Chơi phong lưu, thanh lịch mới là chơi
Khi bàn về tính cách của người Sài Gòn, trên tạp chí Văn (ra ngày 8/6/1973), nhà văn Vũ Hạnh có kể câu chuyện xảy ra trên đường Nguyễn Trãi là lúc hai tên du côn du kề phóng xe ẩu. Sau khi hất tung bé gái ngã té sóng soài giữa đường, chúng không dừng lại mà vẫn còn cố tình bỏ chạy.
“Giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha”, không ai bảo ai, ngay lập tức mấy chị gánh nước mướn đã nhanh chóng đuổi rượt theo rồi vây bắt chúng. “Trong đám đông những người chứng kiến vụ này, có một cụ già quay lại bảo với chúng tôi: “Mấy con mẻ này chơi được quá”. Chơi được quá, đó là lời khen hết sức thành thật. Nhưng bỏ công việc làm, vây đánh những tay cao bồi, du đãng là “chơi” đó sao?
Con mẻ là con mẹ là nói trại ra. Kể ra cũng lạ. Nhiều người cũng thắc mắc như vậy, hành động nghĩa hiệp ấy, phải nhọc công nhọc sức, có khi nguy hiểm tính mạng nữa, sao lại gọi là “chơi”? Từ “chơi được” này, ta cũng hiểu như chơi điệu/ chơi điệu nghệ là làm một việc đúng đạo nghĩa, theo làm lẽ phải, lời khen nằm ở từ “được/ chơi được”. Nếu không dùng từ “chơi được”, ta có thể nói: “Mấy con mẻ này chịu chơi quá”. Chơi được/ chịu chơi trong ngữ cảnh này, là chỉ ai đó dám làm dám chịu, dám ăn thua đủ, lì đòn, sẵn sàng trước thử thách.
Chơi, có nhiều cách chơi. Nhưng chẳng ai có thể chấp nhận ai đó “chơi ngang”: “Có chồng càng dễ chơi ngang/ Đẻ ra con thiếp, con chàng, con ai?”. Nếu chẳng may, rơi vào trường hợp éo le này, người đàn ông tội nghiệp đó được gọi “mọc sừng”, dù chẳng hề có cái sừng nào mọc trên đầu cả. Thế mới là… tiếng Việt.
Lại nữa, còn có chơi trèo, chẳng phải trèo leo gì sất, chỉ là cách nói ai đó hỗn hào, vô lễ với người trên mình về địa vị lẫn tuổi tác. Nhưng rồi, ở đời thiệt oái ăm, có những kẻ hậu sinh cỡ như Trịnh Hâm, Bùi Kiệm dù văn dốt võ dát nhưng vẫn dám mắng ông Quán chơi trèo: “Gối rơm theo phận gối rơm/ Có đâu dưới thấp mà chờm lên cao” - dù ông đáng bậc cha chú, chữ nghĩa hơn mình. Nói cách khác, trong trường hợp này, chính là lúc Hâm - Kiệm đã chơi trội, muốn thể hiện mình hơn người khác. Chơi như thế trong chừng mực nào đó còn gọi chơi ngốc, chơi dại vì nhận lại bao lời phê phán, chê cười của người khác. Trên đời này có một thứ chơi chỉ có thể liệt kê vào hạng… “chơi ngu” - từ này hình như mới xuất hiện gần đây thì phải, là muốn nhấn mạnh nếu ai đó chơi cỡ đó ngu “hết cỡ thợ mộc”, “hết thuốc chữa”, “thầy chạy”, không còn gì phải bàn tới nữa.
Chơi gì thế?
Chỉ có thể là trô.
Trô, nghĩa là gì?
Trong tiếng Việt, mỗi một từ “trô” đứng riêng lẻ không có nghĩa. Nếu có, nó phải cặp kè với một từ khác: trô trố hoặc từ đồng nghĩa là trố. Dù bản thân từ trô không có nghĩa nhưng ngộ thay, hiện nay người ta vẫn sử dụng đó thôi. Lại ngạc nhiên hơn, trước đó nữa, từ trô cũng đã xuất hiện trong tác phẩm văn học Việt Nam. Trong hai tập phóng sự nổi tiếng góp phần làm nên thương hiệu “tùy bút Nguyễn Tuân” là “Ngọn đèn dầu lạc”, “Tàn đèn dầu lạc”, thỉnh thoảng tác giả “Vang bóng một thời” vẫn sử dụng từ trô. Ngoài ra còn có thể nêu thêm vài dẫn chứng khác, thí dụ trong “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng, nhân vật “Vạn Tóc Mai reo lên: - Còn phải kể! Cha mẹ ơi! Giời cao đất dày ơi! Trô năm sáu năm nay rồi mà sự nghiệp chỉ phát minh được có thế đấy. Bố bảo lại không hao cơm tốn áo à?”; rồi lúc nhân vật Long nói với bà chủ nhà hát cô đầu: “Bảo họ lên trô đã rồi lại xuống nhẩy cho dẻo!”. Rồi trong phóng sự “Lục xì”, Vũ Trọng Phụng cũng viết: “Nếu thế thì ít ra cũng phải “trô” vậy, chứ không thì chán bỏ bố!”.
