Chờ 'van điều tiết' giá vật tư đầu vào cho ngành thủy sản

Trong khi đầu ra khó khăn, giá bán sụt giảm mạnh thì giá thức ăn chăn nuôi, giá thuốc, vật tư hóa chất, giá điện, chi phí vận chuyển…cho cá tra và con tôm vẫn đang neo giữ ở mức cao, làm giá thành càng lúc càng cao, giảm sức cạnh tranh khi xuất khẩu. Điều này khiến cho nhiều hộ nuôi 'treo ao' vì càng nuôi càng lỗ và trông chờ các ngành chức năng có giải pháp để giảm giá thành, nhất là cần có 'van điều tiết' kiểm soát giá vật tư đầu vào.

Ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc CTCP thủy sản Trường Giang, cho biết hiện nay ngành cá tra đang đối mặt rất nhiều khó khăn, lượng tồn kho rất lớn, cá dưới ao còn nhiều. Trong khi đó, giá thành sản xuất chế biến cá tra càng lúc càng cao.

Càng nuôi càng lỗ vì giá thức ăn chỉ tăng không giảm

Theo ông Văn, những năm trước đây, giá thành nuôi cá tra nguyên liệu dao động khoảng 1 USD/kg, nhưng hiện nay giá thành đã tăng lên 1,2 USD/kg. Điều đáng nói, giá cá tra bán ra vào thời điểm này chỉ có 1,1 USD/kg. Chưa tính đến chi phí của các nhà máy chế biến, bản thân người nuôi trong nước ước tính mỗi ký cá xuất bán đã lỗ 10 cent (tương đương 2.300 đồng).

Giá thành sản xuất chế biến cá tra càng lúc càng caotrong khi đầu ra khó khăn, giá bán sụt giảm.

Song song đó, vị Phó tổng giám đốc này cho rằng với giá thành 1,2 USD/kg thì cá tra của Việt Nam khó cạnh tranh với một số loại cá thịt trắng khác trên thế giới. Nhất là giá thành của con cá tra đến tới siêu thị hiện rất cao.

Như lưu ý của ông Văn, con cá tra có 3 yếu tố, thứ nhất là giống, thứ hai là thức ăn, thứ ba là thuốc và dịch bệnh. Trong đó, với yếu tố thức ăn, nếu như trước dịch Covid-19 giá thức ăn cho cá tra chỉ có 10.000 đồng/kg, còn bây giờ, sau 3 năm giá thức ăn bình quân các loại đã là 13.000 đồng/kg. Như vậy vô hình chung giá thành của con cá tra đã tăng hơn 20%. Từ chỗ thức ăn chiếm tỷ trọng 55% trong giá thành con cá tra thì đến nay đã chiếm tỷ trọng đến 70% trở lên.

“Chúng ta phải cố gắng kéo giá thành thông qua việc giảm giá thức ăn. Nguyên liệu chủ yếu trong thức ăn cá tra là bã đậu nành và bột cá biển được nhập khẩu chính từ Ấn Độ, Argentina, Mỹ đến nay đã tăng giá lên 30%. Nếu trước dịch Covid-19 giá cước vận chuyển cao là nguyên do làm cho giá bã đậu nành tăng, còn sau dịch, đến đầu năm 2023 giá cước đã giảm sâu nhưng giá nguyên liệu thức ăn thủy sản vẫn không giảm”, Phó tổng giám đốc của CTCP Trường Giang chia sẻ.

Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến nay do biến đổi khí hậu, nguồn nước sông lớn mang nhiều mầm bệnh, biến thể mới, khiến cho việc điều trị bệnh cho cá tra gặp nhiều khó khăn. Dịch bệnh kéo dài, khiến cá chết và bị chậm tăng trưởng, gây hao hụt lớn. Trong khi đó, thực trạng giá và chất lượng thuốc thủy sản vẫn còn thả nổi, không được đảm bảo cụ thể về tác dụng.

Những vấn đề nêu trên khiến cho lợi nhuận của cả DN và người nuôi cá tra đều giảm. Nhất là giá cá tra nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mấy tháng gần đây chỉ neo giữ ở mức 26.000-27.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất 29.000-30.000 đồng/kg. Giá cá tra sụt giảm khiến nhiều nông dân tại ĐBSCL “treo ao” do càng nuôi càng lỗ, sản xuất không còn hiệu quả.

