'Nghiên bút còn thơm': 'Bản giao hưởng' của thư pháp và ánh sáng

Nghệ thuật thư pháp chữ quốc ngữ xuất hiện cách đây chưa đầy một thế kỷ, dần khẳng định chỗ đứng trong dòng chảy chung của sự phát triển nghệ thuật thư pháp. Ngày nay, các tác phẩm thư pháp còn được trưng bày kết hợp cùng công nghệ ánh sáng để trở thành những tác phẩm thư họa đầy tính nghệ thuật, 'chạm' tới cảm xúc của người xem...

Khách tham quan triển lãm “Nghiên bút còn thơm”.

Khách tham quan triển lãm “Nghiên bút còn thơm”.

Nghệ thuật của đường nét

Mới đây, triển lãm “Nghiên bút còn thơm” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng Thủ đô bởi đây là lần đầu tiên một triển lãm thư pháp chữ quốc ngữ được tổ chức với quy mô lớn và chuyên nghiệp, chỉn chu trong từng tác phẩm. Vượt khỏi những quy tắc trong việc sử dụng bút lông, mực Tàu để viết chữ trên giấy, giờ đây, thư pháp chữ quốc ngữ xuất hiện như những tác phẩm thư họa đầy tính nghệ thuật.

Điều đặc biệt là, các tác phẩm không chỉ thể hiện những con chữ hay câu đối như thư pháp Hán Nôm mà mang đến cho người xem những áng thơ tuyệt tác của các danh nhân nước nhà như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh. Những sáng tác về Thăng Long - Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm... được “hóa phép” để tạo hình cho con chữ trở thành tác phẩm hội họa mang vẻ đẹp của thi ca và thư pháp, bộc lộ cá tính, phong cách, cảm xúc của các thư pháp gia.

Chữ Latinh du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XVII. Bằng việc tập hợp các chữ cái Latinh và dấu phụ để ghép âm dựa theo quy tắc chính tả của tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Ý, chữ quốc ngữ ra đời, đánh dấu sự “thoát ly” của tiếng Việt khỏi tiếng Hán và được biểu đạt theo một hình thức hoàn toàn mới. Nhưng phải đến thế kỷ XIX, chữ quốc ngữ mới phát triển mạnh mẽ khi thực dân Pháp đẩy mạnh việc sử dụng chữ quốc ngữ nhằm phổ biến ngôn ngữ và văn hóa Pháp tại Việt Nam. Từ đây, chữ Hán Nôm ít được sử dụng. Nghệ thuật thư pháp Hán Nôm dần rơi vào cảnh thoái trào. Đó cũng là lúc thư pháp chữ quốc ngữ bắt đầu hình thành.

Khi sáng tác một tác phẩm, các thư pháp gia phải tuân theo những quy tắc chung. Theo họa sĩ Trường Thịnh, một thư pháp gia nhiều năm gắn bó với nghệ thuật thư pháp, cho dù là nghệ thuật thư pháp Hán Nôm hay thư pháp chữ quốc ngữ, quy trình hành bút đều phải tuân theo 3 bước: Khởi (bắt đầu) - hành (viết) - thu (kết thúc). Tuy nhiên, nghệ thuật thư pháp Hán Nôm - vốn mang tính tượng hình cao, lại thường bị bó buộc trong các quy định chặt chẽ về bố cục, đường nét, tư duy để tạo ra những hình tượng nghệ thuật thể hiện ý tứ sâu xa của tác giả. Để viết được, thư pháp gia phải am hiểu ý nghĩa của các chữ, có nền tảng kiến thức thâm sâu mới có thể kết hợp, phân bố hình khối và tạo dáng chữ qua từng đường nét.

Ngược lại, thư pháp chữ quốc ngữ lại mang tính tượng thanh nên khi tạo hình, thư pháp gia có thể tự do sáng tạo theo nhiều lối viết khác nhau, thậm chí có thể tự tạo cho mình phong cách riêng. Có người ưa chữ chân phương (Chân tự) bởi cách viết rõ ràng, dễ đọc. Người ưa chữ cách điệu (Biến tự) là cách viết các chữ hơi biến dạng để tạo lối viết riêng. Lại có thư pháp gia ưa lối chữ cá biệt (Cuồng thảo) như một cách “định danh”, thể hiện cá tính riêng và sự “nhiếp tâm” giữa tư tưởng với quản bút... Để viết được thư pháp chữ quốc ngữ, người viết phải hiểu về ký tự Latinh, các đường nét cơ bản để tạo nên chiều sâu trong nghệ thuật thị giác, giúp người xem cảm nhận được vẻ đẹp của chữ với điểm nhấn tập trung vào những câu thơ hoặc từ đơn giản nhưng có ý nghĩa sâu xa.

