Cho vay online - 'chìa khóa' để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng
Các ngân hàng đang phát triển dịch vụ cho vay trực tuyến 100%, phương thức này được xem 'chìa khóa' để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng.
Thúc tăng trưởng tín dụng bằng kênh online
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 10/4/2024, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế mới đạt trên 1%, trong khi cùng kỳ 2023 tăng gần 2,5%. so với cuối năm 2023. Để thúc đẩy tín dụng, ngày từ đầu năm, toàn bộ ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng. Toàn ngành ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Lãi suất cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới hiện ở mức 6,5%/năm, giảm khoảng 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh việc số hóa quy trình cho vay vốn, rút gọn thủ tục nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả bên đi vay lẫn bên cho vay. Cụ thể, nếu như trước đây, để vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải chuẩn bị một bộ hồ sơ vay vốn lên đến hàng chục đầu danh mục, từ pháp lý doanh nghiệp, tài chính công ty, chứng minh tài sản đảm bảo..., sau đó chờ đợi thẩm định, phê duyệt mất ít nhất 2 - 3 tháng. Tuy nhiên, hiện nay, thời gian chỉ còn từ 1 - 3 ngày và mọi thao tác, kể cả xét duyệt, giải ngân, người vay đều không cần tới phòng giao dịch mà có thể thực hiện 100% quy trình trên ngân hàng số.
Như tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), với thế mạnh về công nghệ và tận dụng tối đa dữ liệu thuế và hóa đơn, dữ liệu quốc gia về dân cư, ngân hàng này đã hoàn thiện toàn bộ quá trình cấp tín dụng qua online. Đến nay, đã có hơn 5.000 doanh nghiệp với 52.000 tỷ đồng dư nợ đã được cho vay qua kênh số, thời gian xét duyệt chỉ trong vài phút.
Bà Đinh Thị Tố Uyên, Phó Tổng Giám đốc MSB cho biết, ngân hàng kết hợp các giải pháp với Công ty Fintech, kết nối với dữ liệu thuế, sẽ cập nhật được tức thời những thông tin về tình trạng của doanh nghiệp. Qua đó, đánh giá mô hình để có thể đưa ra giải pháp cho vay tức thì cho khách hàng ngay khi khách hàng đăng ký và cung cấp những thông tin cơ bản.
Không chỉ cho vay trực tuyến với khách hàng doanh nghiệp, các nhà băng cũng đang triển khai cho vay với khách hàng cá nhân thông qua cho vay trực tuyến qua bảng lương.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chia sẻ: “Tại OCB, chúng tôi có thể thực hiện 100% cho vay qua ngân hàng số, tạo điều kiện cho người thu nhập trung bình khá trở lên vay ngân hàng, có thẻ tín dụng với những hạn mức từ nhỏ đến lớn, 100% việc phê duyệt tín dụng số hóa, tự động hoàn toàn, khách hàng sẽ không cần bất kỳ một bước nào phải đến chi nhánh ngân hàng mà có thể có ngay hạn mức tín dụng”.
Đáng chú ý, sau khi vay, nếu muốn tiếp tục giải ngân thêm, thì khách hàng dù là doanh nghiệp hay cá nhân cũng không cần làm đơn đề nghị mới, chờ phê duyệt mà chỉ cần dựa vào dòng tiền là có thể được ngân hàng cấp gia tăng trực tuyến.
