'Chở' vốn đến vùng xa

Với vai trò chủ lực cung ứng vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân (tam nông), Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Thừa Thiên Huế đang góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa dịch vụ ngân hàng tiếp cận gần hơn với người dân vùng sâu, vùng xa theo định hướng chiến lược tài chính toàn diện.

 Agribank đẩy mạnh đầu tư công nghệ kéo gần hơn việc tiếp cận tín dụng

Agribank đẩy mạnh đầu tư công nghệ kéo gần hơn việc tiếp cận tín dụng

Xa nhưng không “ngái”

Trong câu chuyện đưa tín dụng đến gần hơn với người dân vùng sâu, vùng xa, ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh từng chia sẻ, “Thừa Thiên Huế có địa hình trải dài trên 5000km2 với nhiều địa bàn nằm ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiên tai bão lụt thường xuyên. Vì vậy, việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng đến người dân tại các khu vực này gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi còn lạc hậu, trình độ tổ chức liên kết còn hạn chế nên một số ngân hàng có phần dè dặt khi đầu tư trong lĩnh vực này”.

Nhắc lại câu chuyện này để thấy, đưa tín dụng đến vùng sâu, vùng xa hay đầu tư vào lĩnh vực tam nông là bài toán khó cho rất nhiều tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, với vai trò chủ lực trong cung ứng vốn cho lĩnh vực tam nông, Agribank Thừa Thiên Huế đã linh hoạt trong cách làm nhằm đưa các dịch vụ của ngân hàng đến gần hơn với người dân, doanh nghiệp. Ngoài phát triển mạng lưới phủ khắp các huyện, thị với 27 điểm giao dịch, 37 máy ATM, CDM, Agribank còn triển khai 15 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng tại 15 xã xa trung tâm.

 Agribank đưa máy ATM, CDM về vùng sâu

Agribank đưa máy ATM, CDM về vùng sâu

Ông Trần Đình Khoái, Phó Giám đốc Agribank Thừa Thiên Huế thông tin, những điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng là một trong những giải pháp đưa dịch vụ ngân hàng về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cách xa các phòng giao dịch ngân hàng. Chỉ tính từ năm 2020-2023, Agribank Thừa Thiên Huế đã tổ chức 685 phiên giao dịch bằng xe lưu động với 3.314 bút toán giao dịch huy động vốn và dịch vụ; 38.299 bút toán giao dịch cho vay và thu nợ, trung bình mỗi phiên giao dịch xử lý 96 bút toán giao dịch.

Cũng trong các phiên giao dịch này, các dịch vụ của ngân hàng được đội ngũ cán bộ giao dịch, tín dụng quảng bá rộng rãi, giúp người dân tiếp cận gần hơn với các chính sách, chương trình tín dụng, giải pháp của ngân hàng.

Bà Đặng Thị Gái, xã Vinh Thanh, Phú Vang cho hay, trước đây, muốn thực hiện các giao dịch ngân hàng, tôi phải chạy hơn 10km đến phòng giao dịch Agribank huyện Phú Vang. Từ khi ngân hàng triển khai xe giao dịch lưu động và máy CDM tại trung tâm xã, việc giao dịch, thanh toán… trở nên thuận tiện hơn. Tôi chỉ cần đợi đến ngày (2 ngày/tháng) xe giao dịch về là có thể thực hiện các giao dịch cần thiết. Máy nộp, rút tiền tự động cũng giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều chi phí thời gian, tiền bạc trong việc rút, nộp tiền vào tài khoản.

Cùng với mở rộng mạng lưới, Agribank cũng tăng cường công tác phối hợp với hội nông dân, hội phụ nữ trong việc triển khai mô hình cho vay qua tổ vay vốn, góp phần không nhỏ trong việc chuyển tải vốn, giúp người dân tiếp cận vốn phát triển sản xuất, kinh doanh dễ dàng, thuận tiện hơn.

Ưu tiên dẫn vốn vào lĩnh vực tam nông

Ưu tiên dẫn vốn vào lĩnh vực tam nông là định hướng quan trọng của Agribank. Điều này thể hiện khá rõ khi tỷ lệ nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ. Số liệu từ Agribank Thừa Thiên Huế cho thấy, đến cuối tháng 7, ngân hàng này đã đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng, tương đương với tỷ trọng hơn 51% dư nợ cho lĩnh vực tam nông, hiện thực hóa mục tiêu đẩy mạnh các chương trình tín dụng chính sách, hướng dòng vốn vào lĩnh vực tam nông như định hướng của Chính phủ.

Ông Trần Đình Khoái thông tin thêm, mỗi năm, Agribank luôn dành hàng nghìn tỷ đồng đầu tư và triển khai các chương trình tín dụng ưu tiên với lãi suất ưu đãi, phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện, Agribank cũng đang triển khai 5 chương trình cho vay ưu đãi dành cho cá nhân và 4 chương trình cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Có thể điểm tên như chương trình Agribank đồng hành cùng OCOP dành cho khách hàng cá nhân vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đồ uống, dược liệu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ với lãi suất ưu đãi thấp hơn 2%/năm so với sàn lãi suất hay các chương trình vay vốn ngắn hạn với lãi suất chỉ từ 3,5% đối với khách hàng cá nhân vay phục vụ sản xuất, kinh doanh; tín dụng ưu đãi đối với khách hàng cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống với lãi suất chỉ từ 4%/năm. Hay, các chương trình tín dụng dành cho khách hàng doanh nghiệp đầu tư thuộc 6 ngành trọng điểm và dự án thuộc lĩnh vực xanh với lãi suất chỉ từ 6%/năm.

Sự nhập cuộc từ Agribank đã góp phần đưa mức tăng trưởng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn đến hết quý II lên mức 10,39%, tương đương 16.288 tỷ đồng, tăng gấp nhiều lần so với tăng trưởng chung của toàn hệ thống.

Tuy nhiên, cùng với thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này, lãnh đạo Agribank Thừa Thiên Huế cũng mong muốn tỉnh có nhiều chính sách thúc đẩy các dự án xanh, nông nghiệp sạch, các dự án chế biến sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy chuỗi liên kết tạo sự phát triển bền vững cho nền nông nghiệp địa phương. Thông qua các chính sách này sẽ góp phần phát huy được hiệu quả các chương trình tín dụng ưu tiên, tạo được giá trị gia tăng trong lĩnh vực này, đồng thời làm bàn đạp khuyến khích người dân đầu tư, tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực tam nông.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/cho-von-den-vung-xa-145866.html