Vậy, trô trong các ngữ cảnh này là gì?
Trước hết cần khẳng định, đây không phải là từ vay mượn mà chính là tiếng lóng của dân hút xách nghiện ngập. Trô là tiêm/ hút/ hút thuốc phiện. Những kẻ lụy ả phù dung/ nàng tiên nâu/ cơm đen thì trong tiếng lóng gọi là “dân làng bẹp”, tỷ như trong truyện ngắn “Mưu làng bẹp” (in năm 1938) nhà văn Nguyễn Công Hoan viết: “Mỗi khi ông dân làng bẹp nào mà nghiền nghĩ ra mưu kế để làm một việc gì thì có họa là thánh cũng phải mắc”. Bẹp ở đây là nói tắt của “bẹp tai” ám chỉ kẻ thường xuyên nằm nghiêng một bên kéo ống tẫu khiến tai bẹp dí.
Suy ra, câu văn trong phóng sự “Cạm bẫy người” của Vũ Trọng Phụng vừa trích dẫn: “Hai người lôi nhau ra một chỗ, nói với nhau những gì gì khiến cho anh em làng b. phải trô trố nhìn không chớp mắt”. Vậy, “làng b.” rõ ràng là “làng bẹp”? Không, chính xác là “làng bịp”, vì đây là thiên phóng sự trứ danh nói về cờ bạc bịp/ thần đổ bác/ trò đỏ đen/ chơi sát phạt…
Như ta đã biết, tiếng lóng là các từ có tính quy ước chung do một số người “cùng hội cùng thuyền” sử dụng, trao đổi với nhau mà người khác giới nếu có nghe cũng không hiểu rõ. Và, bản thân tiếng lóng thay đổi theo thời gian, có thể mất đi hoặc cũng ám chỉ sự vật/ sự việc đó nhưng mỗi thời sử dụng từ mỗi phách. Do đó, khó có thể truy ra nguồn gốc ra đời của nó là do đâu, từ đâu? Riêng với từ “trô” lại khác. Trong tác phẩm “Ngọn đèn dầu lạc”, nhà văn Nguyễn Tuân cho biết từ này được sử dụng từ năm 1925 với vai trò của chú Trô - tên thật Phùng Văn Trô “tị tổ của nghề bán đầu tiêm ở Hà Nội”.
Lúc chú Trô chết ngày 2/5/1939, Nguyễn Tuân có đi đưa đám ma, “là tôi đã ngồi xổm lên luân lý của mọi người” vì tự tố cáo mình cũng là “dân làng bẹp”. Nhưng rồi, ông cũng đi đưa ma vì “tính tò mò của nghề nghiệp”/ nghề viết báo; hơn cả thế, Nguyễn Tuân bào chữa, còn vì: “Tên người chết kia đã biến thành một động từ rồi. Đã bao nhiều lần chúng ta nói với nhau: “Đi trô đi - trô nhiều quá - trô chưa đủ…”. Chính chú Khách già vừa nằm xuống kia đã đem sung công tên tuổi vào ngôn ngữ xứ này” (NXB Mai Lĩnh -1941, tr. 10).
Có lẽ đây là một trường hợp hiếm hoi mà chúng ta có thể lý giải chính xác về sự ra đời của một tiếng lóng, cụ thể là trô. Câu chuyện tạm thời dừng ở đây, tuy nhiên, tôi còn muốn nói vói thêm câu nữa. Rằng, lâu nay hễ dân trô, nghiện ngập thiên hạ còn chê cười, bỉ bai gọi chung là “dân hút xách” nhưng tại sao lại gọi như thế? Hút, rõ ràng không cần nói thêm, chỉ lăn tăn một chút ở từ xách. Vậy xách ở đây là xách cái gì?
Trong tập sách “Sài Gòn tạp pín lù” (NXB Hội Nhà văn-1990), học giả Vương Hồng Sển giải thích: “Có ông già thần tỉnh Sốc, xứ tôi linh ứng lắm, không ai dám nói xúc phạm hay có cử chỉ bất nhã nào với ngài, một hôm đạp đồng lên dặn người từ coi miễu, dân không nên cho bọn bợm hút vào miễu bất cứ sang hèn cũng vậy, các đạo lấy làm lạ, hỏi duyên cớ, ngài lên đồng đáp: “Làng này người nào cũng tốt, duy bơm hút phải coi chừng, lư hương tao nó cũng xách. Hút xách đi đôi chung với nhau là vì điển này” (tr.141). Với giải thích này, bạn thấy sao?
