'Chọc cả hai tổ kiến lửa' Ukraine-Syria: Thổ Nhĩ Kỳ muốn 'cạn tàu ráo máng' với Nga hay chỉ 'vừa đấm vừa xoa'?
Không chỉ 'lôi lại chuyện cũ' bằng việc chỉ trích Nga sáp nhập Crimea năm xưa, Thổ Nhĩ Kỳ còn sẵn sàng tuyên bố trả đũa quân sự đối với quân đội Syria ở Idlib.
Hôm 4/2, sau chuyến thăm gây tranh cãi tới Ukraine, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ngay lập tức liên lạc với người đồng cấp Nga Vladimir Putin như một bước đi trấn an đối tác về vấn đề Syria, đồng thời tái khẳng định niềm tin giữa hai bên vẫn đang tồn tại.
Đối với những ai hiểu rõ bản chất và cấu trúc của mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga, động thái của ông Erdogan được cho là không gây ngạc nhiên.
Bởi, bất kể lợi ích và tầm nhìn mâu thuẫn của hai quốc gia có trở nên như thế nào, Tổng thống Erdogan không có đủ khả năng rời bỏ Nga và đối đầu với Tổng thống Putin tại thời điểm này, cây bút bình luận Cengiz Candar viết trên tờ Al-Monitor.
Vừa đấm vừa xoa
Trong chuyến thăm tới Ukraine hôm 3/2, ông Erdogan đã gây chú ý bằng một tuyên bố gây mích lòng Nga. Theo đó, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã buông lời chỉ trích việc sáp nhập Crimea của Nga năm xưa.
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Erdogan nêu quan điểm như vậy, nhưng tuyên bố lần này đến vào vào thời điểm các lực lượng Syria do Nga hậu thuẫn đang chiếm được các cứ điểm lớn ở Idlib, gây thương vong cho quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.
Ngoài ra, cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ về khoản viện trợ quân sự trị giá 34 triệu USD cho Kiev đã xoáy sâu vào vết nứt ngày càng lớn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Kiev đã vượt qua lằn ranh đỏ của Nga giữa lúc quân đội Syria mở đợt tiến công mới vào Idlib. Vì vậy, Tổng thống Erdogan đã gọi điện thoại ngay khi ông trở lại Ankara để trấn an người đồng cấp Putin về niềm tin vào mối quan hệ đối tác giữa hai nước.
Ông biết rằng chính Nga đã đồng ý cho cuộc tấn công quân sự mới nhất ở Idlib khiến cho sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ lâm nguy, nhưng buộc phải giả vờ đổ lỗi cho sự tự ý của lực lượng quân đội Syria.
Phát biểu vào sáng ngày 5/2, ông Erdogan cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc phải hành động trừ khi quân đội Syria rút lực lượng ra khỏi các trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 2. Trong tuyên bố của mình, điều khiến giới quan sát chú ý nhất là việc ông đã tránh nhắc đến sự liên quan của Nga.
Tình hình tiếp theo ra sao?
Giữa lúc căng thẳng ở Syria, khi 8 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng bởi pháo kích quân Chính phủ, mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cho nhiều nhà quan sát tin rằng sẽ có những rạn nứt vô cùng lớn.
David Gardner, cây bút chính sách đối ngoại của tờ Financial Times coi cuộc đụng độ gây thương vong đầu tiên giữa quân Chính phủ Syria và binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến bàn cờ Trung Đông rung chuyển.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng cả hai nhà lãnh đạo Erdogan và Putin đều không đủ khả năng chấm dứt sự liên kết địa chính trị giữa hai bên, cũng như không có bất kỳ lợi ích nào trong việc này.
“Hợp tác với Erdogan là một nỗ lực khó khăn đối với Putin, nhưng ông ấy không có lựa chọn nào khác. Nga không thể hoạt động ở Trung Đông một khi xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với những vấn đề lớn”, cựu cố vấn Điện Kremlin Gleb Pavlovsky nói với Bloomberg.
Vào ngày 6/2, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra một tuyên bố về tình hình ở Idlib, nhấn mạnh cam kết hợp tác của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ.
“Chúng tôi tái khẳng định cam kết của chúng tôi đối với các thỏa thuận và sự thấu hiểu lẫn nhau theo tiến trình Astana, cung cấp nhu cầu chống lại các nhóm khủng bố ở Syria để tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”, tuyên bố cho biết.
Tuy nhiên, tuyên bố này của Nga rõ ràng tán thành cuộc tấn công của lực lượng Chính phủ Syria ở Idlib, vốn đang gây bất lợi cho sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với những chỉ trích ngầm về lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib.
Nếu Tổng thống Erdogan sẵn sàng biến lời cảnh báo đáp trả quân sự của mình thành sự thật, mục tiêu kiểm soát khu vực chiến lược Saraqib ở Idlib được cho là sẽ gây ra một cuộc chiến giữa quân đội Syria dưới sự hậu thuận của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hơn về tuyên bố của Erdogan người ta có thể thấy rằng tình hình có thể chưa đến mức nghiêm trọng.
Trong phát biểu của mình, ông Erdogan đã dùng từ “hy vọng” quân Chính phủ sẽ rút lui thay vì đưa ra một mối đe dọa cụ thể, đồng thời nói rằng, nếu quân Syria không rút, “Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải hành động”. Do đó, một phản ứng quân sự đáp trả của Thổ Nhĩ Kỳ trong viễn cảnh này vẫn còn mơ hồ.
Tình hình quân sự ở Idlib đang trở thành một cuộc đua điên cuồng với thời gian. Khu vực này đã trở thành nơi thử nghiệm các giới hạn mới, không chỉ về chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ - hay của Tổng thống Erdogan – chính quyền Syria, mà còn là vai trò môi giới quyền lực của Tổng thống Putin, tờ Al-Monitor nhận định.
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/choc-to-kien-lua-hai-lan-a465211.html