'Chọn mặt gửi vàng' giữa ma trận hàng giả, hàng kém chất lượng
Giữa thị trường thực phẩm bùng nổ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nỗi hoang mang của người tiêu dùng là điều dễ hiểu. Trong 'ma trận' đó, những điểm đến uy tín, minh bạch, được kiểm soát chặt chẽ như hệ thống siêu thị SATRA đang trở thành bến đỗ niềm tin của người tiêu dùng thành thị, nơi họ có thể an tâm trao gửi sức khỏe gia đình.
Niềm tin khẳng định từ “tick xanh trách nhiệm”
Sáng đầu tuần, không khí tại gian hàng thực phẩm ở Centre Mall Võ Văn Kiệt (TP.HCM) trở nên nhộn nhịp lạ thường. Điều khiến người ta dễ dàng nhận thấy là sức hút đặc biệt của các quầy gắn "tick xanh trách nhiệm", nơi dòng người mua sắm luôn tấp nập hơn cả. Đây chính là khu vực trưng bày những sản phẩm đã trải qua quy trình kiểm định nghiêm ngặt về nguồn gốc và chất lượng, mang đến sự an tâm tuyệt đối cho khách hàng.
Chị Hương Giang (35 tuổi, ngụ phường An Đông) tỉ mỉ chọn từng bó rau, cẩn thận đọc kỹ nhãn mác sản phẩm trước khi đặt vào xe đẩy. Chị chia sẻ với vẻ hài lòng: "Chỉ cần quét mã QR trên nhãn là biết được ngay nơi trồng, đơn vị cung cấp. Sản phẩm không chỉ tươi ngon mà giá cả còn rất hợp lý, lại được giảm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Tôi luôn ưu tiên mua ở khu vực có tick xanh vì đó là sự đảm bảo an toàn cho cả gia đình".

Khu vực gắn "tick xanh trách nhiệm" tại Satramart Siêu thị Võ Văn Kiệt. Ảnh: SATRA
Cùng chung quan điểm, anh Mạnh Hùng (phường Chánh Hưng) khẳng định, mua sắm ở siêu thị giúp anh yên tâm hơn nhiều vì sản phẩm đã được kiểm tra qua nhiều khâu gắt gao. "Thời buổi này, hàng giả tinh vi đến mức không khác gì hàng thật, len lỏi khắp mọi ngóc ngách từ sữa, thuốc cho đến thực phẩm chức năng. Bởi vậy, tôi chỉ chọn nơi thực sự đáng tin cậy, chứ không vì khuyến mãi mà đánh đổi sức khỏe", ông bố hai con chia sẻ.
Kiểm soát chặt từ đầu vào
Đối mặt với áp lực từ hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, đại diện Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH Một Thành viên (SATRA) cho biết, mọi hàng hóa trước khi đặt chân vào hệ thống đều phải vượt qua một "bộ lọc" kiểm định nghiêm ngặt. Mỗi sản phẩm không chỉ cần đầy đủ hồ sơ pháp lý, giấy chứng nhận chất lượng mà còn phải truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. "Chúng tôi hợp tác theo quan điểm vô cùng nghiêm cẩn khi đánh giá sản phẩm, không hề dễ dãi. Mỗi nhà cung cấp, dù là doanh nghiệp lớn, hợp tác xã hay hộ kinh doanh cá thể, đều phải trải qua quy trình đánh giá khắt khe dựa trên 5 tiêu chí cốt lõi: tài chính, chất lượng sản phẩm, quản lý chất lượng, dịch vụ và truyền thông", đại diện SATRA nhấn mạnh.

