Chơi vơi mùa nhãn

Thường cuối tháng bảy dương lịch hằng năm là đến mùa thu hoạch nhãn lồng ở quê tôi. Nắng mùa hè càng hầm hập, oi ả, những quả nhãn lồng lại càng dày cùi, ngọt nước.

Tuổi thơ và những mùa nhãn không thể nào quên

Vào mùa nhãn, cũng là lúc làng tôi chuẩn bị giỗ cho 36 người con đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm…

Cách đây hơn 50 năm về trước, con đê 99 chạy dọc từ xã Lý Thường Kiệt qua xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ (nay là xã Yên Mỹ) xuống đến tận thôn Phần Dương, Phần Hà của huyện Ân Thi (nay là xã Phạm Ngũ Lão), tỉnh Hưng Yên rợp bóng mát của nhãn. Những ngày nắng hè, người quê tôi đi chợ huyện, đi làm đồng hay khách vùng khác đi qua ngồi nghỉ ngơi dưới gốc nhãn ở hai bên đường. Bà nội tôi bảo: “Ngồi dưới gốc nhãn mùa hè mà phe phẩy cái quạt mo thì nhẹ nhõm lắm. Sau này dù có đi xa đến đâu tôi cũng nhớ về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình”. Với tôi, con đường đất đá lổm khổm, đầy ổ voi, ổ gà đã ghi dấu bao kỷ niệm tuổi thơ tinh nghịch và tuổi học trò nghèo khó. Nó còn là nơi của bao người con quê hương ra đi để trở về, nhưng cũng có nhiều buổi chia tay đã trở thành ngày ly biệt...

Mùa nhãn lồng Hưng Yên. Ảnh: Hồng Nhung

Mùa nhãn lồng Hưng Yên. Ảnh: Hồng Nhung

Thời con nít, tôi và lũ bạn chăn trâu thường lấy con đê 99 làm bãi chạy nhảy, đua trâu, hay bắt bọ xít nhãn. Vào mùa thu hoạch, nhãn chín thơm nức cả con đê thu hút hàng chục lái buôn gồng gánh, thồ xe từ khắp nơi đổ về. Những quả nhãn căng mọng, trông như những quả trứng gà con so, bóc vỏ ra nhìn thấy các lớp cùi lồng lên nhau trông long lanh như hổ phách làm ai cũng phải trào nước miếng. Khi ăn những quả nhãn chín, “tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho” như nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng ví von.

Đêm hè trăng thanh gió mát, cả làng kéo nhau ra bãi cỏ ven đê để hóng gió. Đâu đó đám thanh niên còn hò vè đối đáp như cảnh hò hẹn ở chợ tình vùng cao. Nhiều đôi nam nữ còn ẩn hiện, thì thầm to nhỏ bên những gốc nhãn để sau này có những đám cưới được tổ chức. Còn đám trẻ con chúng tôi thì chỉ thích chơi trốn tìm, kéo co, rồng rắn lên mây hay vật lộn dọc con đê.

Ông bà nội và ông bà ngoại của tôi đều chỉ có một người con trai, còn lại là con gái. Bố tôi dáng thoăn thoắt, trảy nhãn rất giỏi, thích tếu táo lại hát hay, đàn thạo, nên được nhiều cô gái mê tít. Nhưng bố đã chọn lấy mẹ - một người có nước da bánh mật, song làm ruộng thì chẳng ai bằng. Anh ruột mẹ tôi thì trông lừng lững như một cây gỗ lim, chỉ ai hỏi mới cất lời. Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, mặc dù là con một không phải gọi nhập ngũ, nhưng hai người đều viết đơn xung phong đi bộ đội. Bác Thiềng tôi đi trước vào đơn vị đặc công nước, bố đi sau một năm vào đơn vị huấn luyện bộ binh. Khi bố nhập ngũ, tôi mới tròn 4 tuổi, còn em gái mới ra đời 3 tháng. Hôm tiễn bố lên phố huyện, mẹ cố tỏ ra tươi cười để yên lòng người ra đi. Lúc về nhà, mẹ ôm tôi và em gái vào lòng đầm đìa nước mắt. Tôi chẳng hiểu gì cả, chỉ nghe được câu nói của bà nội với mẹ: “Thôi con, bố nó đi chiến đấu rồi lại về. Mẹ con mình gắng làm nụng nuôi hai đứa khôn lớn để bố nó yên tâm nơi chiến trường”.

Những năm 1971-1972, giặc Mỹ giội mưa bom ra miền Bắc. Quê tôi không phải là trọng điểm đánh phá nên bà con ở Hà Nội, Hải Phòng về sơ tán rất đông. Nhiều đơn vị quân đội cũng đến làng tôi để huấn luyện trên cánh đồng Tam Thiên Mẫu. Mùa nhãn chín, làng tôi chọn những chùm quả ngon nhất trong vườn nhà để tặng các đơn vị bộ đội. Bác Tấn là Bí thư Đảng ủy xã nói với người dân: “Chúng ta phải dành những gì tốt đẹp nhất cho các chiến sĩ để họ có khí thế lên đường đánh giặc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Những năm 1968-1969, bố thi thoảng vẫn ghé thăm nhà vì huấn luyện quân ở Hà Tây (nay là Hà Nội). Bước sang năm 1970 đến đầu năm 1971 thì chỉ có những lá thư của bố từ Hà Tĩnh, Nghệ An gửi về. Nhưng khoảng giữa năm 1971 thì không thấy một lá thư nào của bố gửi về nữa. Bốn mùa nhãn lồng trôi qua, nhà tôi vẫn bặt tin bố và bác Thiềng. Một số người chiến đấu từ miền Nam ra nói là gặp bố tôi đang hành quân qua Quảng Trị, người thì bảo bố hành quân sang Lào… Rồi những lời đồn đại ấy cũng bị thời gian cuốn đi, chỉ còn lại sự chờ đợi mỏi mòn của mẹ và bà nội, bà ngoại.

