'Chở' tương lai trên xe hàng của mẹ
Tôi dắt chiếc xe đạp vào nhà cũng là lúc tiếng còi xe máy tít tít vang lên đầu ngõ. Mẹ đã về. Tôi chạy ra phụ mẹ đẩy xe hàng nặng trịch. Chiếc xe máy chất đầy 2 bao tải quần áo cột phía sau, phía trước xếp hai, ba cái túi nữa, còn mẹ thì ngồi giữa lọt thỏm, nhỏ bé, mồ hôi ướt đầm lưng áo trong nắng trưa gay gắt.
Ở khu phố này, nhà nào cũng treo bảng may đồ, khách thì ít mà tiệm may lại nhiều. Hiện người ta chuộng đồ may sẵn hơn là đến tiệm may đo. Bởi vậy, nghề may thủ công bây giờ không còn được ưa chuộng như trước nữa. Bố tôi nhận hàng đặt của mấy tiệm quần áo về may, tiền công nhận được chẳng là bao, đã thế hàng lúc có, lúc không. Mẹ cũng là thợ may nhưng tiền bố mẹ kiếm được từ việc may thuê không đủ chi tiêu hằng tháng, đặc biệt là tiền học cho anh em chúng tôi. Vì thế, mẹ quyết định chuyển sang buôn bán quần áo ngoài chợ.
Với đồng vốn ít ỏi, mẹ mua quần áo từ các cửa hàng may sẵn, các tiệm quần áo ở chợ lớn, chủ yếu là những bộ đồ thun dành cho phụ nữ, mặc theo mùa với đủ loại, giá vừa phải rồi đem về bán lại ở các chợ làng. Cứ như vậy, nay chợ này, mai chợ khác, miễn là bán được hàng, không kể xa hay gần. Và hơn mười năm nay, chiếc xe máy đã cũ, phương tiện chính của cả nhà, giờ làm bạn với mẹ mỗi sáng, mỗi chiều.
Mẹ tảo tần sớm hôm chỉ để lo cho anh em tôi được học hành như chúng bạn. Công việc của mẹ bắt đầu từ rất sớm. Mẹ thức dậy chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Bố cũng dậy giúp mẹ cột 2 bao quần áo lên xe, chuẩn bị mọi thứ mẹ cần để bắt đầu một ngày bán hàng mới. Chỉ tính riêng 2 bao tải quần áo thôi cũng đã gấp hơn 2 lần trọng lượng cơ thể mẹ, thế nhưng vì gia đình, mẹ lặn lội giữa chốn “eo sèo”. Suốt ngày dầu dãi gió sương, nước da mẹ sạm đi vì nắng táp, hai gò má hóp lại làm cho dáng người càng mảnh dẻ. Có những hôm trời nắng to, sau khi từ chợ về nhà, gỡ xe hàng xuống sân, mẹ ngồi bệt một góc giường, hơi thở mệt nhọc. Pha ly nước chanh mát lịm, ngồi phe phẩy chiếc quạt nan cho mẹ, sống mũi tôi cay xè…
Những buổi bán được nhiều hàng, mẹ thường mua về đồng quà, tấm bánh làm phần thưởng cho anh em tôi. Mẹ cười trong nắng, nét cười giòn tan giấu đi bao vất vả. Có hôm, mấy bố con tôi đợi mãi mà vẫn chưa thấy mẹ về. Trời đổ mưa tầm tã. Điện thoại mẹ quên ở nhà nên không thể liên lạc. Bố cứ đi ra đi vào sốt ruột, định chạy đi tìm thì thấy dáng mẹ dắt xe về ngõ. Người mẹ ướt sũng, xe hàng cũng ướt sũng, bánh xe sau xẹp lép đè xuống mặt đường mưa nặng hạt. Nhìn 3 bố con chạy ra đỡ xe, nước mắt mẹ trộn nước mưa lạnh lẽo, giọng nghẹn ứ: “Gặp mưa, mẹ đang đi giữa đường thì xe bị thủng xăm mà mấy tiệm sửa xe đóng cửa hết. Mẹ đành dắt bộ về”. Nghe mẹ nói, bố con tôi ai cũng rơm rớm nước mắt. Anh em tôi bụng đói lả, nhưng bữa cơm muộn tối hôm đó chẳng thể nuốt trôi vì thương mẹ.
Xong bữa, tôi và anh ngồi vào bàn học bài còn bố mẹ lại loay hoay lấy ra từng bộ đồ, vắt sạch nước, phơi trên những sợi dây thép bố cột tạm trong nhà, rồi mẹ lấy bàn ủi ủi cẩn thận từng bộ cho khô để ngày mai còn kịp đi bán. Suốt cả đêm đó, bố mẹ tôi thức trắng với 2 bao hàng quần áo dầm mưa.
Thương bố mẹ, anh em tôi luôn cố gắng học tập. Cuối năm học vừa rồi, cả hai anh em đều đạt học sinh giỏi, được tuyên dương trước trường và còn được quỹ học bổng của trường trao tặng một chiếc xe đạp mới. Mẹ tôi vui lắm. Mẹ cười thật tươi, xoa đầu chúng tôi, rồi nhẹ nhàng: “Mẹ chỉ cần thế này thôi, các con học thật giỏi, ngoan ngoãn thì dù khó khăn, vất vả đến mấy, mẹ cũng sẽ vượt qua”. Tôi sà vào lòng, ôm chặt lấy mẹ, ngắm nhìn nét cười hiền hậu của người và thủ thỉ: Con thương mẹ nhiều lắm!
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/142736/cho-tuong-lai-tren-xe-hang-cua-me