Cho vay doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tăng gần 22%

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2023, tín dụng bất động sản tăng 6,04%, trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng tới 21,85%.

Sáng nay (13/11/2023), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Hội nghị có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, được tổ chức nhằm triển khai tích cực Công điện số 993/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, rà soát đánh giá cụ thể tình hình thị trường bất động sản và tín dụng bất động sản, trao đổi thống nhất các biện pháp tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dự án bất động sản và khó khăn, vướng mắc của các ngân hàng thương mại trong hoạt động tín dụng bất động sản.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các TCTD đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản.

Như vậy, tín dụng bất động sản đang tăng chậm hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Đến ngày 31/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022.

Tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng rất cao trong khi tổng dư nợ tín dụng bất động sản vẫn ở mức thấp cho thấy, nhu cầu vay mua nhà của người dân vẫn rất thấp.

“Tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng giảm trong khi đó tín dụng kinh doanh bất động sản tăng rất cao, đây là điểm cần chú ý khi cầu tín dụng để mua bất động sản có xu hướng đi xuống, phần nào phản ánh sức mua của thị trường đang giảm so với thời điểm trước”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở của Chính phủ. Đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng, đến nay, trên cơ sở danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình của 23 UBND các tỉnh, thành phố, BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ với tổng số tiền cam kết cấp tín dụng là 1.091 tỷ đồng, cho 3 dự án, số tiền giải ngân đến nay là 105 tỷ đồng. Đồng thời đã cam kết cấp tín dụng cho 2 dự án với số tiền cam kết là 605 tỷ đồng.

Về mặt an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhu cầu tín dụng bất động sản thường là với thời hạn trung và dài hạn trong khi đó nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường. Do đó, nếu các tổ chức tín dụng không cân đối được kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp, có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản.Bên cạnh đó, còn có sự tập trung cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sảntại một số tổ chức tín dụng, với tốc độ tăng trưởng cao.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó có nhiều tồn tại, vướng mắc đã kéo dài như vướng mắc về hệ thống thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng; Sự mất cân đối cung cầu tại các phân khúc, dư thừa nhà ở cao cấp, biệt thự trong khi nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế; Nhu cầu của thị trường tại một số phân khúc đang có sự sụt giảm mạnh; Năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà; các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế; mặt bằng giá nhà ở cao so với khả năng tài chính và mức thu nhập của nhiều người dân...

Ngành ngân hàng cho biết thời gian tới tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng phù hợp với thực tiễn. Hiện nay, NHNN đang khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai gói 120.000 tỷ đồng; Thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN...

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cho-vay-doanh-nghiep-kinh-doanh-bat-dong-san-tang-gan-22-d202942.html