Những đổi thay kỳ diệu trên quê hương nhãn lồng

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất nên có nhiều thương binh, bệnh binh, quân nhân xuất ngũ trở về làng, nhưng kèm theo đó lại có nhiều buổi lễ truy điệu các liệt sĩ đã hy sinh. Trong ngôi làng nhỏ ven sông Bắc Hưng Hải, cảnh tượng sum vầy của các gia đình có con em chiến đấu trở về bị đan xen bởi những tiếng khóc cào xé ruột gan của các thân nhân liệt sĩ. Bà nội, bà ngoại và mẹ cứ sáng ngóng, chiều trông bên hàng nhãn ven đường mà chả thấy bóng bố và bác tôi trở về...

Thu hoạch nhãn. Ảnh: Hồng Nhung

Thu hoạch nhãn. Ảnh: Hồng Nhung

Một ngày giữa tháng 7/1975, khi nhà tôi đang hái những chùm nhãn lồng chín mọng cho vào sọt để bán thì các bác lãnh đạo xã đến gặp. Cầm 3 cái giấy báo tử về sự hy sinh của bố tôi, của bác Thiềng và của người em họ gần, mẹ ôm mặt đổ người vào đống rơm ở góc sân. Bà nội, bà ngoại tôi thì lăn lộn trên giường gào khóc gọi con trong vô vọng. Nhìn những người thân quằn quại trong đớn đau, tôi và em gái mới 7 tuổi ngẩn ngơ như những đứa trẻ bị lạc giữa cánh đồng hoang bất tận. Chưa mùa nhãn chín nào mà làng tôi lại nhiều tiếng khóc than, nhiều vòng khăn tang trên đầu đến thế. Một mùa nhãn mà có tới 15 lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước thì quả là rất đau thương, tang tóc.

Những năm sau này, cứ đến mùa nhãn chín là làng tôi lại tổ chức một đám giỗ chung cho những người hy sinh vào ngày 27/7 tại đình làng. Nhiều người con xa quê nếu không quá bận bịu thì đều về dự đám giỗ đặc biệt của làng mình.

Mùa nhãn năm 1995, qua thông tin liệt sĩ trên Báo Cựu chiến binh Việt Nam, tôi đã tìm được nơi yên nghỉ của bố tại nghĩa trang liệt sĩ Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Biết được tin này, bà nội và mẹ tôi mừng rơi nước mắt. Lúc đầu mọi người định làm đơn xin đưa hài cốt bố về quê hương, nhưng sau khi bàn bạc thì ai cũng đồng ý để bố ở Tây Ninh sum vầy với đồng đội. Chỉ tiếc là trước khi qua đời, bà nội tôi vẫn chưa có dịp vào Dương Minh Châu để thăm viếng con trai…

Mùa nhãn năm nay tôi lại có dịp về thăm quê. Con đê 99 năm xưa nay được mở rộng gấp đôi và đang rải nhựa láng bóng. Những hàng quán, những ngôi nhà xây cao tầng đã thay cho hai hàng nhãn bên đường. Cánh đồng Tam Thiên Mẫu cũng ít còn cảnh chân lấm, tay bùn, mà đã mọc lên nhiều công ty, nhà máy. Thêm vào đó là tuyến đường vành đai 4, đường nối với cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, đường xuyên qua tỉnh Thái Bình (cũ) làm cho tỉnh Hưng Yên mới dài rộng, thênh thang với những cảng biển, khu chế xuất - khu công nghiệp hiện đại, thông minh sẽ được xây dựng trong một tương lai gần.

Đám giỗ 36 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ năm nay có vẻ đông hơn mọi năm. May mắn khi cơn bão Wipha (bão số 3) kéo qua Hưng Yên không ảnh hưởng nhiều, nên những nhà còn trồng nhãn vẫn hái được những chùm ngon nhất ra cúng Thành Hoàng và linh hồn các liệt sĩ. Nhiều người còn đến tận các vườn nhãn ở vùng Kim Động, Khoái Châu cũ để mua nhãn lồng về thắp hương trong ngày giỗ. Nhìn làn khói hương nghi ngút, ai cũng như thấy linh hồn các liệt sĩ đang hiển linh trở về.

Năm nay, những người con ưu tú nhất của làng được chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu trên vùng đất “chiêm khê, mùa thối” năm xưa. Dù mấy xã trước kia là: Lý Thường Kiệt, Tân Việt, Trung Hòa, Tân Lập, Trai Trang nay thành xã Yên Mỹ thì vẫn là vòm trời quê hương, vẫn nằm trong xứ nhãn Hưng Yên gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung, gắn với Văn Miếu Xích Đằng ngàn năm văn hiến và gắn với truyền thống đấu tranh bất khuất của Phù Ủng, Bãi Sậy, Đường 5.

Các liệt sĩ đã ngã xuống cho quê hương, đất nước vươn mình phát triển. Trong tâm khảm, trong trái tim của người dân quê tôi, hình ảnh của họ luôn sống mãi với vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, sống mãi với những mùa nhãn lồng chín mọng trong tiếng ve miết vào không gian nắng hè da diết, bổi hổi, chơi vơi…

Lê Phi Hùng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/choi-voi-mua-nhan-412008.html