Cuộc chơi của ánh sáng và thư pháp

Thư pháp chữ quốc ngữ ngày càng được nhiều người ưa thích vì dễ đọc, dễ hiểu và dễ ứng dụng. Đặc biệt, thông qua nghệ thuật tạo hình bằng đường nét, thư pháp chữ quốc ngữ có thể truyền tải cảm xúc của người viết đến người xem. Nói như thư pháp gia Ngẫu Thư (Nguyễn Thanh Tùng): "Người viết phải khai thác được vẻ đẹp riêng trong từng ký tự rồi ghép lại thành một tác phẩm với những nhịp điệu như một bản giao hưởng. Ở triển lãm “Nghiên bút còn thơm”, ngoài khai thác tính nhịp điệu đơn thuần của từng con chữ, các thư pháp gia còn làm cho chúng trở nên lung linh hơn nhờ hiệu ứng ánh sáng và màu sắc. Nhờ đó, các con chữ không đơn thuần đi theo hàng lối nữa mà đã trở thành những bức thư họa phá cách, mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Người ta có thể bắt gặp một Thăng Long phủ đầy huyền tích, một Hà Nội bảng lảng trong sương hay lãng mạn trong tiết thu dịu dàng...".

Triển lãm “Nghiên bút còn thơm” trưng bày 70 tác phẩm chính cùng hơn 700 tác phẩm nhỏ của 15 tác giả thuộc cả ba miền. Các tác phẩm mang tới hiệu ứng thị giác mạnh và cảm xúc mới lạ với những con chữ và câu từ, qua đó giúp người xem hiểu được tư tưởng của các tác giả.

Giám tuyển, nhà thư pháp Xuân Như (Vũ Thanh Tùng) cho biết: “Triển lãm không trưng bày theo cách thường thấy. Toàn bộ tác phẩm chính và tác phẩm nhỏ được sắp đặt theo từng module một cách có dụng ý và đều được soi sáng từ bên trong, mang lại hiệu ứng xem - cảm mới cho công chúng. Từng con chữ, từng nét bút, từng vết mực đều được làm nổi bật và soi rõ bằng ánh sáng. Người xem có thể tương tác với tác phẩm theo hai chiều một cách rõ ràng, trực quan để từ đó cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp của bút mực trên từng trang giấy”.

Góp phần xây dựng thành phố sáng tạo

Triển lãm “Nghiên bút còn thơm” được tổ chức với kỳ vọng tạo ra sự mới mẻ cho hoạt động thư pháp chữ quốc ngữ. Chia sẻ về mục tiêu của hoạt động này, Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói: “Chúng tôi mong muốn triển lãm này sẽ tạo ra nguồn cảm hứng cho những nghệ sĩ sáng tạo và định hình hướng đi mới cho thư pháp chữ quốc ngữ. Không dừng lại ở việc viết chữ nữa, những tác phẩm thư pháp chữ quốc ngữ phải là tác phẩm nghệ thuật phản ánh sự sáng tạo của những người hoạt động thư pháp nhằm đề cao giá trị thẩm mỹ và giá trị văn hóa của tiếng Việt, qua đó góp phần xây dựng Hà Nội thực sự là một thành phố sáng tạo”.

Để ý nghĩa và giá trị của nghệ thuật thư pháp chữ quốc ngữ lan tỏa sâu rộng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ tiếp tục phối hợp với các thư pháp gia tổ chức hoạt động giao lưu, triển lãm, tọa đàm về thư pháp chữ quốc ngữ. Nghệ thuật thư pháp chữ quốc ngữ sẽ thường xuyên được ứng dụng trong các hoạt động trải nghiệm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hiện nay, chương trình trải nghiệm tour đêm Văn Miếu (Van Mieu Night tour) có không gian “Lớp học thầy đồ xưa” là nơi giới thiệu thư pháp chữ quốc ngữ, thu hút rất nhiều khách du lịch đến trải nghiệm viết thư pháp.

Khẳng định triển lãm lần này là sự đóng góp một phần nhỏ vào việc phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, thư pháp gia Ngẫu Thư cho rằng: “Công nghiệp văn hóa ở đây không phải là làm văn hóa một cách công nghiệp mà là đưa văn hóa tới gần hơn với đời sống. Triển lãm này là sự đóng góp của chúng tôi vào công cuộc phát triển Công nghiệp văn hóa chung của Thủ đô”.

Trong quá trình hoạt động và giảng dạy tại Câu lạc bộ thư pháp Lưu Đức thư đường, thư pháp gia Ngẫu Thư nhận thấy số bạn trẻ, thậm chí cả những em chỉ 4 - 5 tuổi theo học thư pháp ngày càng đông. “Tôi nghĩ tình yêu tiếng Việt và văn hóa Việt là “hạt giống”, là “mạch ngầm” chảy trong mỗi con người Việt Nam, chỉ cần “chạm” vào là nó nảy nở. Nhiệm vụ của chúng ta là tạo ra môi trường lý tưởng để người trẻ được trải nghiệm và sáng tạo nhiều hơn. Khi ấy, tự nhiên các bạn sẽ thấy mình, thấy dân tộc mình trong đó để cố gắng gìn giữ và đưa văn hóa của cha ông ra với thế giới”.

Bài và ảnh: Mỹ An

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nghien-but-con-thom-ban-giao-huong-cua-thu-phap-va-anh-sang-677373.html