Chơi hoa ngày Tết

Hoa Tết thường có hai loại, một là trưng bày trong 3 ngày Tết để tạo nên 'xuân huy' của gia đình. Loại thứ hai là hoa cúng, một trong các lễ vật phải có, bày trên bàn thờ tổ tiên.

Ngày xưa, khi khoa học nông nghiệp chưa phát triển, những kỹ thuật tác động đến cây trồng, đến việc trồng hoa theo chủ ý của người trồng để đáp ứng sự đa cầu của thế nhân như bây giờ, các loài hoa nở theo mùa, chúng luân phiên chỉ báo sự thay đổi của tứ thời, sự chu chuyển hằng năm của trời đất.

Mùa nào hoa ấy, các loài hoa nở như là ảnh chiếu của ý đồ vũ trụ và con người cũng theo nhịp điệu của thời gian mà thưởng ngoạn hương sắc của hoa.

Theo sự trội bật của hoa, trong lịch sử đã y cứ xác lập bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành bộ tứ bình/tứ hữu: Mai, lan, cúc, trúc. Lại nữa, mỗi mùa lại có 6 tiết, mỗi tiết thích hợp cho sự thăng hoa của từng loài hoa.

Mỗi tiết (15 ngày) lại có 3 hầu, mỗi hầu lại có một hoặc hai ngọn gió riêng hợp với một loài hoa nhất định... Đầu xuân, hoa đào ở xứ Bắc nở vào dịp Tết và được thưởng thức cho đến tiết kinh trập (đầu tháng 2 âm lịch).

Ở phương Nam, mai vàng thay thế địa vị của hoa đào. Xứ Bắc cũng có loại hoa mai, song đó là mai sắc trắng, thuộc loại đào họ hoa hường (Rosaceae); mai vàng thuộc loại hoàng mai, họ Ochaceés.

Mai vàng nở vào hầu đầu tiên của năm mới. Mai trải qua mùa đông giá rét (tuế hàn) mà vẫn hàm chứa sinh lực để trổ hoa nên được xếp vào đồ án Tuế hàn tam hữu: Tùng, trúc và mai, biểu ý tôn vinh sự cứng cỏi, vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt.

Hoa đào sắc hồng tươi thắm là sắc màu của sự sống, sự may mắn nên được thế nhân ưa chuộng để chưng vào dịp Tết; lại nữa, tín niệm cổ về “đào phù”, loại bùa làm bằng gỗ đào, loại thực vật được xác tín là có khả năng trừ tà, khiến cho ma quỷ sợ hãi, tránh xa.

 Vườn đào dưới chân cầu Nhật Tân. Ảnh: Việt Linh.

Vườn đào dưới chân cầu Nhật Tân. Ảnh: Việt Linh.

Hoa mai được người dân phương Nam chọn là loài hoa biểu trưng cho mùa xuân và thêm vào đó, phương ngữ xác lập trên cơ sở đồng âm của mai là may, tức là may mắn nên cũng được người người ưa chuộng.

Nói chung, mỗi loại hoa có biểu tượng chung riêng do hình tướng, sắc, hương, đặc điểm sinh học và tên gọi... của chúng; song nói chung hoa biểu tượng của bản thể thụ động: Một là hoa hướng lên trời như chiếc bát tiếp nhận hoạt động và năng lượng của trời, cụ thể như sương móc, gió mưa; hai là chúng sinh trưởng từ đất hay nước (ví như sen, thủy tiên...) nên biểu thị sự sinh tồn từ chất liệu này.

Do đó, hoa là hình mẫu về việc phát triển sự sống và là hình ảnh của chu kỳ sống cần đạt tới sự hoàn hảo. Do đó, việc thưởng hoa không chỉ yêu cái vẻ đẹp của hoa mà trong tận thâm tâm còn quý cái thần diệu của hoa, hướng vào cái hoàn hảo mà hoa sở đắc.

Hoa Tết thường có hai loại: Hoa chưng bày trong 3 ngày Tết để tạo nên “xuân huy” của gia đình; hoa cúng, một trong các lễ vật phải có, bày trên bàn thờ tổ tiên, khám/tran thờ thần, Phật.

