Chôl Chnăm Thmây năm 2005: Năm mới đặc biệt với đồng bào Khmer
Năm 2025, lễ hội Chôl Chnăm Thmây diễn ra từ 14-16/4, không chỉ là dịp để đồng bào Khmer sum vầy, mà còn là cơ hội để tăng cường đoàn kết cộng đồng, chung tay xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Đồng bào dân tộc Khmer tập trung chuẩn bị cho các nghi thức lễ hội tại chùa Botum Kirirangsay Khedol ở ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)
Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của đồng bào Khmer.
Năm 2025, lễ hội này diễn ra từ ngày 14-16/4, không chỉ là dịp để đồng bào Khmer sum vầy, vui đón Tết bên gia đình mà còn là cơ hội để tăng cường đoàn kết cộng đồng, chung tay xây dựng, phát triển quê hương, đất nước sau 50 năm thống nhất non sông.
Đón Chôl Chnăm Thmây trong niềm vui mới
Những ngày đầu tháng 4/2025, đồng bào Khmer ở các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tất bật chuẩn bị đón mừng Tết Chôl Chnăm Thmây. Giống như Tết cổ truyền của đồng bào các dân tộc khác, trong dịp đón Tết, bà con người Khmer cũng sửa sang, quét dọn, trang trí lại nhà cửa.
Gia đình bà Thị Ươl (ấp Ninh Thạnh Đông, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tết này thật ý nghĩa khi gia đình bà được đón năm mới trong căn nhà khang trang, kiên cố mới vừa xây xong nhờ sự hỗ trợ từ Chương trình "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" của huyện.
Nhớ lại những năm trước khi còn sống trong căn nhà xiêu vẹo, xuống cấp, bà Thị Ươl không giấu niềm vui, xúc động chia sẻ: "Nhờ chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, gia đình tôi có căn nhà kiên cố. Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay có thể nói là cái Tết vui nhất từ trước đến giờ."

Đồng bào dân tộc Khmer xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, chỉnh trang ngôi chùa chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây. (Ảnh: TTXVN phát)
Niềm vui đón năm mới trong những căn nhà mới cũng đến với hàng trăm hộ đồng bào Khmer tại Bạc Liêu. Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu thông tin, thực hiện Chương trình "Xóa nhà tạm, nhà dột nát," toàn tỉnh có 176 căn nhà của đồng bào Khmer cần được sửa chữa, xây mới.
Tỉnh nỗ lực để hoàn thành toàn bộ số nhà này trước lễ Chôl Chnăm Thmây để bà con đón Tết cổ truyền vui tươi, ấm áp trong căn nhà mới.
Tại Trà Vinh, nơi đồng bào Khmer chiếm 31,53% dân số toàn tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cho biết, tỉnh triển khai 3 đợt xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở với 983 căn. Trong đó, xây mới 447 căn, sửa chữa 536 căn với tổng kinh phí 42,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 89 hộ nghèo dân tộc thiểu số được hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tỉnh Sóc Trăng có khoảng 400.000 người đồng bào Khmer sinh sống, chiếm hơn 30% dân số của tỉnh. Bà con cũng đón năm mới Chôl Chnăm Thmây 2025 trong niềm vui về sự đổi thay, khởi sắc trên quê hương.
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, bộ mặt vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh ngày càng đổi thay mạnh mẽ. Đời sống vật chất và tinh thần được lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện, hộ nghèo Khmer giảm còn 1.961 hộ, chiếm hơn 1,9%.
Các hoạt động văn hóa, lễ hội được quan tâm bảo tồn, giữ gìn và ngày càng phát triển, làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng.
Khởi sắc đời sống văn hóa vùng đồng bào Khmer
Những ngày này, đồng bào, chư tăng Khmer ở khắp các phum, sóc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều địa phương Đông Nam Bộ cùng nhau chúc phúc, mừng tuổi, báo hiếu, cầu mong năm mới có cuộc sống an khang, thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc.
Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay càng ý nghĩa hơn với bà con người Khmer khi cùng đồng bào các dân tộc, nhân dân cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước. Sau 50 năm non sông liền một dải, cuộc sống, trong đó có đời sống văn hóa của người dân Nam Bộ và đồng bào Khmer nói riêng đã hồi sinh mạnh mẽ.

Tục đắp núi cát là nghi thức quan trọng trong Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer nhằm cầu bình an, cầu siêu cho vong linh những người đã khuất. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)
Bày tỏ niềm phấn khởi về sự đổi thay, phát triển ở vùng đồng bào Khmer, Hòa thượng Tăng Sa Vong - Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu, trụ trì chùa Buppharam (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) nhấn mạnh, những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã tập trung thực hiện, triển khai hiệu quả chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, thực hiện tốt an sinh xã hội nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, sư sãi Khmer không ngừng được cải thiện, nâng lên về mọi mặt.
Các hoạt động văn hóa, lễ hội của đồng bào được quan tâm và tổ chức trọng thể đúng theo nghi lễ, phong tục tập quán của đồng bào.
Đại đức Châu Hoài Thái, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Chánh văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ, đời sống văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Khmer được nâng lên trong những năm gần đây, thể hiện rõ nét qua nhiều khía cạnh, trong đó việc tôn tạo, tu bổ, nâng cấp, xây mới các cơ sở tôn giáo - tín ngưỡng. Đặc biệt các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer là minh chứng rõ nét cho điều đó.
Theo các nhà nghiên cứu, đời sống tinh thần của người Khmer gắn liền với những ngôi chùa. Đây không chỉ là nơi thực hành giáo lý mà còn là trung tâm văn hóa, giáo dục, nơi gắn kết cộng đồng và trao truyền giá trị đạo đức, lối sống cao đẹp cho các thế hệ.
Do vậy, các tỉnh, thành phố Nam Bộ nơi đồng bào Khmer sinh sống luôn đặc biệt quan tâm đầu tư tôn tạo các ngôi chùa. Cùng với đó, các lễ hội như Chôl Chnăm Thmây, Sene Dolta… được duy trì tổ chức hằng năm tạo không khí phấn khởi, đoàn kết cộng đồng.
Các ngôi chùa trở thành điểm tham quan, góp phần phát triển dịch vụ du lịch. Theo Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Kiên Giang, hiện có 8/76 chùa tháp Khmer trong tỉnh được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.
Các ngôi chùa Phật giáo Khmer được tôn tạo khang trang trở thành điểm đến thu hút khách thập phương trong và ngoài tỉnh, tiêu biểu như chùa: Tổng Quản, Cái Bần, Láng Cát, Sóc Xoài, Xẻo Cạn...
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chùa Chantarangsay (Candiransi) nằm trên đường Hoàng Sa, Quận 3, ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer đầu tiên được xây dựng ở vùng đất Sài Gòn xưa, với tuổi đời trăm năm đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa-tôn giáo lớn của đồng bào Khmer tại Thành phố và vùng lân cận. Đây cũng là điểm tham quan du lịch độc đáo, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
"Cảm nhận rõ rệt sự thay đổi tích cực trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Khmer chính là việc xuất hiện nhiều ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer mới được xây dựng ở những vùng đất mới," Đại đức Châu Hoài Thái, trụ trì chùa Tông Kim Quang (xã An Bình, huyện Phú Giáo) - ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer đầu tiên tại tỉnh Bình Dương cho biết.
Khởi công xây dựng vào năm 2019, đến tháng 4/2025, chùa Tông Kim Quang đang bước vào giai đoạn hoàn thiện các hạng mục chính.
Từ nhiều năm qua, chùa Tông Kim Quang trở thành điểm tựa tâm linh quan trọng của bà con người Khmer tại Bình Dương và các vùng lân cận, trong đó có hàng ngàn công nhân lao động đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đồng thời là minh chứng cho sự hòa nhập và phát triển của cộng đồng Khmer trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.