắm tại các cửa hàng tạp hóa. Peru có hơn 2.600 chợ thực phẩm.

Vào tháng Năm vừa qua, chính phủ nước này đã xác định rằng 36 chợ lớn nhất của thủ đô Lima là các điểm truyền nhiễm, sau khi xét nghiệm hàng ngàn người bán hàng.

Tại chợ Belen ở vùng Loreto của Peru, cơ quan chức năng xác định 100% người bán hàng bị nhiễm bệnh và 2.150 quầy đã bị phá hủy.

Tại Maracaibo, Venezuela, chợ Las Pulgas được xác định là nguồn gốc của một trong những ổ dịch lớn nhất nước, khi 400/580 ca bệnh trong tỉnh đều liên quan tới khu chợ này.

Dịch có thể bùng phát mạnh hơn vì những người bán hàng không đăng ký xung quanh khu chợ từ chối đóng cửa vì không nhận được hỗ trợ của chính phủ và phải tiếp tục bán để tồn tại.

Như vậy, những người làm việc trong nền kinh tế phi chính thức đã giúp thúc đẩy sự bùng phát của dịch COVID-19 ở trên khắp Mỹ Latinh. Và cuối cùng, Chính phủ Venezuela đã ra lệnh đóng cửa chợ Las Pulgas.

Tuy nhiên, người dân ở nhiều quốc gia Mỹ Latinh đã có sự phản kháng mạnh đối với những nỗ lực đóng cửa các khu chợ của chính phủ.

Tại Bolivia trong tháng này, những người bán hàng rong ở một vùng ngoại ô của thủ đô La Paz đã ném đá vào các nhân viên cảnh sát đang cố gắng đóng cửa nơi này. Người bán cho biết họ đã không bán được hàng trong 2 tháng nay và không thể tiếp tục như thế.

Khoảng 75% thương mại ở Bolivia diễn ra trong nền kinh tế phi chính thức, trong đó, như ở các khu vực khác ở Mỹ Latinh, người dân không có bảo hiểm thất nghiệp.

Một cuộc tranh luận mạnh mẽ đang diễn ra về việc liệu các khu chợ có thể chịu trách nhiệm cho sự lây lan của virus hay không, và liệu các chợ có thể hoạt động một cách an toàn hay không.

Nhiều khu chợ bị đóng cửa đã mở lại bằng các biện pháp như giới hạn số người, xếp hàng trật tự, đo thân nhiệt và yêu cầu sử dụng khẩu trang bắt buộc, nhưng những quy tắc này rất khó áp dụng và thường xuyên bị vi phạm. Tại chợ Central de Abasto ở Mexico, các hành lang tiếp tục chật kín bất chấp đại dịch.

Người dân tiếp tục đến mua hàng vì đây là nơi bán trái cây và rau quả rẻ nhất trong thành phố, và là trung tâm phân phối chính thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm và rau xanh cho khoảng 1/3 sản xuất các loại thực phẩm này trong nước.

Chợ Central de Abasto cung cấp hàng hóa cho 329 khu chợ quy mô nhỏ và hàng trăm ngàn quầy hàng tạp hóa và bán hàng rong ở Mexico City.

Đây là đầu mối mà các nhà sản xuất nông nghiệp trong cả nước tiếp cận 22 triệu dân của khu siêu đô thị ở Thung lũng Mexico. Do đó, đây là nơi lý tưởng để virus lây lan một cách vô hình.

Do sự yếu kém của hệ thống y tế, bất bình đẳng xã hội và tỉ lệ người nghèo cao, nhiều quốc gia gia trong khu vực đang ghi nhận sự gia tăng đáng kể các ca mắc mới trong những tuần gần đây, khiến Mỹ Latinh này trở thành một trong những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất của dịch COVID-19.

Các chuyên gia lo ngại dịch bệnh không được kiểm soát và khó khăn kinh tế càng làm suy yếu khả năng chống chọi của khu vực này nếu chính phủ các nước không có những biện pháp quyết liệt hơn, cũng như cần sự hỗ trợ tích cực của quốc tế./.

Việt Hùng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cho-thuc-pham-nhung-o-dich-covid-19-nguy-hiem-o-my-latinh/161008.html