Chọn điều hòa nào tiết kiệm năng lượng khi tất cả đều dán nhãn 5 sao?
Người tiêu dùng khi chọn mua máy điều hòa lưu ý thiết bị càng nhiều sao thì càng tiết kiệm năng lượng và nếu cùng một số sao như nhau thì xem cụ thể chỉ số hiệu suất năng lượng là bao nhiêu.
Loạn máy điều hòa dán nhãn 5 sao
Những ngày này, miền Bắc nắng nóng đặc biệt gay gắt, ngoài trời lúc nào cũng nóng hầm hập trên 40 độ C. Anh Lê Minh Thắng (Mỹ Đình, Hà Nội) đi chọn mua máy điều hòa nhiệt độ lắp bổ sung cho phòng khách của gia đình. Theo tìm hiểu của anh, máy điều hòa dán nhãn 5 sao là dòng tiết kiệm năng lượng nhất nên anh quyết định lựa chọn, dù giá thành sản phẩm có thể cao hơn một chút.
"Đi một vòng các siêu thị điện máy tôi nhận thấy, gần như tất cả các máy điều hòa bày bán đều dán nhãn năng lượng 5 sao. Tôi không thể phân biệt được đâu là sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn do nhãn tiết kiệm năng lượng giống hết nhau. Tôi thực sự băn khoăn không biết lựa chọn như thế nào", anh Lê Minh Thắng chia sẻ.
Chuyên gia nhiệt lạnh Nguyễn Minh Tiến tư vấn, trước khi nhắc đến "số sao", chỉ số người dùng cần quan tâm nhiều nhất là hiệu suất năng lượng. Có hai loại chỉ số này là EER dành cho điều hòa sử dụng máy nén thường và CSPF dành cho loại sử dụng máy nén biến tần Inverter. Hiện đa số là máy Inverter nên chúng ta sẽ quan tâm đến chỉ số CSPF nhiều hơn.
CSPF được tính toán thực tế bằng tỷ số giữa công suất làm lạnh và công suất điện cần thiết để vận hành điều hòa ở chế độ định mức. Số hiệu suất năng lượng càng lớn, điều hòa càng sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm hơn.
Đa số điều hòa hiện nay trên thị trường đều dán nhãn năng lượng được tính theo chỉ số CSPF dựa trên quy chuẩn quốc gia TCVN 7830:2015 đã có cách đây gần 10 năm. Với quy chuẩn này, điều hòa chỉ cần có chỉ số CSPF trên 4,2 là đã đạt mức 5 sao.
Tuy nhiên, do ra đời đã lâu, quy chuẩn này không còn phù hợp thực tế khi điều hòa giá rẻ cũng đạt mức hiệu suất năng lượng CSPF trên 4. Những model tầm trung đạt trên 5 trong khi mức hiệu suất năng lượng của model cao cấp có thể hơn 7. Đây là lý do nhiều người thấy "10 điều hòa bán ra thì 9 mẫu dán nhãn 5 sao", gây khó khi phân biệt tính tiết kiệm điện giữa các sản phẩm.
Từ cuối 2023, tiêu chuẩn mới về dán nhãn năng lượng là TCVN 7830:2021, nhưng chỉ được áp dụng bắt buộc từ 1/1/2025. Theo tiêu chuẩn mới, điều hòa muốn đạt tiêu chí 5 sao phải có chỉ số CSPF trên 5,2, được kiểm nghiệm thực tế bởi Viện cơ khí năng lượng và mỏ Vinacomin. Mức 5,2 mới phù hợp hơn với sự phát triển của thị trường khi các dòng tầm trung, cao cấp mới có chỉ số CSPF trên 5, tách biệt với nhóm giá rẻ. Hiện đã có một số model được kiểm nghiệm chỉ số, dán nhãn năng lượng theo tiêu chuẩn TCVN 7830:2021.
Vì vậy, để chọn điều hòa tiết kiệm điện, người dùng nên quan tâm đến chỉ số CSPF. Số càng cao, càng tiết kiệm điện và có độ tin cậy do được kiểm nghiệm độc lập bởi một cơ quan uy tín.
Những sản phẩm bắt buộc phải dán nhãn năng lượng
Theo GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh, ngày 28/12/2016, Bộ Công thương đã có thông tư 36/2016/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương. Như vậy, về mặt pháp lý việc dán nhãn năng lượng đã quy định rất đầy đủ và chi tiết và thời gian bắt đầu dán nhãn cũng rất rõ ràng. Ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới đều tồn tại 2 loại nhãn năng lượng:
Nhãn xác nhận hay còn gọi là ngôi sao năng lượng Việt. Loại nhãn này được dán cho các loại phương tiện thiết bị lưu thông trên thị trường vượt quá một mức hiệu suất năng lượng cao (HEPS). Chỉ số hiệu suất năng lượng cao do Bộ Công thương quy định tùy từng thời điểm nhất định. Nhãn có hình tam giác với ba cánh tròn, biểu tượng ngôi sao vàng trên nền tem xanh lá cây sẫm và viền xanh lá mạ.
