Chợ truyền thống Hà Nội - ký ức cũ trong nhịp sống hiện đại. Bài 4: Giữ nét đẹp văn hóa chợ truyền thống

Giữ gìn chợ truyền thống là giữ nét đẹp văn hóa Hà Nội, giữ hồn cốt cho hệ thống thương mại.

Các món ăn sẵn mang về được bày bán nhiều ở chợ Hàng Bè. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Các món ăn sẵn mang về được bày bán nhiều ở chợ Hàng Bè. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Theo dòng chảy của thời gian, các chợ truyền thống Hà Nội chịu tác động mạnh mẽ từ yếu tố nhu cầu tiêu dùng, văn minh thương mại. Dù vậy, nó vẫn là bộ phận không thể thiếu và càng không thể xóa bỏ của hệ thống thương mại Thủ đô.

Giữ gìn chợ truyền thống là giữ nét đẹp văn hóa Hà Nội, giữ hồn cốt cho hệ thống thương mại. Hà Nội đang cố gắng xây dựng một hình ảnh chợ đẹp hơn trong con mắt mọi người.

* Xây dựng chợ văn minh

Là một không gian công cộng, không gian văn hóa và là một góc thu nhỏ của xã hội, việc xây dựng chợ văn minh đang được các cấp, các ngành thành phố triển khai nhằm tạo hình ảnh đẹp cho chợ.

Nhiều năm qua, ngành Công Thương Hà Nội triển khai xây dựng chợ văn minh thương mại đến tất cả chợ trên địa bàn. Việc xây dựng đã từng bước làm chuyển biến thói quen kinh doanh, giữ gìn môi trường kinh doanh trong chợ. Ngành Văn hóa Hà Nội cũng triển khai Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, trong đó có khuyến cáo dành cho khu vực trung tâm thương mại, chợ: Không nên mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng phi pháp; không nói sai, cân đong gian dối; không gây mất an ninh trật tự...

Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội triển khai xây dựng mô hình “Chợ văn minh" gắn với việc thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Tại chợ Thái Hà, một trong những khu chợ truyền thống thuộc quận Đống Đa, từ khi triển khai mô hình này, không còn nhìn thấy tình trạng bừa bộn, bày bán hàng ra lối đi chung, hay tình trạng bán hàng rong bên ngoài chợ như trước. Không gian chợ thoáng đãng, rác thải được dọn gọn gàng, sạch sẽ. Thực hiện mô hình “Chợ văn minh”, các hộ kinh doanh, tiểu thương tại chợ Thái Hà cam kết thực hiện tốt Quy tắc ứng xử tại chợ. Thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng của thành phố, các hộ kinh doanh, bà con tiểu thương góp phần từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa, gìn giữ và phát triển truyền thống tốt đẹp của Thủ đô.

Tại quận Hoàn Kiếm, nơi vốn được coi là vùng lõi văn hóa của Hà Nội, tập trung nhiều dân cư và khách du lịch, đang triển khai đề án “Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ” nhằm phát huy truyền thống, văn hóa ứng xử của người dân phố cổ, trong đó có triển khai trong các chợ truyền thống trên địa bàn. Trong 5 tiêu chí đề án đưa ra, quận Hoàn Kiếm tập trung vào 2 tiêu chí cốt yếu: Giao tiếp, ứng xử có văn hóa và tiêu chí có ý thức giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Những người kinh doanh trong các chợ Đồng Xuân, Cầu Đông, Hàng Bè, chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân đều ý thức chấp hành, ứng xử văn minh hơn và hầu như không còn tình trạng cãi vã, xô xát, mất an ninh trật tự xảy ra.

Bà Lê Thị Kim Dung, tiểu thương kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ tại chợ Đồng Xuân chia sẻ, văn hóa ứng xử của bà con trong chợ những năm gần đây tốt hơn rất nhiều, không còn tình trạng chèo kéo, nói giá quá cao và không còn chuyện bất hòa giữa người bán với khách hàng. Bà cho rằng, nếu tạo sự hài lòng cho khách thì người ta mới mua, mới quay trở lại, bằng không sẽ mất khách và chính tiểu thương là người chịu thiệt. Bà và các tiểu thương ở đây đều ý thức câu “khách hàng là thượng đế” nên cố gắng không thể làm mất lòng khách.

* Điểm đến du lịch hấp dẫn

Chợ Đồng Xuân. Ảnh: TTXVN

Chợ Đồng Xuân. Ảnh: TTXVN

Đinh Thuận - Minh Ngọc/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cho-truyen-thong-ha-noi-ky-uc-cu-trong-nhip-song-hien-dai-bai-4-giu-net-dep-van-hoa-cho-truyen-thong/300680.html