Chơi với người giàu giúp tăng tỷ lệ thoát nghèo

Đối với trẻ em nghèo, sống ở khu vực có nhiều người thuộc tầng lớp cao hơn sẽ làm tăng đáng kể số tiền chúng kiếm được khi trưởng thành.

Nghiên cứu được công bố hôm 1/8 trên tạp chí Nature, dựa trên phân tích tình bạn trên mạng xã hội của 72 triệu người (chiếm 84% người trưởng thành ở Mỹ trong độ tuổi 25-44), theo The New York Times.

Theo đó, kết quả cho thấy nếu trẻ em nghèo lớn lên trong khu dân cư với 70% bạn bè xuất thân giàu có, trung bình thu nhập của chúng sẽ tăng 20% trong tương lai.

Tình bạn giữa các tầng lớp khác nhau, được nhóm nghiên cứu gọi là “kết nối kinh tế”, có tác động mạnh hơn chất lượng trường học, cấu trúc gia đình, khả năng làm việc hoặc thành phần chủng tộc.

Nghiên cứu chỉ ra những người quen biết đều mở ra cơ hội thoát nghèo. Trong khi đó, sự phân chia giai cấp ngày càng tăng ở Mỹ là rào cản.

 Chơi với bạn giàu làm tăng cơ hội thoát nghèo cho những người thuộc tầng lớp thấp hơn. Ảnh: Money.

Chơi với bạn giàu làm tăng cơ hội thoát nghèo cho những người thuộc tầng lớp thấp hơn. Ảnh: Money.

Khác biệt đáng kể

Raj Chetty, nhà kinh tế tại ĐH Harvard và Giám đốc của Opportunity Insights, cho biết: “Việc lớn lên trong cộng đồng có sự kết nối giữa các tầng lớp sẽ giúp trẻ em có cơ hội vươn lên thoát nghèo tốt hơn”.

Ông là một trong 4 tác giả chính của nghiên cứu, cùng với Johannes Stroebel và Theresa Kuchler từ New York University, Matthew O. Jackson của Stanford and Santa Fe Institute.

Các phát hiện cho thấy hạn chế của nhiều nỗ lực nhằm tăng tính đa dạng như đưa đón học sinh bằng xe chung, phân vùng gia đình và chính sách nâng đỡ nhóm yếu thế. Việc gắn kết mọi người lại với nhau là chưa đủ để tăng cơ hội. Liệu họ có hình thành mối quan hệ hay không mới quan trọng.

GS Stroebel nói: “Những người nỗ lực tạo ra ‘kết nối kinh tế’ nên tập trung vào việc thu hút các cá nhân có thu nhập khác nhau tương tác”.

 Jimarielle Bowie tại trường cũ ở Fairfield, California. Là luật sư, cô ghi nhận một số thành công của mình là nhờ vào tình bạn mà cô đã đạt được ở trường trung học. Ảnh: Marissa Leshnov.

Jimarielle Bowie tại trường cũ ở Fairfield, California. Là luật sư, cô ghi nhận một số thành công của mình là nhờ vào tình bạn mà cô đã đạt được ở trường trung học. Ảnh: Marissa Leshnov.

Jimarielle Bowie (24 tuổi) lớn lên trong gia đình thuộc tầng lớp trung lưu bậc dưới. Cha mẹ cô ly hôn, thất nghiệp và mất nhà trong cuộc khủng hoảng cuối những năm 2000.

Vì vậy, khi kết bạn với các cô gái sống ở khu vực giàu có của thị trấn vào những năm trung học, lối sống của họ khiến Bowie tò mò. Nhà của họ rộng hơn, đồ ăn toàn món đắt tiền, cha mẹ - gồm bác sĩ, luật sư, mục sư - có những mục tiêu và kế hoạch khác nhau cho con cái, bao gồm cả việc đăng ký học đại học.

“Mẹ tôi truyền cho các con tinh thần làm việc chăm chỉ và không ngừng cố gắng. Nhưng tôi không biết gì về kỳ thi SAT, trong khi cha mẹ của bạn bè đăng ký lớp này. Vì vậy, tôi làm theo và cố gắng thu hút sự chú ý từ họ”, cô kể.

Bowie trở thành người đầu tiên trong gia đình có bằng sau đại học. Cô giờ là luật sư bào chữa vụ án hình sự, nhờ bạn từ thời trung học giới thiệu.

“Khi gặp những người giàu có hơn, tôi phải tham gia vòng kết nối đó và hiểu được suy nghĩ của họ. Tôi hoàn toàn nghĩ rằng điều đó đã tạo ra sự khác biệt đáng kể”, cô nói.

“Chim lông kết đàn”

Vốn xã hội, mạng lưới các mối quan hệ và cách mọi người bị ảnh hưởng bởi chúng từ lâu đã thu hút các nhà khoa học xã hội.

