Tham quan Hòa Thân được nhớ đến là vị quan tâm phúc của hoàng đế Càn Long. Bằng trí thông minh, sự không khéo, giỏi xu nịnh, Hòa Thân được nhà vua tin tưởng, trọng dụng. Nhờ vậy, đường quan lộ của Hòa Thân ngày càng thăng tiến, trở thành người có địa vị và ảnh hưởng lớn trong triều.
Quyền lực của Hòa Thân càng lớn hơn khi trở thành thông gia với vua Càn Long. Theo sử liệu, vào tháng 5/1780, hoàng đế Càn Long quyết định gả con gái yêu là Hòa Hiếu công chúa cho con trai của Hòa Thân là Phong Thân Ân Đức.
Một tháng sau, vua Càn Long hạ chiếu chỉ chọn một khu đất trong số gia sản bị sung công của đại thần Lý Thi Nghiêu để ban cho Hòa Thân xây phủ đệ cho Hòa Hiếu công chúa làm nơi ở sau khi lấy chồng. Quá trình xây dựng phủ đệ cho Hòa Hiếu công chúa được hoàn thành vào năm 1784. Đến tháng 1/1790, hôn lễ của Hòa Hiếu công chúa với Phong Thân Ân Đức được tổ chức long trọng, xa hoa.
Sau đó, Hòa Hiếu công chúa dọn vào phủ đệ mới. Mặc dù trên danh nghĩa là vua Càn Long xây "nhà mới" cho con gái yêu nhưng nhiều người cho rằng, đây là phủ đệ mà ông hoàng nhà Thanh này ban cho Hòa Thân.
Phủ đệ của Hòa Thân vô cùng rộng lớn với diện tích rộng hơn 60.000 m2 và được chia làm 2 phần: các công trình và hoa viên. Trong đó, các công trình trong phủ rộng tới 32.000 m2.
Bên trong phủ đệ của Hòa Thân có nhiều gian phòng được xây dựng công phu, sử dụng những nguyên vật liệu quý giá. Ngoài ra, tham quan này còn cho xây một tòa lầu trên núi nhân tạo để ngắm trăng, ngâm thơ, đọc sách.
Ngoài ra, phủ đệ của Hòa Thân còn nổi tiếng với điện Ngân An chuyên được sử dụng trong các dịp lễ quan trọng hay lầu Tàng Bảo được quan tham này sử dụng để cất giấu vàng bạc…
Khi hoàng đế Gia Khánh ra lệnh cho quan viên tới lục soát phủ của Hòa Thân vào năm 1799 thì thu được hơn 26.000 lượng vàng tại lầu Tàng Bảo. Đây chỉ là một phần nhỏ trong khối gia sản kếch xù mà Hòa Thân tích cóp được trong nhiều năm làm quan, sử dụng nhiều thủ đoạn để vơ vét tiền bạc.
Sau khi Hòa Thân bị vua Gia Khánh ban cho cái chết toàn thây, phủ đệ của tham quan này được chuyển cho em trai hoàng đế là Khánh Hy Thân vương Vĩnh Lân. Khi đổi chủ mới, phủ đệ mà Hòa Thân và vợ chồng con trai từng ở được gọi là “Khánh vương phủ”.
Con cháu của Khánh Hy Thân vương Vĩnh Lân sinh sống tại Khánh vương phủ cho tới đời thứ 4 thì không còn người nối dõi. Do vậy, vào năm 1852, Khánh vương phủ được hoàng đế Hàm Phong ban cho Cung Trung Thân vương Dịch Hân. Theo đó, Khánh vương phủ được đổi tên thành “Cung vương phủ”. Tên gọi này được sử dụng đến ngày nay.
Mời độc giả xem video: Phát minh thay đổi thế giới của phương Tây ra đời ở Trung Quốc?. Nguồn: Kienthuc.net.vn.
Tâm Anh (TH)