Chọn giải pháp phù hợp với cơ sở, doanh nghiệp
Tiến sĩ Ngô Đắc Thuần, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần IP Group TP. Hồ Chí Minh, chuyên gia đào tạo, diễn giả tại hội nghị và đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Sở Khoa học & Công nghệ Bình Thuận tổ chức cách đây chưa lâu, cho rằng: Chuyển đổi số không chỉ cần thiết cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Start-up) mà còn đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh lâu nay.
Sau dịch Covid- 19, nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều nhận thức được rằng, chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc để doanh nghiệp thích ứng, phát triển. Tuy nhiên, cũng không ít doanh nghiệp còn lúng túng với chuyển đổi số, không biết bắt đầu từ đâu.
Trước đó, khảo sát do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam thực hiện cho thấy, có 92% số doanh nghiệp được hỏi cho biết có nhu cầu chuyển đổi số song chưa biết bắt đầu từ đâu, thực thi như thế nào. Không ít doanh nghiệp triển khai rời rạc, đơn lẻ một số phần mềm công nghệ nhưng thực chất chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc tập trung “số hóa” từng công đoạn. Ngược lại, cũng có doanh nghiệp lại tốn khá nhiều kinh phí để ứng dụng giải pháp công nghệ “cồng kềnh” vượt quá khả năng và trình độ tiếp nhận dẫn đến lãng phí và giảm hiệu quả.
TS. Ngô Đắc Thuần cho rằng, tùy theo từng loại hình doanh nghiệp lớn nhỏ, chế biến, sản xuất kinh doanh lĩnh vực gì, thị trường tiêu thụ, đối tượng khách hàng… để đầu tư ứng dụng chuyển đổi số cho phù hợp. Nó vừa tiết kiệm vốn vừa tránh lãng phí để đem lại hiệu quả. Diễn giả đưa ví dụ, cơ sở sản xuất Ngọc Uyên chuyên chế biến bánh rế, bánh kẹo và các sản phẩm từ trái thanh long của chị Hồ Thị Bạch Hoàng ở TP. Phan Thiết, quy mô nhỏ, đối tượng khách hàng du lịch nhiều, trước tiên ứng dụng chuyển đổi số phần mềm trong kế toán để các khâu sổ sách kế toán, hợp đồng, đơn từ thanh lý với khách hàng gọn nhẹ, nhanh hơn. Với Công ty TNHH Hải Nam (Bình Thuận) quy mô sản xuất kinh doanh lớn, thu mua, chế biến hải sản đông lạnh xuất khẩu các nước châu Âu, Đông Bắc Á, ưu tiên hơn nguồn vốn đầu tư chuyển đổi số cho đồng bộ từ nhân sự điều hành đến máy móc chế biến, kinh doanh, tiếp thị... Thực tế doanh nghiệp đã tập trung đầu tư lĩnh vực này, hoạt động hiệu quả trong những năm qua, kể cả sau dịch Covid- 19, thu hút đông đảo lao động địa phương.
Cũng qua diễn dàn trên, TS. Ngô Đắc Thuần đã truyền đạt nghiệp vụ tư vấn, hướng dẫn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, đại diện doanh nghiệp, thông qua các khái niệm, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) và hệ sinh thái ĐMST, khởi nghiệp ĐMST và tham gia các cuộc thi. Diễn giả lưu ý các chủ doanh nghiệp cần quan tâm đến ý tưởng sáng tạo để tạo ra sản phẩm mới, làm sản phẩm hiện có trở nên nổi trội, ưu việt hơn để khách hàng chú ý. Cùng đó các đối tượng khởi nghiệp chú trọng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST bao gồm các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và các chủ thể hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, cũng như tham gia các cuộc thi để quảng bá thương hiệu, tìm nguồn vốn, nhà đầu tư, mở rộng thị trường sản phẩm mới. Đồng thời, doanh nghiệp khởi nghiệp quan tâm cải tiến mô hình kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, chương trình hành động. Đây là những nền tảng có thể hỗ trợ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tỉnh Bình Thuận đi đến thành công.