Đừng để người nuôi “treo ao” kéo dài

Ông Ong Hàng Văn cũng lưu ý, vừa rồi Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng có kiến nghị đưa mặt hàng thức ăn tôm vào danh mục Nhà nước quản lý giá. Từ đó để thấy giá thức ăn cho cá tra nói riêng và thủy sản nói chung là vấn đề rất lớn đòi hỏi các ngành phải suy nghĩ dùng cách gì để giảm giá thành.

Cần nhắc thêm, gần đây Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng có kiến nghị Bộ Tài Chính xem xét, thẩm định lại giá thành sản xuất thức ăn của các nhà máy chế biến, giá bán trên thị trường phải niêm yết so với giá thành là bao nhiêu.

Có thể thấy sự cần thiết của việc bình ổn giá thức ăn cho con tôm trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ chi phí sản xuất ở ngành tôm đang đội lên rất nhiều, trong đó nguyên nhân chủ yếu đến từ giá thức ăn cho tôm vẫn còn ở mức quá cao và chỉ tăng chứ không hề giảm. Điều mong mỏi của các hộ nuôi tôm là các ngành chức năng cần có giải pháp kiềm giá thức ăn tôm sao cho ổn định theo hướng có lợi cho người nuôi.

Trên thực tế, do chi phí đầu vào cao, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh nên thời gian qua nhiều nông dân các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…chậm thả nuôi, một số địa phương còn treo ao.

Như ở tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay, chỉ mới có 40.330ha được thả nuôi và hiện số diện tích đang còn tôm chỉ hơn 21.000ha với nhiều độ tuổi khác nhau. Tại Bạc Liêu, hơn 3 tháng qua nhiều hộ ngưng nuôi chờ giá, nên lượng cung tôm nguyên liệu ra thị trường tới đây dự báo sẽ còn hạn hẹp hơn nữa.

Ngoài giá thức ăn thì giá điện, giá con giống, vật tư hóa chất tăng, chi phí vận chuyển cũng tăng…đã ảnh hưởng đến giá thành con tôm. Tất cả các thứ liên quan đến đầu vào cho con tôm đều tăng, trong khi giá tôm bán ra lại quá thấp.

Theo tính toán, trong giai đoạn hiện tại, tôm nuôi loại 40 con/kg khi bán ra thị trường khoảng 97.000 đồng/kg, chi phí đầu tư để được 1kg tôm như vậy đang mất khoảng 80.000 – 82.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí nuôi trong 3-4 tháng này, người nuôi không còn lãi.

Chưa kể, do giá tôm giảm mạnh, kéo dài, việc thu hồi nợ khó khăn, nên đến nay, đa phần các đại lý cung ứng vật tư đầu vào nuôi tôm đã thu hẹp đối tượng đầu tư. Vì thế, dù giá tôm được dự báo sẽ tốt hơn trong thời gian tới nhưng chắc chắn sẽ có rất ít hộ đủ nguồn vốn để thả nuôi đón giá, nhất là những hộ nuôi nhỏ lẻ, nuôi ao đất...

Trước những bất lợi về giá thành cá tra và con tôm như nêu trên, sẽ thấy sự cần thiết của việc đưa giá vật tư đầu vào ở ngành thủy sản vào diện bình ổn giá chính là “van điều tiết” giá cho những mặt hàng này. Có như vậy mới tránh được tình trạng các hộ nuôi “treo ao” kéo dài.

Nên nhắc thêm, trong 8/2023, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi các địa phương về việc tăng cường chỉ đạo nuôi trồng thủy sản các tháng cuối năm 2023 nhằm đảm bảo kế hoạch tăng trưởng.

Trong đó, Bộ này có chỉ rõ vấn đề là giá sản phẩm hiện tại vẫn đang ở mức thấp, lợi nhuận không nhiều, người dân có tâm lý “treo ao” chờ tín hiệu của thị trường, dẫn đến nguy cơ các tháng cuối năm có thể thiếu nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến và xuất khẩu, ảnh hưởng đến mục tiêu kế hoạch tăng trưởng năm 2023.

Do đó, các địa phương cần nắm bắt, rà soát, tổng hợp, thống kê nguồn, lượng và khả năng sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào phục vụ nuôi trồng thủy sản. Nhất là thực hiện các giải pháp hạ giá thành trong nuôi trồng thủy sản. Hơn nữa, cần có các giải pháp hỗ trợ DN, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tổ chức liên kết, tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả, thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/cho-van-dieu-tiet-gia-vat-tu-dau-vao-cho-nganh-thuy-san-1094969.html