Mọi hàng hóa trước khi đặt chân vào hệ thống bán lẻ SATRA đều được kiểm định nghiêm ngặt. Ảnh: SATRA
Chỉ những đối tác xuất sắc vượt qua kỳ đánh giá nghiêm khắc với hệ thống chấm điểm chi tiết mới được xem xét ký hợp đồng. Họ cũng phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về giấy phép kinh doanh, mã số thuế, và đặc biệt là chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Riêng với các nhóm sản phẩm đặc thù như rau củ, thịt, cá…, cần bổ sung thêm các chứng nhận uy tín như VietGAP, GlobalGAP, Organic hoặc OCOP.
"Không có chuyện 'làm cho có' ở đây. SATRA kiểm tra hồ sơ, đối chiếu thực tế, lấy mẫu ngẫu nhiên… để đảm bảo chất lượng từng lô hàng. Tất cả các sản phẩm đều phải 'vượt rào' một cách an toàn trước khi chính thức lên kệ", đại diện bộ phận quản lý chất lượng kiên quyết khẳng định.
Hơn thế nữa, SATRA còn duy trì kiểm tra định kỳ và đột xuất, đặc biệt đối với các nhóm hàng có nguy cơ cao. Mọi kết quả được cập nhật tức thời để điều chỉnh ngay lập tức nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Đồng thời, mọi phản hồi từ khách hàng qua tổng đài, mạng xã hội hay phiếu phản ánh đều được tiếp nhận và xử lý một cách kịp thời, minh bạch.
Cuộc chiến không khoan nhượng vì sức khỏe cộng đồng
Dù vậy, chống hàng giả không chỉ là cuộc chiến đơn lẻ của doanh nghiệp mà còn là nhiệm vụ trọng yếu của cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết: "Hiện nay, các đối tượng buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi hơn. Chúng dùng tiếng lóng để quảng cáo trên mạng, chốt đơn qua tin nhắn riêng và giao hàng bằng dịch vụ công nghệ. Tất cả đều khép kín, khiến việc truy vết gần như bất khả thi."
"Nhiều kho hàng ẩn mình trong ngõ hẻm, căn hộ cá nhân, khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc xin lệnh kiểm tra. Nhưng không vì khó mà không làm, chúng tôi vẫn kiên quyết truy quét các kho hàng và điểm tập kết lớn", ông Huy khẳng định quyết tâm.

Hệ thống bán lẻ SATRA siết chặt kiểm soát, chặn hàng giả từ đầu vào. Ảnh: SATRA
Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường cũng đặc biệt lưu ý: "Khi một sản phẩm mang thương hiệu lớn nhưng lại được rao bán với giá quá rẻ, người tiêu dùng cần phải nghi ngờ ngay lập tức". Đồng thời, ông cũng khuyến khích người dân tích cực tố giác nếu phát hiện hành vi gian lận thương mại, góp phần vào cuộc chiến chung.
Ở cấp địa phương, TP.HCM đang tích cực triển khai chương trình "Tick xanh trách nhiệm" do Sở Công Thương khởi xướng. Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, đây là một giải pháp dài hạn và mang tính chiến lược nhằm sàng lọc những doanh nghiệp thực sự minh bạch. Các doanh nghiệp tự nguyện đăng ký để được đánh giá chất lượng, và nếu đạt yêu cầu, sản phẩm của họ sẽ được cấp tick xanh – một dấu hiệu nhận biết đáng tin cậy cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, quy định của chương trình cũng vô cùng nghiêm ngặt: chỉ cần một sản phẩm vi phạm, tất cả siêu thị tham gia chương trình sẽ ngừng nhập hàng của doanh nghiệp đó. Vì vậy, dù ban đầu nhiều doanh nghiệp tỏ ra hứng thú, nhưng khi nghe đến quy định chế tài chặt chẽ này, không ít bên đã e ngại. Sau hơn một năm triển khai, Sở mới chỉ nhận được vài trăm hồ sơ đăng ký.
Dù vậy, ông Phương khẳng định về lâu dài, chương trình này là một bước đi cần thiết và mang tính đột phá để khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chuẩn mực, qua đó bảo vệ người tiêu dùng từ gốc rễ và tạo động lực phát triển bền vững cho toàn ngành.