Cho tư nhân tham gia truyền tải điện, xóa thế độc quyền ngành điện?
Câu chuyện tư nhân hóa lưới điện truyền tải luôn là vấn đề được dư luận quan tâm trong bối cảnh nguồn lực nhà nước có hạn, vấn đề thiếu hạ tầng truyền tải gây ảnh hưởng đến phát triển năng lượng tái tạo.
Trước tình trạng này, Bộ Công Thương đã xây dựng Tờ trình Chính phủ, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích Luật Điện lực, nội dung Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải.
Liên quan đến đề xuất cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải theo phương thức đối tác công tư (PPP), Bộ Công Thương cho rằng để có thể thực hiện đầu tư các dự án truyền tải điện theo phương thức xã hội hóa trong điều kiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa được ban hành, Thủ tướng cần xem xét, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải thích, làm rõ quy định tại Luật Điện lực về độc quyền Nhà nước trong hoạt động truyền tải điện, theo hướng Nhà nước chỉ độc quyền trong quản lý, vận hành lưới điện truyền tải.
Trường hợp Luật PPP ban hành và có hiệu lực, trong đó cho phép đầu tư tư nhân tham gia đầu tư (xã hội hóa) lưới điện truyền tải thì việc đầu tư tư nhân có thể áp dụng luật này.
Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét, trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải. Khi đó, việc đề xuất đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải sẽ được áp dụng theo quy định của Luật này.
Đồng thời, Bộ này cũng lưu ý để bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh quốc gia, cần cân nhắc việc cho phép doanh nghiệp tư nhân đầu tư hệ thống truyền tải có tính chất xương sống, huyết mạch. Còn với các trường hợp đầu tư lưới truyền tải nhằm phục vụ đấu nối nhà máy, cụm nhà máy điện của một hay nhiều chủ đầu tư, có thể áp dụng quy định về thỏa thuận đấu nối.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh từng cho rằng về lâu dài cần điều chỉnh luật hoặc văn bản hướng dẫn pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép vận dụng cơ chế trong Luật Điện lực để xã hội hóa về truyền tải điện.
"Giải pháp dài hạn, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành nghiên cứu và tham mưu để báo cáo với Chính phủ và báo cáo với Quốc hội cho phép sửa đổi một số nội dung trong các luật, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Điện lực để từ đó cụ thể và làm rõ ràng cơ chế mới cho phép tiếp tục đa dạng hóa các nguồn đầu tư của xã hội vào phát triển hệ thống truyền tải điện mà cụ thể là các đường dây truyền tải ở các cấp độ, kể cả đường dây 500KV, để từ đó chúng ta có cơ chế và có biện pháp cụ thể để khai thác nguồn lực này", Bộ trưởng Công Thương trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về vấn đề xã hội hóa truyền tải điện.
Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng nên để các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư các công trình tải điện để đảm bảo nguồn vốn đầu tư cũng như giải quyết vấn đề hạ tầng truyền tải để phát triển bền vững năng lượng tái tạo, tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển điện gió, điện mặt trời tương xứng với tiềm năng. Đồng thời, đây cũng là cơ hội xóa bỏ độc quyền ngành điện bao nhiêu năm qua.
Một chuyên gia ngành điện cho rằng chính việc chưa xã hội hóa trong vấn đề truyền tải điện bấy lâu nay đã để xảy ra tình trạng lưới điện quá tải, đặc biệt là quá tải cục bộ tại một số vùng phát triển “nóng” điện mặt trời, điện gió.
Trước đó, có một số doanh nghiệp tư nhân và các địa phương đã có động thái muốn tham gia làm lưới truyền tải điện. Cụ thể là Tập đoàn Trung Nam, một trong những doanh nghiệp quan tâm đến dự án nhà máy điện mặt trời quy mô công suất 450 MW tại xã Phước Minh (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận), cho biết ngoài dự án này, tập đoàn cũng đề xuất tỉnh Ninh Thuận cho đầu tư đường dây truyền tải 500 kV mạch kép dài 15,5 km và dự kiến chi khoảng 600 - 700 tỉ đồng để giải quyết tình trạng quá tải lưới cho điện tái tạo.