Chọn lĩnh vực chiến lược, không dàn trải, trong định hướng phát triển TPHCM

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, TPHCM là thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại, GRDP bình quân đầu người đạt 13.000 đô la Mỹ thì thành phố cần chọn một số ưu tiên chiến lược, chứ làm dàn trải thì không bao giờ đủ nguồn lực về cả thời gian, thể chế, nhân lực.

Đây là ý kiến góp ý của các chuyên gia tại hội thảo định hướng phát triển TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do UBND TPHCM tổ chức ngày 5-5.

 Các chuyên gia cho rằng TPHCM cần ưu tiên phát triển một số ngành chứ không nên phát triển dàn trải - Ảnh: Lê Anh

Các chuyên gia cho rằng TPHCM cần ưu tiên phát triển một số ngành chứ không nên phát triển dàn trải - Ảnh: Lê Anh

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, năm 2020 dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế TPHCM vẫn tăng trưởng 1,39%, thu ngân sách đạt hơn 371.000 tỉ đồng và đóng góp hơn 25% thu ngân sách quốc gia.

Mục tiêu của TPHCM đến năm 2030 là thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; GRDP bình quân đầu người đạt 13.000 đô la Mỹ. Năm 2030, TPHCM là trung tâm về kinh tế tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Đến năm 2045, trở thành trung tâm kinh tế tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng đời sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 đô la Mỹ, là điểm đến của toàn cầu.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, để đạt được các mục tiêu đề ra, TPHCM cần phân tích đánh giá các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù, tìm kiếm các mô hình giải pháp đột phá để phát triển trong bối cảnh mới.

Góp ý cho các mục tiêu đến năm 2030 của TPHCM, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright, đã chỉ ra các hạn chế và đề xuất một số giải pháp mang tính đột phá.

Trước tiên, ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng TPHCM cần chọn một số ưu tiên chiến lược, chứ làm dàn trải thì không bao giờ đủ nguồn lực về cả thời gian, sự tập trung, thể chế, nhân lực. Với TPHCM, nên hạn chế và tiến tới không còn những ngành công nghiệp đang làm nữa, mà nên chuyển sang dịch vụ. “Nếu TPHCM tiếp tục định vị mình như một thành phố phát triển công nghiệp thì không chỉ bất khả thi, mà còn đánh mất cơ hội của TPHCM trong 10-20 năm nữa”, vị chuyên gia này nói.

Trước đây, nền kinh tế TPHCM phụ thuộc nhiều vào chi phí rẻ, dựa vào đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế tư nhân trong nước và dân số nhập cư, đẩy kinh tế phát triển, nhưng tốc độ phát triển kinh tế chưa cao. Trong 10 năm tới, động lực tăng trưởng phải là năng suất. Để thực hiện được năng suất thì phải phát triển khu vực tư nhân nội địa và đây là thế mạnh nổi bật của TPHCM so với cả nước.

Song song đó là tăng cường cạnh tranh nội địa, tạo ra môi trường cạnh tranh và thị trường nhất có thể. Đây là mệnh lệnh cho sự phát triển, nếu TPHCM không làm được thì thụt lùi. Cùng với đó là TPHCM phải mở cửa thị trường và hội nhập, cần tiên phong trong cả nước để làm được điều này.

Ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng TPHCM cần khuyến khích tăng năng suất, phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng thời, cần hình thành các cụm ngành then chốt của TPHCM, trong đó có Trung tâm tài chính quốc tế của cả nước đặt tại TPHCM.

"TPHCM hiện có 3 nút thắt lớn, đó là nút thắt về cơ sở hạ tầng, thể chế và chất lượng nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, 3 điều này cũng cần tư duy hoàn toàn khác" - tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh đề xuất.

Một điều quan trọng nữa là TPHCM cần chuyển sang nền kinh tế có tính đổi mới sáng tạo chứ không thuần túy dựa vào đầu tư, điều đó đòi hỏi TPHCM phải có nhân lực có kỹ năng rất cao, có cơ sở khoa học, công nghệ, có các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và tạo các cụm ngành có năng lực cạnh tranh nổi trội.

Còn tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng TPHCM phải xem lại khả năng chống chịu trước những bất thường của nền kinh tế. Để TPHCM tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước, ông cho rằng, trong 10 năm tới TP.HCM cần duy trì tốc độ tăng trưởng gấp 1,2-1,5 lần mức bình quân cả nước. Hoạt động kinh tế phải là hoạt động mang tính thị trường nhất cả nước, nếu không sẽ không còn năng động.

Nói về cơ chế đặc thù, ông nói: "chúng ta hay nói là cơ chế đặc thù cho TPHCM, nhưng quan điểm của tôi là thành phố cần cơ chế phù hợp với siêu đô thị”.

Ông Lịch cho rằng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Điều 11, 12, 13) có 3 cơ chế rất rõ, thế nào là phân cấp, thế nào là phân quyền, thế nào là ủy quyền, nhưng trong các luật chuyên ngành thì không. Vì vậy, để được phân cấp, phân quyền, tự chịu trách nhiệm, TPHCM có thể thông qua Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành nghị định. Hoặc cao hơn có thể kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết để minh bạch, tạo khung pháp lý để TPHCM phát huy được tính năng động, sáng tạo.

Lê Anh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/316078/chon-linh-vuc-chien-luoc-khong-dan-trai-trong-dinh-huong-phat-trien-tphcm.html