Chợ truyền thống niêm yết giá, tăng cạnh tranh cho tiểu thương
Các chuyên gia cho rằng, việc niêm yết giá bán các mặt hàng thiết yếu tại các chợ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang được xem là giải pháp hiệu quả giúp cho các tiểu thương dần lấy lại thị phần. Không những thế, đây còn là yếu tố quan trọng góp phần cạnh tranh lành mạnh, góp phần bình ổn thị trường trước kỳ tăng lương.
Bình ổn giá đi đôi với đảm bảo chất lượng hàng hóa
Cuối tháng 5/2024, UBND TP. Hồ Chí Minh có văn bản chỉ đạo, giao Cục Quản lý thị trường thành phố chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa ngõ thành phố, các chợ đầu mối, chợ truyền thống và các khu vực buôn bán khác nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, không rõ nguồn gốc các mặt hàng thịt gia súc, đặc biệt là thịt heo.
Sở Tài chính được giao nhiệm vụ tiếp tục theo dõi tình hình giá cả thị trường, tham mưu UBND thành phố điều chỉnh giá kịp thời các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường.
UBND TP. Thủ Đức và UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát và có biện pháp xử lý đối với các điểm bán hàng tự phát xung quanh các chợ truyền thống, các chợ đầu mối và khu dân cư; kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, đặc biệt mặt hàng thịt heo; chỉ đạo các phòng chức năng tổ chức nắm tình hình giá cả thị trường; trường hợp biến động giá, các trường hợp mất cân đối cung cầu trên địa bàn.
Ngay sau đó, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường các biện pháp quản lý giá, cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Tại thời điểm này, phần lớn các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện việc niêm yết giá khi bán cho khách hàng.
Ghi nhận tại chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10 đã có 100% tiểu thương thực hiện việc công khai giá bán. Nhiều khách mua hàng thiết yếu khi bước vào chợ Nguyễn Tri Phương đều cho rằng, rất yên tâm khi được mua hàng đúng giá (từ rau, củ, quả cho đến các loại lương thực, thực phẩm). Gần như sạp hàng nào cũng được các tiểu thương treo bảng giá minh bạch, rõ ràng. Từ món hàng có giá trị nhỏ đến món hàng có giá trị lớn đều được công khai.
Chị Đặng Tố Như, cán bộ viên chức ở phường 6, quận 10 cho rằng, cách làm này sẽ góp phần kiềm chế được lạm phát, dẫn đến đời sống của người dân ổn định hơn, đặc biệt là người làm công ăn lương, kiểm soát được giá sẽ hạn chế được tình trạng tăng lương - tăng giá.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc niêm yết giá cũng sẽ giúp các cơ quan nhà nước quản lý giá hiệu quả hơn, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng mua hàng đúng giá, đúng chất lượng, cân đối được chi tiêu hàng ngày và đặc biệt sẽ kích cầu tiêu dùng.
Hài hòa cung - cầu
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2024, chương trình bình ổn thị trường kết hợp đồng bộ với nhiều chương trình, đề án hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh doanh của thành phố như: kích cầu tiêu dùng, kết nối tín dụng, kết nối cung - cầu, khuyến mại tập trung, xúc tiến du lịch, hợp tác với các địa phương... Sự kết hợp này giúp nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thành phố nói chung, doanh nghiệp bình ổn thị trường nói riêng.
Theo Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, trong văn bản mới đây gửi UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức, đã nêu rõ và đề nghị thực hiện chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố; chủ động, tích cực hỗ trợ, xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tham gia thực hiện chương trình và đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời, các cơ quan chức năng theo dõi, nắm chắc diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn, báo cáo định kỳ và đột xuất về Sở Công thương, Sở Tài chính để kịp thời báo cáo và đề xuất phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hiểm hàng hóa trên địa bàn; theo dõi nhu cầu tiêu dùng người dân trên địa bàn, kịp thời đề xuất và hỗ trợ tổ chức bán hàng lưu động, bổ sung nguồn hàng trong trường hợp xảy ra khan thiếu hàng hóa cục bộ.
Đặc biệt, sở này cũng yêu cầu ban quản lý các chợ truyền thống, chợ đầu mối trên địa bàn tăng cường công tác quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa, việc cân, đong hàng hóa, niêm yết giá trong phạm vi quản lý của chợ; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các điểm buôn bán tự phát xung quanh chợ truyền thống, chợ đầu mối và khu dân cư; không để tái phát sinh và phát sinh mới.
Đại diện Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, trước biến động của thị trường, cơ quan này đã điều chỉnh giá một số mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường giúp người dân thành phố được mua hàng với mức giá ổn định và đảm bảo.
Theo đó, các mặt hàng lương thực thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu tham gia bình ổn thị trường năm 2024-2025, có 3/10 nhóm hàng đề nghị giảm giá là thịt gia cầm, trứng gia cầm và thực phẩm dinh dưỡng (giảm 2-7%). Có 6/10 nhóm hàng còn lại giữ nguyên giá và chỉ có 1/10 nhóm hàng đề nghị tăng giá là thịt lợn (tăng 10 - 18%)./.
Niêm yết là biện pháp chống tăng giá quá mức
Cũng theo các chuyên gia, đây cũng là giải pháp để cơ quan nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý giá, góp phần ổn định thị trường, bảo đảm an sinh xã hội. Đây cũng là biện pháp để hạn chế việc các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lợi dụng tình hình biến động bất thường về cung cầu, giá cả thị trường để tăng giá quá mức gây thiệt hại cho người tiêu dùng, làm bất ổn thị trường.