Cho vay qua app bủa vây giới trẻ - Bài 2: Vượt qua sợ hãi

Vướng vào tín dụng đen, nhiều sinh viên bị hoảng loạn tinh thần, việc học sa sút. Để giải quyết khoản nợ lớn, một số lao vào làm thêm trả nợ, số khác thú thật với gia đình để được trợ giúp.

Phiên tòa giả định với chủ đề “Cho vay nặng lãi trong sinh viên”, do Trung tâm Quản lý Ký túc xá (ĐH Quốc gia TPHCM) tổ chức, thu hút đông đảo sinh viên tham gia

Phiên tòa giả định với chủ đề “Cho vay nặng lãi trong sinh viên”, do Trung tâm Quản lý Ký túc xá (ĐH Quốc gia TPHCM) tổ chức, thu hút đông đảo sinh viên tham gia

Bài học đắt giá

Từng là con nợ của các app tín dụng và loay hoay không biết trả thế nào, Nhật Khánh (sinh viên năm 3 một trường ĐH tại quận 4, TPHCM), tự động viên bản thân vượt qua cú sốc. Cậu nhận ra chỉ có cách quản lý tài chính tốt và gia tăng thu nhập mới có thể trả được nợ. Tiền gia đình gửi hằng tháng, nam sinh trích sẵn một khoản để dành trả nợ gốc. Còn phần lãi, cậu dùng lương làm thêm để trả. Từ một người mua sắm không cần suy nghĩ, Khánh đã thay đổi 180 độ. Mỗi khi quyết định mua một món hàng gì, nam sinh đều cân đo, đong đếm với mục tiêu thắt lưng buộc bụng để nhanh chóng trả hết nợ.

“Đây là một bài học đắt giá cho tôi. Ban đầu, tôi suy nghĩ tiêu cực, tự trách bản thân rất nhiều. Nhưng sau đó, tôi lại nhận ra chính nhờ sự cố này mà mình biết cách chi tiêu tiết kiệm nên cũng nhẹ nhõm hơn. Tôi không ngại chia sẻ câu chuyện của mình đến với mọi người. Tôi mong các bạn trẻ có thêm bài học khi tìm đến các khoản vay”, Khánh nói.

Với Hữu Tùng (sinh viên năm 3 một trường ĐH tại TPHCM), hậu quả của việc lún vào tín dụng đen là bạn bè, người thân của nam sinh bị liên lụy. Lúc vay nợ xong, Tùng mới biết mình phải trả thêm nhiều khoản phí khiến lãi mẹ đẻ lãi con, chưa kịp trả hết tiền gốc thì lãi đã đẻ thêm khiến khoản nợ vượt xa tầm kiểm soát. Khi đó, bên cho vay liên tục nhắn tin, gọi điện, nói rằng sẽ liên hệ với hàng xóm, họ hàng, bạn bè của Tùng, phát tờ rơi, thông báo cho mọi người về việc cậu trốn tránh trả nợ.

Hằng ngày, người quen của Tùng phải nhận những tin nhắn đe dọa, khủng bố tinh thần, những lời chửi bới tục tĩu. Quá hoảng loạn, Tùng không đến trường vì cảm thấy có lỗi với mọi người, xấu hổ khi việc vay nợ của mình bị phát tán. “Tôi cảm thấy hối hận khi lựa chọn vay kiểu này. Nó không hề an toàn hay đơn giản như tôi tưởng”, Tùng thừa nhận.

Sau thời gian nghỉ học, ở lì trong phòng trọ, nam sinh quyết định thú thật với gia đình. Bố mẹ Tùng biết chuyện đã vay mượn người thân để cậu có thể trả khoản nợ trước mắt, kèm theo điều kiện cậu phải hoàn trả đủ số tiền trên sau khi ra trường, có việc làm và thu nhập ổn định. Sau khi mọi chuyện được giải quyết, Tùng quay lại trường, chăm chỉ học tập để kịp ra trường đúng hạn. Cậu còn kiếm thêm một công việc làm thêm để tích cóp trả nợ.

