Chơi bút một thời...
Thú chơi bút có lẽ đến với người Việt muộn hơn thú chơi sách, chơi tem, chơi đồ cổ nhưng nó có những đặc điểm riêng thú vị mà không phải thú chơi nào cũng có được.
Thời học sinh của thế hệ 7X, 8X những người Việt trở về trước, trẻ em vùng nông thôn thường dùng những cây bút chấm mực để viết. Cứ mỗi lần chấm vào lọ mực, viết được vài từ hoặc một dòng. Những cái ngòi bút ấy hoặc là thẳng hoặc "bụng chửa". Ngòi "bụng chửa" được ưa chuộng hơn vì hình dáng lạ mắt và giữ được nhiều mực. Thời ấy trên những chiếc bàn học bằng gỗ thường khoét vài lỗ tròn để học sinh đặt lọ mực vào ấy cho khỏi rơi. Gia đình có điều kiện thì bố mẹ mua cho con cây bút máy Hồng Hà hoặc sang hơn nữa là bút kim tinh Trung Quốc, loại bút mà cỡ cán bộ trung, cao cấp hoặc trong những phần thưởng lớn mới có được.
Cùng thời điểm ấy, ở miền Nam có những đặc điểm khác biệt. Trong ấy có những cây bút ngoại được người nước ngoài mang đến hoặc lính chiến mang theo, phổ biến nhất là những cây bút Parker của Mỹ hoặc Pilot của Nhật. Đến bây giờ khi thú chơi bút bắt đầu khởi sắc thì nhiều người vẫn thích hai loại bút kể trên vì những kí ức thuở trước.
Khi bút bi lên ngôi vì rẻ tiền, tiện dụng, người ta ít khi dùng bút máy/bút mực nữa. Những người dùng bút máy hoặc là hoài cổ, hoặc coi đó là thú chơi, sưu tầm riêng của mình. Điều đáng ngạc nhiên là khi việc sử dụng bút máy xuống dốc thì thú chơi bút lại phát triển.
Chơi bút khác với chơi sách, chơi tem, chơi đồ cổ là hầu như những cây bút để chơi đều xuất xứ từ nước ngoài. Các hãng bút Việt, xét cả về lịch sử phát triển, danh tiếng và chất lượng chưa đủ để người ta chơi hoặc sưu tầm. Những hãng bút được ưa chuộng nhất thường là Montblanc, Parker, Sheaffer, Pilot… và có cả những hãng bút ít được biết đến hơn như Pelikan, Kaweco, Sailor… cũng được ưa chuộng.
Thú chơi bút có đặc điểm riêng là người chơi cần thao tác ít nhiều và tính thực tế của món đồ rất cao. Chơi bút không chỉ để ngắm những cây bút tinh xảo hoặc có lịch sử lâu đời mà thường xuyên viết, bảo dưỡng, vệ sinh chúng. Sử dụng bút khoảng một hai tháng thì phải súc rửa vệ sinh một lần để mực khỏi đóng cặn và bảo dưỡng các bộ phận. Bút máy không có máy móc phức tạp gì cả nhưng một cây bút tốt thường được chế tác khá tinh xảo và chính xác để đảm bảo độ bền, độ trơn, ra mực đều và ổn định.
Bộ phận quan trọng bậc nhất của một cây bút máy là ngòi bút. Ngày xưa những cây bút của học sinh hay cùn, dễ tòe vì chất liệu xấu, giờ thì ngòi bút thường làm bằng thép tốt, sang hơn là thép mạ vàng hoặc vàng tây theo thứ tự tăng dần, vàng 10k, 14k, 18k, 21k. Làm bằng vàng thì ngòi bút mềm, dễ khiến hơn, ngòi bằng thép thì cảm giác hơi cứng. Về hình dáng thì ngoài ngòi thẳng còn có ngòi cong và có những kiểu ngòi được mài đặc biệt để khi viết có thể tạo ra nét thanh nét đậm theo ý muốn mà từ chuyên môn gọi là flex (mềm dẻo). Vì ngòi bút thường xuyên cọ xát với mặt giấy dễ bị ăn mòn, để chống lại điều ấy, ở những cây bút hiện đại người ta thường phủ iridium, một loại vật liệu rất cứng để ngòi bút bền bỉ hơn.
