Chở thuê nhớt giả và lằn ranh pháp lý

Pháp luật phải luôn nghiêm minh là điều không bàn cãi nhưng cũng không vì thế mà dẫn đến những cáo buộc bất hợp lý; trên hết, nguyên tắc suy đoán vô tội cần phải được áp dụng đầy nhân văn và tiến bộ.

Trong pháp luật hình sự, “biết” thuộc về nhận thức, ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội và là cơ sở để xác định một trong bốn yếu tố của cấu thành tội phạm. Lúc này, việc xác định giữa có tội và không có tội dựa trên sự chứng minh “biết hay không biết” không phải là điều dễ dàng.

Nhiều vụ án đã được điều tra, truy tố và xét xử mà trong đó không ít trường hợp được cơ quan tiến hành tố tụng nhận định người thực hiện hành vi “không thể biết” nên không phải chịu trách nhiệm hình sự, mặc dù ban đầu thì chính những người này là đầu mối, bắt quả tang để tiến hành các bước điều tra, xác minh và truy tố. Có thể kể ra như vụ án mua bán trái phép chất ma túy được TAND TP.HCM đưa ra xét xử ngày 7-12-2023, người làm công việc giao hàng (shipper) được xác định “không mở ra xem, không biết gói hàng là ma túy nên không có tội”.

Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp người thực hiện hành vi không được may mắn như vậy và phần lớn tiếp tục kháng cáo kêu oan với cơ sở để kết luận “biết hay không biết” vẫn còn nhiều khúc mắc và quan điểm trái chiều.

Mới đây nhất, ngày 18-7, Tòa án Quân sự Quân khu 7 đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án sản xuất nhớt giả thì việc xác định người chở thuê hai chuyến xe có biết đó là nhớt giả hay không là cuộc tranh luận gay cấn giữa đại diện VKS và luật sư bào chữa.

Sau một ngày xét xử và nghị án kéo dài, HĐXX cấp phúc thẩm đã quyết định hủy một phần bản án sơ thẩm liên quan đến nội dung này để điều tra và xét xử lại (trước đó, tòa án cấp sơ thẩm tuyên người chở thuê phạm tội với vai trò đồng phạm, mức án phải chịu là năm năm tù và cơ sở xác định dựa trên “những lời khai ban đầu” của người này nhận thức về số hàng chở thuê là nhớt giả).

Ở một số tội danh quy định trong BLHS (năm 2015), thuật ngữ “biết rõ” (tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có - Điều 323), “biết hoặc có cơ sở để biết” (tội rửa tiền - Điều 324) được đề cập làm cơ sở để xác định tội phạm.

Theo tinh thần của Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn thì khi “chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương là 8 triệu đồng mỗi tháng và không có nguồn thu nhập khác nhưng vợ vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỉ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ về nguồn tiền” là trường hợp được xác định rằng: Bằng nhận thức thông thường, người vợ “phải biết” được nguồn tiền này do phạm tội mà có. Lúc này, người vợ sẽ phải đối diện với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền và thêm nguy cơ bị truy cứu với tội phạm liên quan số tiền bất hợp pháp này.

Người vợ ở chung nhà có nghĩa vụ buộc phải nghi ngờ về tính hợp pháp của khoản thu nhập bất thường của chồng. Còn người chở thuê, mưu sinh của anh ta là chở hàng nhận tiền công; được khách thuê thì sẵn sàng nổ máy chở đến địa chỉ do khách yêu cầu; nếu có thắc mắc gì, nhẹ thì bị khách mắng vốn, nặng thì mất một cơ hội kiếm tiền.

Từ hai câu chuyện này, có thể thấy tuy rằng giữa “biết hoặc có cơ sở để biết” và “không biết” đôi khi là một sự mơ hồ trong việc xác định có hay không hành vi phạm tội bởi sự định tính của yếu tố này nhưng hậu quả pháp lý lại dẫn đến hai số phận rất khác biệt mà ở đó là một bên được tự do và một bên là chuỗi ngày phải chấp hành mức hình phạt có thể lên đến nhiều năm tù.

Một người vận chuyển thuê, một nhân viên giao hàng nhanh với mức thù lao ít ỏi hoặc một người quen biết được nhờ xách hộ hành lý, hoặc người thân thích được nhờ đứng tên giùm tài sản vô tình bị đặt giữa lằn ranh pháp lý hết sức mong manh.

Trong đời sống và sinh hoạt hằng ngày, “biết” thuộc về ý thức chủ quan của mỗi người. Ở đó, chúng ta có thể tự cho mình cái quyền quyết định theo hướng “không nghe, không biết, không thấy” để có thể từ chối hay không thừa nhận một cách giản đơn và nhẹ nhàng. Nhưng khi sự vụ xảy ra và bị xem xét trong khuôn khổ pháp luật hình sự thì câu chuyện “biết hay không biết” không còn là cái quyền, nó trở thành trách nhiệm và nghĩa vụ. Khi đó, hành vi của mỗi cá nhân được đặt trong bối cảnh cụ thể mà không phải ai cũng đủ khả năng để ứng phó phù hợp.

Thiết nghĩ pháp luật cần được quy định cụ thể hơn ở yếu tố “biết” và “không biết” này thay vì chúng được đưa ra ở dạng định tính; trường hợp chưa đảm bảo sự chặt chẽ và rõ ràng thì phải buộc xem xét theo hướng có lợi cho người dân dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội.

Pháp luật luôn nghiêm minh là điều không bàn cãi, nhưng cũng không vì thế mà dẫn đến những cáo buộc bất hợp lý. Trên hết, nguyên tắc suy đoán vô tội cần phải được áp dụng đầy nhân văn và tiến bộ.

Luật sư LÊ NGÔ TRUNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/cho-thue-nhot-gia-va-lan-ranh-phap-ly-post801528.html