Tem được dán trực tiếp trên bề mặt sản phẩm. Các thiết bị như: bóng đèn chấn lưu, động cơ điện, máy biến áp, máy in, máy photo copy được dán loại nhãn năng lượng này. Như vậy cùng loại thiết bị, thí dụ cùng một máy in, máy có nhãn năng lượng sẽ tiết tốt hơn loại không có nhãn.
Nhãn năng lượng so sánh là nhãn dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường có mức hiệu suất năng lượng khác nhau từ 1 sao đến 5 sao. Ở đây, người tiêu dùng có thể nhận thấy ngay loại 1 sao là tiêu thụ năng lượng nhiều nhất và khi số sao càng tăng thì tiêu thụ năng lượng càng giảm và 5 sao là tiêu thụ năng lượng tiết kiệm nhất. Các sản phẩm như điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, bình đun nước nóng có dự trữ thuộc diện các sản phẩm bắt buộc phải dán nhãn so sánh. Chỉ số hiệu suất năng lượng tương ứng với các sao được cấp do các phòng thử nghiệm mà Bộ Công thương chỉ định.
Trên nhãn so sánh bao gồm các thông tin sau: Tên/mã sản phẩm là tên hoặc mã sản phẩm doanh nghiệp đăng ký dán nhãn. Hãng sản xuất là tên tổ chức/doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm đăng ký dán nhãn năng lượng.
Phần hiện chỉ số đánh giá mức tiết kiệm năng lượng (cấp hiệu suất năng lượng). Kết quả này là do đơn vị kiểm định cấp giấy xác nhận. Chỉ số đó sẽ nằm trong khoảng giữa chỉ số sao được cấp và chỉ số của sao cấp dưới. Đây là một chỉ số hết sức quan trọng. Nếu giả sử 2 thiết bị cùng chỉ số 4 sao nhưng thiết bị nào có chỉ số trên thấp hơn thì thiết bị đó tiết kiệm năng lượng hơn.
Tóm lại, người tiêu dùng khi chọn mua thiết bị, ngoài việc chọn hãng nào có uy tín cần xem xét kỹ nhãn năng lượng được dán trên thiết bị. Thiết bị càng nhiều sao thì càng tiết kiệm năng lượng và nếu cùng một số sao như nhau thì xem cụ thể chỉ số hiệu suất năng lượng là bao nhiêu.
Nguyên tắc dùng điều hòa tiết kiệm năng lượng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sử dụng máy điều hòa tốn nhiều điện. Theo chuyên gia, khi máy lạnh hoạt động, nó tải nhiệt trong phòng ra ngoài, đồng thời nhiệt bên ngoài cũng truyền vào phòng một cách tự nhiên do bên ngoài nóng hơn trong phòng. Càng ít nhiệt truyền vào phòng thì phòng càng mát và ít hao điện. Muốn vậy thì tường phòng phải cách nhiệt tốt. Nếu mặt tường bên ngoài bị nắng chiếu thì phải che nắng bằng cây xanh hoặc dùng sơn chống nóng, xây tường dày 20 – 30 cm cũng giúp cách nhiệt đáng kể.
Một cách cảm nhận thực tế là sờ tay lên mặt tường trong nhà khi trời nắng gắt và không mở máy lạnh mà thấy ấm tay là tường chưa đủ cách nhiệt. Tương tự như tường, trần nhà cũng phải cách nhiệt tốt nếu là phòng sát dưới mái nhà. Mái bê tông thì cần phải làm mái che nắng hoặc trồng cây trên mái bê tông đó. Mái tôn thì nên dùng tôn có lớp xốp cách nhiệt, quét sơn chống nóng, thông gió trên trần cho tốt.
Cách lắp đặt máy sẽ ảnh hưởng đến việc tải nhiệt có thuận lợi hay không. Cục lạnh cần được đặt sao cho hơi lạnh dễ dàng thổi đến nơi thường sinh hoạt nhất trong phòng. Độ cao tốt nhất của cục lạnh là khoảng 1,5m, vừa đủ làm mát cho người ngồi hay nằm trong phòng. Ở bên ngoài nhà thì cục nóng của máy lạnh cần được lắp ở nơi thoáng và không bị nắng chiếu để việc thoát nhiệt được thuận lợi.
Khi chọn mua máy cũng cần phải tính đến công suất thích hợp với kích thước phòng. Đối với công trình nhà ở có phòng cách nhiệt tốt như trên thì có thể dùng cách tính thô là mỗi 30m² phòng sẽ cần công suất máy lạnh cỡ 9.000BTU/h. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam chỉ có bán máy từ 9.000BTU/h trở lên, nên sẽ không tránh khỏi việc thừa công suất khi gắn máy trong các phòng nhỏ.
Chế độ sử dụng máy là yếu tố thứ ba ảnh hưởng đến việc tiết kiệm điện. Điều cần chú ý nhất là chọn nhiệt độ cho máy làm việc, chỉ nên chọn nhiệt độ từ 25 độ C trở lên, khi cần mát nhanh thì chỉnh tốc độ quạt đối lưu chứ không nên chỉnh nhiệt độ xuống thấp. Người quen ở vùng nhiệt đới sẽ hoàn toàn cảm thấy dễ chịu trong nhiệt độ khoảng 25 – 27 độ C, đặt máy lạnh dưới 25 độ C là phí điện và thậm chí có thể gây bệnh.