Cái ngòi bút được chế tác tinh xảo không những là bộ phận quan trọng bậc nhất của cây bút mà nó còn được gia công như những tác phẩm nghệ thuật. Trên ngòi bút có khắc hình chim thú, hoa lá cầu kì, ghi tên nhãn hiệu, biểu tượng của hãng hoặc vật liệu sản xuất. Điều đáng ngạc nhiên là không phải hãng bút nào cũng có thể sản xuất được ngòi, nhiều hãng chỉ có thể làm thân bút, nắp bút, quản bút, lưỡi gà, cài bút, nhẫn bút, ống mực; còn ngòi thì phải thuê hãng khác làm. Có những hãng chuyên sản xuất ngòi bút danh tiếng như Schmidt hay Bock của Đức. Ngòi bút cũng được phân làm nhiều cỡ khác nhau từ thanh, vừa, đến to được kí hiệu là F, M, B…
Ngòi bút tùy theo truyền thống hãng sản xuất thì sẽ cho ra mực "ướt" hoặc "khô". Các loại bút của Đức, Pháp, Mỹ thường cho ra mực "ướt", còn bút Nhật thì ra mực "khô" hơn, có lẽ vì người Nhật cần viết nét mảnh phù hợp với kiểu chữ của mình.
Ngòi bút đã cầu kì thế, giấy để viết cũng được chọn kĩ càng. Người chơi bút ưa loại giấy dày, mềm, màu không sáng quá, viết tôn nét chữ, màu mực và không bị nhòe, thấm. Khi màu mực cộng hưởng với giấy và được viết đẹp hoặc thư pháp, những trang viết đôi khi sẽ trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự.
Ngoài sự tinh tế của ngòi bút thì vật liệu làm bút cũng được đầu tư. Một cây bút sang trọng sẽ được làm bằng những vật liệu quý hoặc độc đáo. Hãng Montlbanc thường làm thân bút bằng nhựa resin có màu bóng, hãng Kaweco thì ưa thích vật liệu đồng không phủ, các hãng khác thì dùng hợp kim sơn mờ hoặc sơn mài. Các vật liệu cao cấp như titan, bạc, vàng cũng được thường xuyên sử dụng, có những cây bút được đính kim cương giá thành rất cao.
Nhưng dù đắt, những vật liệu kể trên cũng khá thông thường, để cây bút của mình độc đáo hơn, các hãng bút tìm kiếm thêm các hàng độc. Có loại bút thân làm bằng thiên thạch, đá kim tự tháp Ai Cập, gỗ có mùi thơm hoặc màu rực rỡ, bút được khắc những hình khắc độc đáo, thân bút được bọc da thằn lằn sa mạc, cá sấu... Cây bút khi ấy vừa là một vật phẩm nghệ thuật vừa là một tài sản khá lớn.
Các cây bút trở nên nổi tiếng một phần vì những người sử dụng nó. Ví dụ các tổng thống Mỹ như Truman, Kennedy, Nixon… đều rất thích dùng bút Sheaffer, nhà văn Conan Doyle thì dùng bút Parker để viết tác phẩm lừng danh về thám tử Sherlock Holmes hoặc khi kí kết thỏa thuận Hong Kong trở về với Trung Hoa lục địa, người Trung Quốc đã sử dụng bút Hero, một thương hiệu bút truyền thống của mình. Những cây bút mang một phần lịch sử ấy thường nằm trong bộ sưu tập gia đình hoặc các bảo tàng, người chơi bút riêng lẻ rất khó kiếm hoặc phải trả giá rất cao.