Tôi đồ rằng, xách/ hút xách ban đầu là nhằm chỉ một cách hút mà người ta phải xách theo dăm ba thứ lỉnh kỉnh như bàn đèn, ống hút… khác với khi hút thuốc lá, thuốc lào. Về sau, con nghiện vì túng thiếu, không còn tiền của phục vụ cho thú chơi này bèn dở dói tính xấu trộm cắp, “chà đồ nhôm” - không chỉ “chôm đồ nhà” mà còn của thiên hạ nữa nên xách là hiểu theo nghĩa này. Về thú chơi nói chung, lâu nay, tôi vẫn thích lối chơi của thi sĩ Tản Đà. Ông có câu thơ thiệt oách:
Chắc có một phen đời khóc tớ
Đời chưa khóc tớ, tớ còn chơi
Một trong cái thú chơi của “thi sĩ trích tiên” vẫn là:
Chơi cho biết mặt sơn hà
Cho sơn hà biết ai là mặt chơi
Hai câu thơ này, quả tuyệt bút, chơi ở đây là đi chơi nơi này nơi kia, ngao du sơn thủy, du lịch đó đây. Mà, qua đó, Tản Đà đã sáng tạo ra từ “mặt chơi”, trước đó, từ điển chưa ghi nhận, nếu có, như “Việt Nam tự điển” (1931) cho biết: “Mặt ăn chơi”. Xét ra mặt chơi và mặt ăn chơi hoàn toàn khác nhau. “Mặt chơi” thì chơi từ động từ đã hoán đổi thành tính từ - hàm nghĩa con người đó lịch lãm, lão luyện, từng trải trong các cuộc đi chơi xa gần, đâu đâu cũng giẫm chân đến, chứ nào phải “ếch ngồi đáy giếng”. Còn “mặt ăn chơi” là thoạt nhìn cái mặt ấy, dù chưa chứng kiến nhưng đã đoán biết đó là người quen thói chơi bời nọ kia, trăng hoa tuyết nguyệt, nói quả quyết như lúc Thúy Kiều mắng Sở Khanh: “Rõ ràng mặt ấy mặt này chứ ai”.
“Đời chưa khóc tớ, tớ còn chơi”, chơi trong trường hợp này hoặc giải trí hoặc nghỉ ngơi, thư giãn một cách thong dong, nhẹ nhàng cho tươi tắn cái sự đời, không phiền muộn, nhẹ lòng vui vẽ; chứ không phải ham hố, cay cú ăn thua đủ nhằm chơi sát ván, chơi mạnh tay/ chơi nặng tay/ chơi tới bến/ chơi xả láng/ chơi mút chỉ, chơi khăm, chơi ác, chơi gác/ chơi kèo trên/ chơi cửa trên, chơi qua đường, chơi xỏ, chơi cha… Nhà nho Trần Lê Kỷ quan niệm về chơi như thế này:
Trời đã sinh ra kiếp làm người
Chẳng chơi nữa người cười là chú vích
Được ngày nào ta chơi cho thích
Chơi phong lưu, thanh lịch mới là chơi
Xin dừng lại giải thích từ “vích/ chú vích”: Tục ngữ có câu “Khôn như mại, dại như vích”. Mại là loài cá nhỏ, sống ở nước ngọt; vích thuộc nhóm rùa biển, ở dưới nước đố ai bắt được vì rất lanh lợi nhưng lúc lên bãi cát lại lơ ngơ láo ngáo, chỉ cần lừa thế, tìm cách lật ngửa nó lên là tóm dễ dàng. Vích được dùng để chỉ người khờ dại. Sau này, người ta không dùng từ vích nữa, thay thế bằng từ lóng là quých, chẳng hạn trong “Cạm bẫy người”, Vũ Trọng Phụng viết: “Trước khi lên được địa vị này, tôi cũng đã lắm phen phải đóng những vai trò mòng với quých cho một lũ bạc bịp tiền bối họ móc xé ruột gan đấy, ông ạ”. Mòng là mồi/ làm mồi, nói như tác giả “Số đỏ”, là thân phận của kẻ: “đóng cái vai con chim mòng đậu vừa đúng tầm súng cho kẻ đi săn”.
“Chơi phong lưu, thanh lịch mới là chơi”, cụ thể như thế nào còn tùy tâm thế mỗi người. Ngẫm lại, trong cách thứ chơi, ông bà ta thật chí lý khi đúc kết có hai thứ chơi khiến cho người ta dễ dàng tán gia bại sản, thiên hạ đánh giá tư cách không ra gì vẫn là “Nhứt chơi tiên, nhì giỡn tiền”. “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích: “Chơi tiên thì là theo sắc dục, giỡn tiền thì là cờ bạc, ấy là hai cuộc hay làm cho con người ta mê đắm cũng phải khốn”.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/choi-phong-luu-thanh-lich-moi-la-choi-i700001/