Việc sử dụng cụm từ “chim lông kết đàn” lần đầu tiên được biết đến năm 1916 bởi LJ Hanifan - nhà quản lý trường học ở Tây Virginia. Kể từ đó, các nhà nghiên cứu nhận thấy mối quan hệ bắt đầu từ thời thơ ấu với những người có học vấn hoặc giàu hơn có thể hình thành khát vọng, con đường đại học và sự nghiệp.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới là phân tích đầu tiên chỉ ra việc sống ở nơi thúc đẩy các kết nối này mang lại kết quả kinh tế tốt hơn, dựa trên dữ liệu từ 21 tỷ mối quan hệ bạn bè trên mạng xã hội.

Các nhà nghiên cứu ước tính thu nhập của người tham gia khảo sát dựa trên mã ZIP, trường đại học, kiểu điện thoại, độ tuổi và các đặc điểm khác của họ.

Kết quả cho thấy càng có nhiều mối liên hệ giữa người giàu và người nghèo thì khu vực lân cận càng tốt hơn trong việc nâng đỡ trẻ em thoát khỏi nghèo đói. Các đặc điểm khác - bao gồm thành phần chủng tộc, mức độ nghèo đói và chất lượng trường học của khu vực lân cận - ít quan trọng hoặc không ảnh hưởng đối với sự dịch chuyển đi lên.

“Đó là vấn đề lớn bởi những gì chúng ta thiếu ở Mỹ ngày nay và giảm thảm hại trong 50 năm qua là ‘cầu nối vốn xã hội’. Nói cách khác, đó là những mối quan hệ không chính thức dẫn chúng ta đến người thuộc tầng lớp cao hơn”, Robert Putnam, nhà khoa học chính trị tại ĐH Harvard, nói.

 Bowie (thứ 3 từ trái sang) với bạn bè trong dạ hội cuối cấp tại trường trung học. Ảnh: Jimarielle Bowie.

Bowie (thứ 3 từ trái sang) với bạn bè trong dạ hội cuối cấp tại trường trung học. Ảnh: Jimarielle Bowie.

Trong những thập kỷ gần đây, mọi người ngày càng có xu hướng sống trong khu dân cư và đi học với người có tình trạng kinh tế tương tự. Hành vi này, theo các nhà khoa học xã hội, xuất phát từ lo lắng về việc tụt thang thu nhập trong thời đại bất bình đẳng ngày càng tăng.

Jessica Calarco, nhà xã hội học tại ĐH Indiana, cho biết: “Áp lực mà các bậc phụ huynh cảm thấy khi cố gắng tạo cho con cái họ lợi thế cạnh tranh càng tăng lên khi xã hội bất bình đẳng. Hơn nữa, xã hội được cấu trúc theo cách không khuyến khích tình bạn không phân biệt giai cấp. Nhiều bậc cha mẹ, thường là người da trắng, đưa ra lựa chọn về nơi sống và trường học cho con cái, khiến những kết nối như thế ít xảy ra hơn”.

Nghiên cứu cho thấy người thu nhập thấp có xu hướng kết bạn với cá nhân có thu nhập cao hơn nhiều ở chiều ngược lại. Nhưng ở những khu vực nghèo, có ít người giàu ở gần để kết bạn hơn.

“Bản chất của con người là kết bạn với cá nhân đồng cảnh ngộ. Đó là lý do hầu hết nền văn hóa đều có cụm từ như ‘chim lông kết đàn’”, GS Putnam nói.

Ngay cả khi mọi người hình thành mối liên hệ không phân biệt giai cấp, nhiều bằng chứng cho thấy chủng tộc là yếu tố thu hút họ.

Bowie, người da đen và mang dòng máu Nhật, nói rằng bạn bè mà cô kết thân từ các gia đình giàu có cũng là người da đen.

“Riêng việc chơi với những người da đen có tiền đã là cú sốc văn hóa. Những người da trắng có tiền lại có lối sống hoàn toàn khác. Ít nhất với người da đen, chúng tôi có cách nói chuyện tương đồng, xem những bộ phim giống nhau và được ông bà truyền cho niềm tin như nhau”, cô nói.

 Người giàu thường chơi với bạn giàu, còn người nghèo thường kết thân với những ai đồng cảnh ngộ. Ảnh: The Guardian.

Người giàu thường chơi với bạn giàu, còn người nghèo thường kết thân với những ai đồng cảnh ngộ. Ảnh: The Guardian.

Bowie vẫn sống ở Fairfield và thân thiết với cả 2 nhóm bạn - hàng xóm và những người cô gặp ở trường trung học. Quỹ đạo của họ khác nhau.

Hầu hết bạn bè trong khu phố của Bowie đều đi học trường cộng đồng, sống gần nhà và loay hoay trên con đường sự nghiệp. Những người bạn thời trung học của cô thì rời thị trấn để học đại học và theo đuổi sự nghiệp y học và thiết kế.

Với Bowie, trải nghiệm ở cả 2 thế giới là yếu tố cần thiết cho sự thành công trong nghề nghiệp của cô.

“Tôi có rất nhiều kiến thức chuyên sâu về các nền văn hóa nhờ ‘chọn bạn mà chơi’ từ thời trung học. Nếu không có những trải nghiệm đó, tôi có thể bị sốc văn hóa khi bước vào đời với tư cách là luật sư”, cô nói.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/choi-voi-nguoi-giau-giup-tang-ty-le-thoat-ngheo-post1341724.html