Chọn KOL cho sự kiện: Hút khách hay chiêu trò 'câu view'?

Khi chọn những KOL cho sự kiện nổi lên nhờ chiêu trò thay vì chất lượng nội dung, sự kiện dễ biến thành công cụ 'câu view', tác động xấu đến giới trẻ...

Gần đây, một sự kiện thu hút đông đảo người dân và các em nhỏ diễn ra tại thành phố Hòa Bình đã trở thành tâm điểm tranh cãi, sự tranh cãi không phải vì nội dung chương trình, mà vì danh sách khách mời. Khách mời tham gia sự kiện có TikToker Hoàng Cửu Bảo, Thông Soái Ca, Dương XL... Đây đều là những người được biết đến trên mạng xã hội thông qua các video giải trí, tạo nội dung ăn chơi hoặc lối sống giang hồ, sành điệu.

Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu tiêu chí chọn KOL (Key Opinion Leader: người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) trong các sự kiện có đang bị lệch hướng? Liệu độ nổi tiếng có được đánh giá cao hơn giá trị thực sự mà họ mang lại?

Khi tiêu chí “nổi tiếng” lấn át giá trị thực sự

Thực tế cho thấy, không ít KOL hiện nay nổi lên nhờ những phát ngôn gây sốc, những hành vi phản cảm hoặc thậm chí là những scandal được dàn dựng một cách có chủ đích. Họ có thể sở hữu lượng người theo dõi lớn, nhưng liệu sự ảnh hưởng đó có thực sự mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng? Khi những gương mặt này được "trọng vọng" trong các sự kiện văn hóa, liệu chúng ta có đang vô tình cổ xúy cho một thứ văn hóa "mì ăn liền", hời hợt và thiếu chiều sâu?

Việc các TikToker Hoàng Cửu Bảo, Thông Soái Ca, Dương XL có mặt trong một sự kiện văn hóa đã gây tranh cãi trên mạng xã hội. Ảnh: MXH

Việc các TikToker Hoàng Cửu Bảo, Thông Soái Ca, Dương XL có mặt trong một sự kiện văn hóa đã gây tranh cãi trên mạng xã hội. Ảnh: MXH

Việc ban tổ chức sự kiện ở thành phố Hòa Bình lựa chọn những "idol mạng" làm giám khảo, thay vì những nhà nghiên cứu văn hóa du lịch, những nghệ sĩ có uy tín, đã cho thấy mục tiêu hàng đầu của sự kiện này không phải là tôn vinh và lan tỏa những giá trị văn hóa đích thực, mà là thu hút sự chú ý bằng mọi giá.

Phải chăng, ban tổ chức đang đánh đồng sự nổi tiếng nhất thời trên mạng xã hội với sự am hiểu và khả năng đánh giá chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa? Đây không chỉ là sự thiếu tôn trọng đối với những người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu và cống hiến cho văn hóa, mà còn là một thông điệp sai lệch gửi đến công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Hậu quả của việc "chọn mặt gửi vàng" sai chỗ là vô cùng nghiêm trọng. Khi những KOL thiếu chuyên môn, thậm chí có lối sống lệch lạc, được tung hô, họ nghiễm nhiên trở thành những hình mẫu "ảo" trong mắt một bộ phận giới trẻ. Thay vì tìm kiếm những giá trị đích thực từ những người có tri thức và đạo đức, người trẻ có thể bị cuốn theo những trào lưu phù phiếm, những nội dung nhảm nhí. Nguy hiểm hơn, những hành vi tiêu cực, ngôn ngữ chợ búa của những KOL này có thể dần trở thành "chuẩn mực" trong cách hành xử và giao tiếp của một bộ phận thanh thiếu niên.

Sự kiện văn hóa, đúng ra phải là nơi khơi gợi lòng tự hào dân tộc, giáo dục những giá trị truyền thống và thẩm mỹ, lại có nguy cơ bị biến thành một "show diễn" tạp kỹ, nơi những KOL chỉ giỏi tạo drama chiếm sóng. Thông điệp ý nghĩa của sự kiện bị lu mờ bởi sự xuất hiện của những người không liên quan, khiến công chúng cảm thấy hoài nghi về mục đích và giá trị thực sự của chương trình.

Đặc biệt, nếu những KOL thiếu đạo đức nghề nghiệp, không có giá trị thực thụ được công nhận rộng rãi, điều này có thể cổ vũ lối sống hời hợt, xu hướng “nổi tiếng bằng mọi giá”. Thay vì trau dồi kiến thức, kỹ năng thực sự, nhiều người trẻ có thể bị lôi kéo vào những con đường tắt để nổi tiếng nhanh chóng, dẫn đến sự xuống cấp của các giá trị đạo đức trong xã hội.

Đã đến lúc cần thay đổi tiêu chí lựa chọn KOL

Sự nổi tiếng không đồng nghĩa với uy tín hay giá trị thực sự. Khi tổ chức một sự kiện văn hóa, giáo dục, ban tổ chức cần xem xét kỹ lưỡng những người được lựa chọn để đảm bảo họ có thể mang lại ảnh hưởng tích cực.

Không phải người nổi tiếng trên mạng xã hội, có nhiều lượt theo dõi là phù hợp. Các sự kiện văn hóa, giáo dục nên có những người có kiến thức, kỹ năng thực sự, thay vì chỉ dựa vào độ nổi tiếng.

Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức sự kiện cần có tiêu chí rõ ràng để chọn lựa KOL, tránh tình trạng mời những người không phù hợp chỉ để thu hút sự chú ý. Việc lựa chọn KOL cho các sự kiện văn hóa không chỉ là vấn đề đơn giản của ban tổ chức mà còn ảnh hưởng đến nhận thức cộng đồng. Việc lựa chọn KOL không đơn thuần là một chiến lược quảng cáo để thu hút đám đông. Đây còn là một hành động mang tính trách nhiệm xã hội, đặc biệt khi hướng đến thế hệ trẻ.

Nếu chúng ta tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước sự "lệch chuẩn" này, chúng ta đang dung túng cho sự xuống cấp của các giá trị văn hóa và đạo đức. Sự kiện văn hóa tại Hòa Bình chỉ là một ví dụ điển hình, và nếu không có những thay đổi kịp thời, chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều hơn những "cuộc chơi lệch chuẩn" như vậy, gây ra những hệ lụy khó lường cho tương lai của xã hội.

Phương Cúc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chon-kol-cho-su-kien-hut-khach-hay-chieu-tro-cau-view-380954.html