“Dựa trên lịch sử giao dịch dòng tiền tại ngân hàng, ngân hàng có thể đề xuất và cấp ngay tín dụng tại lúc khách hàng cần, khi cần thanh toán tiền hàng, ngay lúc đó tại thời điểm bị thiếu là nhân hàng đưa ra giải pháp và giải ngân ngay lập tức”, ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Khối Ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cho hay.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến nay có ít nhất 28 tổ chức tín dụng ứng dụng công nghệ vào việc cho vay. Tại hội thảo về phát triển ngân hàng số mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cũng cho rằng, kinh doanh ngân hàng gồm 3 trụ cột chính, đó là huy động, tín dụng và thanh toán. Lĩnh vực thanh toán hiện được xử lý tốt, người dân hiện cũng dễ dàng gửi tiết kiệm online. Tuy nhiên, làm sao để cho vay nhỏ lẻ trên môi trường điện tử giúp doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được dịch vụ tài chính ngân hàng là vấn đề cần được quan tâm. “Đây là định hướng lớn mà Ngân hàng Nhà nước đang tập trung, đó là cho vay trên nền tảng điện tử”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đợi hành lang pháp lý để “bùng nổ”
Theo một chuyên gia trong ngành tài chính - ngân hàng, đại dịch Covid-19 đã giúp cho các khách hàng nhận thấy tiềm năng của ngân hàng số và các dịch vụ số của ngân hàng, trong đó có kênh cho vay qua nền tảng trực tuyến. Thông qua việc cho vay trên nền tảng số, thủ tục giấy tờ sẽ được giảm tối đa, từ đó giảm khó khăn, phiền phức cho khách hàng. Ở chiều ngược lại, các ngân hàng cũng rút ngắn được thời gian khi dễ dàng truy cập mức độ tín nhiệm, lịch sử giao dịch của người đi vay qua các thuật toán và các giải pháp như eKYC.
Một điểm thuận lợi nữa của cho vay qua nền tảng số so với cho vay truyền thống là thu hẹp được khoảng cách giữa các ngân hàng và khách hàng. “Với phương thức cho vay truyền thống, tại mỗi món vay, khách hàng phải đến ngân hàng để tìm hiểu đầy đủ thông tin chi tiết về món vay và muốn có thông tin so sánh giữa các ngân hàng, khách hàng cũng cần gặp trực tiếp từng ngân hàng. Tuy nhiên với cho vay số, khách hàng có thể tiếp cận các ngân hàng khác nhau với thông tin dễ dàng để so sánh, lựa chọn gói vay phù hợp nhất”, vị chuyên gia cho hay.
Tuy vậy, các ngân hàng vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi triển khai các dịch vụ cho vay qua nền tảng số bởi nhiều lý do như: Dữ liệu khách hàng vẫn còn lẫn nhiều dữ liệu rác, chưa xác thực được khách hàng; việc thẩm định, phê duyệt tín dụng tự động còn hạn chế do dữ liệu, cơ sở pháp lý chưa rõ ràng.
Ngoài ra, cơ chế thu hồi nợ cũng như hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề thu hồi nợ chưa đầy đủ khiến nhiều ngân hàng còn e ngại. Chưa kể, thời gian qua có tình trạng nhiều thông tin cá nhân của khách hàng bị rò rỉ, đánh cắp, từ đó bị kẻ xấu sử dụng để đi vay hoặc làm các việc phi pháp mà khách hàng không hề hay biết. Thực trạng này vô hình trung đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các ngân hàng, khiến nhiều người e dè khi vay trực tuyến.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cho rằng, để hoạt động cho vay trực tuyến phát triển mạnh hơn nữa thì cần phải tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ hơn. Bên cạnh những quy định về cho vay trên nền tảng trực tuyến ban hành tại Thông tư 06 hay các vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số,... tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chính phủ cần sớm công bố Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt cũng như cần có cơ chế thử nghiệm (Regulatory Sandbox) trong lĩnh vực chuy nghệ tài chính.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải tập trung đầu tư mạnh về công nghệ, xây dựng dựa trên nền tảng 3 yếu tố cốt lõi, bao gồm dữ liệu, công nghệ và bảo mật. Các ngân hàng có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích dữ liệu nhằm giảm thiểu rủi ro trước khi quyết định cho vay, xây dựng quy trình chấm điểm tín dụng chi tiết, xem xét đưa vào sử dụng các hợp đồng số thông minh... để giúp quy trình cho vay chặt chẽ và tự động hơn.
Yếu tố bảo mật, đảm bảo an toàn cho các bên cũng cần được thực hiện nghiêm túc khi cho vay trực tuyến. Việc xác thực thông tin khách hàng qua phương thức xác thực định danh điện tử (eKYC) cần được đảm bảo an toàn hơn, sử dụng các công nghệ hiện đại để tăng mức độ bảo mật thông tin, giảm tối đa rủi ro cho ngân hàng và khách hàng, từ đó góp phần giúp khách hàng có niềm tin hơn với hoạt động cho vay trực tuyến.