Chọn lọc khi giải đề thi trên mạng

Cận kề Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, việc chọn tham khảo những đề thi trên mạng vì tính đa dạng, phong phú để hệ thống kiến thức khiến nhiều thí sinh có lúc phải 'khóc dở, mếu dở' khi nhiều đáp án sai kết quả.

Học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Em Trần Ngọc Ánh, học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ cho biết, thời điểm này em chủ yếu luyện đề, đồng thời hệ thống lại kiến thức đã học. Ngoài đề thi mẫu của Bộ, em chỉ cần click chuột sẽ có hàng chục đề khảo sát của các tỉnh và đề thi ở một số trang luyện thi khác để tham khảo.

Rõ ràng, luyện giải các đề mẫu hoặc đề thi các năm trước sẽ giúp học sinh củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài, không bị bỡ ngỡ trước khi bước vào phòng thi. Tuy nhiên, nhiều học sinh cho rằng, các em cảm thấy lúng túng khi đề tham khảo trên internet hiện nay quá tràn lan và nhiều đề không chính xác về mặt thông tin. Điều này dễ dẫn đến học sinh có thể hiểu sai kiến thức, ôn sai cấu trúc đề hoặc học theo cách giải sai sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi thật.

Một cô giáo dạy tiếng Anh có thâm niên trong nghề chia sẻ, tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn nhờ trợ giúp vì đề tham khảo có nhiều câu hỏi “sạn”, có nhiều hơn 1 đáp án đúng hoặc không có đáp án đúng. Ngoài ra, hiện nay đề mẫu trên mạng đang mắc những lỗi như cách ra đề không hợp lý, trình bày ngôn ngữ câu hỏi không phù hợp với đáp án.

Lời khuyên cho học sinh về việc chọn lọc đề ôn luyện trên mạng, thầy giáo Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học cho biết, đề thi trên mạng như một ma trận, không phải đề nào cũng uy tín. Học sinh nên lựa chọn, sàng lọc kỹ càng đề mẫu từ các nguồn đề phải rõ ràng, những đề không có nguồn gốc rõ ràng thì các em không nên tham khảo để tránh phải những đề không bám sát, thậm chí sai kiến thức nên nhờ giáo viên có chuyên môn kiểm tra để đảm bảo chính xác về mặt kiến thức trong đề. Nếu trong quá trình tham khảo gặp vướng mắc, hoặc cần bổ sung thêm các dạng đề liên quan đến nội dung ôn tập thì các em có thể hỏi thầy cô trên lớp.

Theo thầy giáo Lê Triều Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng, việc học sinh giải các đề mẫu tràn lan trên mạng có thể ảnh hưởng nhiều đến quá trình và kết quả ôn tập của các em. Từ đó, học sinh có thể hiểu sai kiến thức, ôn sai cấu trúc đề hoặc học theo cách giải sai gây mất thời gian và ảnh hưởng đến kết quả thi thật. Tùy từng đối tượng học sinh mà có các cách ôn tập sao cho phù hợp và hiệu quả. Đối với học sinh trung bình, khá nên chú ý ôn tập các dạng bài cơ bản, các dạng thường xuyên ra trong các đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm trước đó và đặc biệt bám sát đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trong tháng 4 vừa qua.

Trong quá trình luyện đề chỉ nên tập trung vào các câu từ 1 đến 40 để làm quen dạng bài, cách giải, rút kinh nghiệm và tránh sa đà vào các câu vận dụng cao. Đối với những học sinh giỏi, mục tiêu cao thì phải luyện thêm tốc độ, giải nhanh và chính xác những câu dễ, để dành thời gian cho các câu vận dụng, vận dụng cao.

Học sinh luyện nhiều đề, giải quyết các câu vận dụng cao là tốt, nhưng chú ý tham khảo đề của các sở, các trường trên cả nước vì đây là nguồn uy tín, đề đã được phản biện kỹ. Học sinh luyện tập theo đề thi với số lượng phù hợp, chủ yếu giúp các em biết cách thức làm bài ở các mức độ khác nhau, phân bổ thời gian hợp lý và rèn luyện khả năng tập trung khi làm bài, thầy Sơn chia sẻ.

Bài, ảnh: An Nhiên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/tuyen-sinh/chon-loc-khi-giai-de-thi-tren-mang-141345.html