Ở miền Bắc, tiêu biểu là Hà Nội, thú chơi hoa Tết thường có quất, cúc, đào, mai, thủy tiên, hồng nhung, đỗ quyên, mẫu đơn, thược dược; ưa chuộng nhất là đào, cúc, quất. Đào có nhiều loại: Hồng đào, bích đào, bạch đào...

Ngoài ý nghĩa thẩm mỹ và tín niệm trừ tà như đã nói trên, việc chọn đào chủ vào tán tròn, cành đẹp, nụ ẩn để có thể thúc nụ, hãm hoa khiến hoa nở vào đúng ngày Nguyên đán và kéo dài đến rằm tháng giêng. Quất trồng trong chậu. Do quất có tên đồng âm với cát/kiết nên biểu ý cát tường, nói cụ thể là tài lộc.

Cúc cũng có tên gọi đồng âm với cát/kiết nên cũng được chuộng. Lại nữa, thời trước, cúc biểu trưng cho sự thanh cao của bậc thượng sĩ nên được giới nho sĩ chuộng, lấy hoa cúc để biểu trưng cho nếp sống thanh bạch của mình.

Một loài hoa không có ở bản xứ, nhưng từ lâu đã trở thành một loài hoa Tết được đặc biệt ưa thích ở Hà Nội là hoa thủy tiên. Hoa thủy tiên được thương nhân Ả Rập du nhập vào vùng Phúc Kiến (Trung Quốc) vào khoảng năm 1000 sau công nguyên.

Ở đây, hoa thủy tiên càng ngày càng được cư dân hâm mộ và được nuôi trồng công phu để tạo ra nhiều chủng loại, có loại giống cọp, có loại giống như tiên nữ... Loại hoa thủy tiên này thường nở vào mùa xuân nên được coi là biểu thị của sự may mắn cho năm mới.

Để có được một giò thủy tiên đón Tết, người chơi hoa phải biết tỉa gọt củ thủy tiên để ngâm trong bình nước: củ có chùm rễ trắng muốt và nở những chùm hoa trắng, có hương thơm nhẹ.

Ngoài các loại hoa trên, chợ hoa Hà Nội còn cung cấp nhiều loại hoa khác: Mẫu đơn, đỗ quyên, hồng nhung, hồng bạch... cho thị trường ngày Tết.

Các loài hoa Tết được trồng ở các làng hoa chuyên canh nổi tiếng từ lâu đời ở ven Hồ Tây: Nghi Tàm, Ngọc Hà, Nhật Tân, Yên Phụ.

Ở Huế, hoa Tết cũng được chuyên canh tại các làng hoa Phú Mậu (Phú Vang), La Vân Hạ (Quảng Thọ), Vân Thê (Thủy Thanh, Thanh Thủy)... Hoa Tết ở Huế có hoa mai, thược dược, đồng tiền, trạng nguyên, và gần đây có phong lan Đà Lạt, quất Hội An, đào Bắc, tulip, lan Mocara...

Hoa Tết ở miền Nam, đứng đầu là hoa mai. Các loại hoa truyền thống được nhắc đến gồm “hoa liên, hoa lý, hoa lài” cùng với phù dung, vạn thọ, bông trang.

Sau này, các loài hoa ở Đà Lạt, Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức, rồi các làng hoa ở Sa Đéc, Bến Tre... càng ngày càng cung cấp nhiều loại hoa mới khiến cho hoa Tết ở Sài Gòn nói riêng, Nam Bộ nói chung là một tập thành phong phú.

Điều này đã làm thay đổi tập quán thưởng hoa nói chung cũng như việc chọn hoa để chưng bày trong gia đình vào ngày Tết, chọn hoa để dâng cúng các đối tượng tôn kính thuộc các tín ngưỡng lẫn việc thờ cúng tổ tiên.

Huỳnh Ngọc Trảng / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khao-luan-ve-tet-post1181471.html