“Tôi mong các bạn trẻ nên tránh xa các hình thức vay không minh bạch và nên thú thật với gia đình nếu chẳng may dính vào nợ xấu. Đừng im lặng rồi nghĩ đến các giải pháp tiêu cực. Người lớn sẽ đưa ra những giải pháp đúng đắn cho chúng ta”, Tùng nói.

Cảnh giác ứng dụng không rõ nguồn gốc

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM, cho biết các nhóm tín dụng đen hiện nay sử dụng công nghệ cao và núp bóng các doanh nghiệp cho vay trực tuyến, cho vay qua app. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc ẩn thông tin để tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

Các ứng dụng thường mời chào vay tiền và thu thập thông tin cá nhân của người vay. Mặc dù lãi suất theo hợp đồng chỉ 20%/năm nhưng người vay phải trả thêm nhiều khoản phí, khiến lãi suất thực tế lên đến hàng chục phần trăm mỗi tháng. Khi hết hạn vay, khách hàng phải chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng của các công ty này. Việc này tạo ra nợ nần khó trả, khiến người vay bị ép buộc trả nợ với lãi suất cắt cổ. Công an TPHCM tiếp tục điều tra và khuyến cáo người dân cảnh giác với các ứng dụng vay tiền không rõ nguồn gốc, tránh trở thành nạn nhân của tín dụng đen.

Tin nhắn đe dọa mà Hữu Tùng (sinh viên năm 3 ở TPHCM) nhận được sau khi vay tín dụng đen. Ảnh: Mai Linh

Tin nhắn đe dọa mà Hữu Tùng (sinh viên năm 3 ở TPHCM) nhận được sau khi vay tín dụng đen. Ảnh: Mai Linh

Áp dụng “ba không”

Ban đầu, Quế Như (sinh viên năm 4 ở TPHCM) rơi vào nợ nần cũng không dám chia sẻ với ai, kể cả bố mẹ mình. Nhưng sau khi bình tâm trở lại, Như lựa chọn cách thú thật với gia đình. “Tôi không ngờ khi nghe xong chuyện, mẹ không la mắng mà cho mượn tiền để tôi trả trước một app, bên app còn lại tôi trích lương hằng tháng để trả”, Như kể.

Thay vì giấu kín câu chuyện của bản thân, Như đã chọn cách bộc bạch với bạn bè cùng trang lứa thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm do Đoàn trường tổ chức. Cô hy vọng từ câu chuyện thực tế của mình, những người trẻ sẽ không bị sập bẫy lừa đảo hay vướng vào tín dụng đen. “Ai cũng có những sai lầm, quan trọng là cách đối diện và vượt qua”, Như nói.

Vừa qua, hơn 6.200 sinh viên và giảng viên từ nhiều trường đại học tại TPHCM đã tham gia chiến dịch loại bỏ gần 21.500 sản phẩm quảng cáo tín dụng đen và các loại quảng cáo sai quy định. Trung tâm Quản lý Ký túc xá (ĐH Quốc gia TPHCM) còn tổ chức phiên tòa giả định với chủ đề “Cho vay nặng lãi trong sinh viên”. Phiên tòa tái hiện tình huống sinh viên vay tiền từ tín dụng đen, dẫn đến bỏ học và bị đe dọa..., qua đó giúp sinh viên hiểu rõ hậu quả pháp lý của việc tham gia vào các hình thức cho vay bất hợp pháp. Đây là nỗ lực của các trường đại học trong việc bảo vệ sinh viên khỏi các rủi ro liên quan đến tín dụng đen, khuyến khích các em áp dụng “ba không”: Không liên hệ, không tìm hiểu, không mắc bẫy vay “nóng”.

*Tên nhân vật đã được thay đổi

(Còn tiếp)

Anh Nhàn - Mai Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cho-vay-qua-app-bua-vay-gioi-tre-bai-2-vuot-qua-so-hai-post1736059.tpo