Chớ vung tiền mua bất ngờ

Săn lùng kiện hàng 'bom', 'túi nhân phẩm', hay thức suốt đêm xem xé 'túi mù' là thú vui mới của giới trẻ. Họ 'ghiền' những điều này vì nó mang lại cảm giác đợi chờ, tò mò, hồi hộp…

Mua hàng để tìm cảm xúc

Kiện hàng “bom” là các đơn hàng khách đặt online nhưng không nhận, bị trả về và thất lạc trong quá trình vận chuyển, nhiều món được gom lại thành từng kiện, định mức giá nhất định. Người mua yêu thích trò săn kiện hàng này vì thú vui được unbox (mở) 1 cục hàng lớn và bất ngờ vì không biết các món bên trong, biết đâu nhận được “kho báu”. Có nhiều người sẵn sàng bỏ ra từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng để săn hàng “bom” thử vận may.

Khác với tính may rủi về các mặt hàng bên trong kiện hàng “bom”, túi “nhân phẩm” được giới thiệu rõ ràng hơn. Người bán cho biết chung chung trước các món trong túi sẽ là gì, như mỹ phẩm, thực phẩm hay văn phòng phẩm… nhưng chất lượng, giá trị vẫn là ngẫu nhiên. Các túi này có giá khoảng 200.000 đồng đến gần 1 triệu đồng, giá trị hàng hóa bên trong được người bán cam kết là “khoảng khoảng” đó. Người mua về khui ra, “nhân phẩm tốt” thì lời, không thì xem như lỗ.

 Bạn trẻ bỏ ra 500.000-600.000 đồng để chơi xé “túi mù”, nhận về hơn trăm thú nhựa

Bạn trẻ bỏ ra 500.000-600.000 đồng để chơi xé “túi mù”, nhận về hơn trăm thú nhựa

Chị Nguyễn Thư, một người chuyên kinh doanh kiện hàng “bom”, túi “nhân phẩm” tại TP Cần Thơ, cho biết: “Ban đầu chỉ tính bán cho vui, tạo sự đa dạng cho cửa hàng nhưng không ngờ khách hàng ủng hộ nhiều quá, có thời điểm 12 giờ trưa mở bán mà chỉ sau 1 giờ là đã bán hết toàn bộ 1.000 túi. Sau này đành phải áp dụng hình thức mở bán theo đợt, thông báo trước và khách phải canh mới mua được”.

Tuy nhiên, vượt qua các hình thức trên là trào lưu xé “túi mù” đang rầm rộ thời quan qua. Đây cũng là một hình thức tìm cảm xúc qua việc mua hàng khá khác lạ. “Túi mù” là những túi ni lông nhỏ được hàn kín, trong đó có các charm (nhân vật dễ thương bằng nhựa, nhiều màu, cao bằng ngón tay cái).

Những người bán “túi mù” sẽ mở livestream vào khoảng 21 giờ mỗi ngày, ai muốn chơi sẽ liên hệ, chuyển tiền cho người bán và nhận số thứ tự rồi canh livestream đợi đến thứ tự các “túi mù” của mình được xé. Điểm thu hút là người mua không biết trong túi sẽ có charm nào, màu gì nên rất háo hức chờ đợi. Để tăng thêm độ thu hút, người bán thường đưa thêm các hình thức khuyến mãi như nếu xé ra có charm cùng kiểu, cùng màu sẽ được tặng thêm 1 túi.

Nhiều người để tăng khả năng trúng đã mua số lượng nhiều, bởi càng nhiều thì khả năng thêm túi càng nhiều. Những livestream dạng này đang thu hút rất đông người xem, có phiên lên đến hơn 10 ngàn người.

Bất ngờ, hay thất vọng

Thấy hàng ngàn người đang chơi “xé túi mù” trên livestream vui quá, Phương Anh (28 tuổi, ngụ TPHCM) cũng chuyển tiền cho người bán, dán mắt theo dõi livestream cả đêm, chờ tới lượt mình. Phương Anh chia sẻ: “Quan trọng là muốn người bán kêu tên, tới lượt, nói chuyện với mình, chỉ tầm 1-2 phút thôi nhưng cảm giác lôi cuốn lắm. Tuần này tôi mua tới 3 lần, tổng thiệt hại hơn 900.000 đồng”.

Thế nhưng, niềm vui kéo dài không lâu, nhận hàng về với gần trăm charm nhựa và hạt nhựa linh tinh, Phương Anh mới cảm thấy tiếc tiền: “Mỗi túi chỉ có 1 charm nhựa, giá khoảng 3.000 đồng, có khi chỉ là 3 hạt cườm loại trẻ em hay xâu vòng đeo. Giờ ngao ngán nhìn đống đồ nhựa đầy nhà mới thấy tiếc, số tiền đó lẽ ra có thể giúp tôi sinh hoạt cả tuần”.

Bỏ ra 700.000 đồng mua kiện hàng “bom”, Trần Phúc (22 tuổi, ngụ TPHCM) nhận về một bảng phấn trang điểm móp méo, áo thun nam không cùng gu cũng không vừa cỡ, máy khoan không thương hiệu, thùng khăn giấy và lược chải tóc, niềm vui mong chờ tắt ngúm, nhường chỗ cho sự bực tức.

Chuyển sang túi “nhân phẩm” để thử, Phúc cũng nhanh chóng thất vọng khi túi mình mua với giá gần 1 triệu đồng chứa toàn bánh kẹo Trung Quốc không nguồn gốc. “Cứ bảo mua để tạo cảm xúc mà mua xong chỉ thấy mình “mất tiền ngu” chứ không có vui vẻ gì như mình nghĩ”, Phúc nói.

Mua sắm quá tay, vượt ngoài cả khả năng tài chính luôn được xem là vấn nạn đối với nhiều người, nhất là những người trẻ. Thậm chí, nhiều gen Z còn cho rằng, mua sắm linh tinh cũng là một cách để xả stress, là hình thức tự thưởng cho mình sau những áp lực của công việc, cuộc sống. Thế nhưng, mua sắm sao cho phù hợp cả về năng lực tài chính lẫn giá trị sử dụng là điều mà người trẻ phải học.

Phạm Phúc (30 tuổi, nhân viên văn phòng tại một doanh nghiệp ở quận 3, TPHCM) chia sẻ: “Tiếp xúc với mạng xã hội cũng khó tránh khỏi những cảm giác bứt rứt, kiểu phải “mua nhanh kẻo lỡ”. Vấn đề là từ đầu tôi đã định hướng chọn cho mình những sản phẩm vừa có ích, vừa có tính giải trí, như những cuốn sách, các tour trải nghiệm trekking (đi bộ đường dài), học đàn, võ… điều đó giúp tôi vừa “thỏa mãn” thú vui mua sắm, vừa không cảm thấy hối hận vì đã tiêu xài hoang phí như việc mua sắm linh tinh trước đây”.

TÂM HIỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cho-vung-tien-mua-bat-ngo-post762744.html