Các văn nghệ sĩ, chính khách khiến cây bút thêm danh giá và ngược lại các hãng bút cũng làm các phiên bản bút giới hạn để tôn vinh những tên tuổi lớn như Victor Hugo, Balzac, The Beatles, Walt Disney, Kennedy…
Có những quan niệm về chơi bút rằng người chơi phải đi từ thấp đến cao. Người mới bắt đầu nên làm quen với những cây bút cổ sơ, đơn giản nhất rồi tiến dần lên để thấy được lịch sử phát triển của bút. Đó cũng là một quan niệm nhưng e rằng hơi khó thực hiện vì những cây bút cổ sơ khó kiếm hoặc đắt tiền, thú chơi đôi khi đơn giản là có ít nhiều hiểu biết và đam mê lĩnh vực mình quan tâm là được. Một trong những sự hấp dẫn của thú chơi bút là ở cách bơm mực. Kiểu bơm mực phổ biến của những cây bút của lứa học sinh 7X, 8X miền Bắc thời trước là gập hoặc bóp ống chứa mực rồi nhả ra để mực hút vào. Giờ thì cơ chế bơm mực của các cây bút hiện đại là đẩy, kéo hoặc xoáy pít tông để mực dẫn vào hoặc tiện lợi hơn nữa, khi các hãng bút làm luôn ống mực, chỉ việc ấn ống mực vào là xong, hết mực thay ống khác. Nhưng những người tỉ mẩn, cầu kì thì không thích các ống mực lắm vì bơm mực bằng pít tông có khoái cảm riêng khi thao tác đòi hỏi sự khéo tay, có thể thay đổi màu mực bất kì và cũng tiết kiệm hơn.
Nhiều người thích những cây bút làm bằng kim loại, to, cầm đằm tay, khi viết cảm thấy sức nặng của cây bút. Những người khác thì thích những cây bút nhỏ, thon nhẹ, cầm không mỏi tay. Sở thích đa dạng nên các hãng bút cũng làm đủ các kiểu bút, chủng loại để chiều thị hiếu khách hàng.
Trên mạng xã hội có rất nhiều nhóm, chơi sưu tầm bút và số người tham gia ngày càng đông. Trên các diễn đàn chơi bút, người ta có thể trao đổi thông tin về các cây bút, lịch sử phát triển các hãng bút, kinh nghiệm, khoe bút, tìm kiếm, mua bán hoặc sửa chữa bút, cũng có người chuyên độ bút như mài ngòi, chạm khắc, làm vỏ mới... Những người mới chơi thì có khoảng vài cây bút, người sành sỏi thì có vài chục cây, một anh bạn nhà thơ của tôi thì thậm chí sở hữu hàng trăm cây bút quý với giá trị rất lớn.
Thực ra, ngoài giới học sinh, sinh viên thường xuyên sử dụng bút thì số người trưởng thành dùng bút đã khá hiếm, đặc biệt là bút máy. Những người dùng bút chủ yếu là các kí giả ưa tốc kí, nhà văn (số này cũng đang tuyệt chủng dần vì sự tiện lợi của máy ghi âm, máy ảnh và máy vi tính) và những lãnh đạo, chủ doanh nghiệp phải kí tá giấy tờ. Vì bút khi ấy chủ yếu dùng để kí tên nên dòng bút kí ngày càng cầu kì và đắt đỏ vì những khách hàng hạng sang của mình.
Không thể chống được các quy luật tự nhiên và sự phát triển nói chung, những cây bút máy và những người dùng bút máy sẽ ngày càng ít đi (kể cả bút bi cũng vậy), nhưng rõ ràng những cây bút đã từng đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử loài người kể từ khi có chữ viết. Người dùng bút hiếm dần nhưng những trang bản thảo viết tay vẫn được trang trọng, trân quý, những chữ viết tay vẫn có sức hấp dẫn và thú chơi bút như một bảo tàng lưu giữ, trưng bày và nuôi dưỡng tình yêu , sự say mê với một thứ công cụ đã góp phần vào sự tiến bộ của loài người và vẫn còn những giá trị thực tế không thể chối bỏ.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/choi-but-mot-thoi-629472/