Chợ truyền thống nâng dần công suất hoạt động trở lại
Cùng với sự trở lại mạnh mẽ của các lĩnh vực kinh tế khác, Bình Dương đang triển khai kế hoạch, rà soát điều kiện mở cửa lại các chợ truyền thống, hướng đến mục tiêu phục hồi 100% công suất hoạt động.
Các địa phương đang chuẩn bị tốt phương án thích nghi, bảo đảm an toàn với dịch bệnh trong hoạt động thương mại. Trong ảnh: Hàng hóa khá phong phú ở một cửa hàng tại chợ Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng
Tiểu thương phấn khởi
Sau thời gian dài tạm ngưng để phòng, chống dịch bệnh, mặc dù chợ đã hoạt động lại hơn một tháng qua, nhưng đến những ngày đầu tháng 11, bà Bùi Thị Thúy cũng như một số tiểu thương khác ở chợ Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng đã tranh thủ đến khu chợ tạm để sắp xếp lại gian hàng, chuẩn bị hoạt động buổi sáng. “Việc mở chợ là điều mong mỏi của bản thân và tất cả các tiểu thương khác. Tiểu thương đều có ý thức bảo vệ mình và người mua theo yêu cầu chung của Ban quản lý chợ đề ra. Chúng tôi mong mỏi chợ sẽ sớm được sửa sang, đưa vào hoạt động bình thường để tiểu thương được an tâm mua bán”, bà Thúy nói.
Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết sau gần một tháng mở cửa trở lại tình hình dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát tốt, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hàng quán đang dần hoạt động lại. “Hiện huyện có 6/11 chợ được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, trước mắt các chợ chỉ được phép mở bán hàng hóa, thực phẩm thiết yếu theo yêu cầu, hướng dẫn của các xã, Ban quản lý chợ. Bên cạnh đó, tiểu thương tham gia mua bán phải bảo đảm các yêu cầu của ngành y tế. Cùng với đó, 9/9 cửa hàng tiện ích, siêu thị mini và các tiệm tạp hóa, hộ kinh doanh cá thể cung ứng hàng hóa thiết yếu cũng tuân thủ các quy định ban hành của địa phương”, ông Linh cho biết thêm.
Tại huyện Phú Giáo, cùng với việc tiếp tục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái “bình thường mới”, công tác bảo đảm an sinh xã hội như bảo đảm lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân cũng được chính quyền quan tâm. Thông tin về kế hoạch phục hồi kinh tế, nhất là sau ngày 15-9 đến nay, đại diện UBND huyện Phú Giáo, cho biết huyện đang từng bước thực hiện lộ trình phục hồi kinh tế. Trên địa bàn huyện đang có 5/5 chợ hoạt động với công suất khoảng 50% so với trước khi có dịch bệnh. Huyện cũng đang tiếp tục nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp tiểu thương, doanh nghiệp các ngành nghề từng bước tổ chức hoạt động ổn định.
Tương tự, tại TP.Dĩ An, lộ trình hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với lĩnh vực thương mại cũng đang được địa phương này tích cực triển khai tiến hành theo từng giai đoạn. TP.Dĩ An đã ban hành các tiêu chí hoạt động chợ truyền thống an toàn theo lộ trình ban đầu là 10%, tăng dần lên 20% - 50 % và 100% công suất hoạt động. Ông Lê Thành Tài, Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết hiện nay các tiểu thương hoạt động trong chợ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn khi hoạt động trở lại, Ban quản lý các chợ đang thực hiện bố trí bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh, chỉ kinh doanh hàng hóa thiết yếu theo quy định, có biện pháp kiểm soát tốt mật độ, tần suất người mua bán.
Tại các địa phương như huyện Bàu Bàng, Bến Cát, Bắc Tân Uyên, TP.Thủ Dầu Một… Ban quản lý các chợ cũng đang hoàn thiện dần kế hoạch mở lại 100% công suất chợ truyền thống bên cạnh thực hiện tốt các phương án thích nghi, bảo đảm phòng chống an toàn với dịch bệnh.
Nỗ lực khôi phục hoàn toàn
Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ khôi phục lại các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội trong trạng thái “bình thường mới”. Chính vì vậy, việc tổ chức lưu thông hàng hóa tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ là một trong những nội dung được các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh hướng đến.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, trong 10 tháng qua tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định, bảo đảm nhu cầu mua sắm của người dân. Tính đến cuối tháng 10, trên địa bàn tỉnh có 27/97 chợ truyền thống, 11/11 siêu thị, 219/221 cửa hàng tiện lợi còn hoạt động. Nhìn chung, hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Sở Công thương đang triển khai kế hoạch khôi phục hệ thống hàng hóa sau thời gian giãn cách xã hội. Hiện Sở Công thương cũng đang phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố triển khai rà soát, đánh giá chấm diểm theo bảng tiêu chí đánh giá nguy cơ lây nhiễm bệnh Covid-19 nhằm tạo điều kiện cho các chợ truyền thống đáp ứng đủ điều kiện an toàn được phép hoạt động trở lại. UBND các huyện, thị, thành phố đang thẩm định phương án của 17 chợ đăng ký hoạt động trở lại.
“Như vậy, việc khôi phục kênh phân phối truyền thống đạt công suất hoạt động 100% sẽ tạo điều kiện cho người dân mua sắm hàng hóa, thực phẩm dễ dàng, thuận tiện hơn, góp phần cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, thúc đẩy sản xuất lưu thông, tiêu thụ thuận lợi hơn”, ông Toàn nhấn mạnh.