Chọn mua bánh trung thu đảm bảo chất lượng

Cứ gần đến dịp Trung thu là thị trường bánh trung thu lại trở nên sôi động hơn bao giờ hết với mẫu mã phong phú, đa dạng. Thường thì dịp này, ai cũng có nhu cầu mua bánh trung thu, trước là để cúng ông bà, sau cả gia đình cùng quây quần thưởng thức những miếng bánh thơm ngon. Vì vậy, việc lựa chọn bánh trung thu đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý luôn được nhiều người quan tâm.

 Bánh trung thu thập cẩm của chị Vũ Nhung được nhiều người yêu thích -Ảnh: M.T

Bánh trung thu thập cẩm của chị Vũ Nhung được nhiều người yêu thích -Ảnh: M.T

Năm nào cũng vậy, Trung thu dường như đến sớm với gia đình chị Lê Thị Thanh (TP. Đông Hà). Khi trên thị trường bày bán bánh thì các con chị đều đòi mua cho bằng được. Mỗi năm chị đều cho con thử lần lượt các vị bánh khác nhau, ít khi dùng mãi một loại bánh.

Năm nay, được nhiều người quảng cáo, chị Thanh tìm mua bánh trung thu Đài Loan Java 4 vị về ăn thử. Loại bánh này nhập từ nước ngoài về nên có giá thành đắt, 1.200 ngàn đồng/ hộp. Hộp bánh chị Thanh mua có trọng lượng 360g, bên trong có 8 cái bánh nhỏ với 4 vị java phomai, trứng chảy, cà phê machino và socola. Tuy nhiên khi về sử dụng, các con chị chỉ thích vị java phomai và trứng chảy, các vị còn lại khó ăn nên mọi người cứ đùn đẩy nhau dù đó chỉ là chiếc bánh nhỏ xíu.

Chị Thanh cho biết: Thấy bạn bè quảng cáo loại bánh này ngon nên tôi mua ăn thử cho biết. Tuy nhiên, vì không hợp với tất cả các vị của hộp bánh nên ai nấy đều gắng ăn cho hết kẻo lãng phí chứ không cảm nhận được vị ngon. Từ thực tế của bản thân, tôi thấy nên ưu tiên chọn loại bánh trung thu phù hợp với khẩu vị chứ không cần phải mua các loại bánh quá đắt tiền.

Cũng từng thích các loại bánh độc, lạ nên mùa trung thu năm nào chị Nguyễn Thúy Hằng (TP. Đông Hà) cũng nhờ bạn bè ở các thành phố lớn mua gửi về thưởng thức. Có lần nghe quảng cáo bánh trung thu truyền thống của một cửa hàng ở Hà Nội luôn có người xếp hàng chờ mua, chị Hằng nhờ mua cho bằng được.

Tuy nhiên theo chị, vị của những chiếc bánh đó ngậy hơn so với các loại bánh thường bán trên thị trường nên không ăn được nhiều. Những năm gần đây, chị chọn mua các loại bánh handmade của một người bạn sống ở Huế. Chị Hằng cho biết: Bánh trung thu handmade được làm ở Huế có khẩu vị hợp với gia đình tôi hơn các loại bánh khác. Tuy nhiên, khi chọn mua các loại bánh tự làm này, người mua cần phải cẩn thận lựa chọn cơ sở có uy tín.

Năm nào cũng vậy, vào khoảng đầu tháng 7 Âm lịch, thị trường bánh trung thu đã bắt đầu khởi động. Các cơ sở kinh doanh nhập hàng từ sớm, thường bao gồm các loại bánh mang thương hiệu truyền thống trong nước như Kinh Đô, Bibica, Richy... với mức giá mỗi cái bánh từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng tùy vào hương vị, nhãn hiệu. Với các loại bánh trung thu nhập ngoại thì có giá thành đắt hơn, có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/hộp bánh.

Tại Quảng Trị, số lượng các loại bánh trung thu ngoại nhập được bày bán không nhiều, chủ yếu được khách mua để làm quà tặng. Những năm trở lại đây, bánh trung thu handmade đã trở thành đối thủ nặng ký của các thương hiệu lớn với mẫu mã đa dạng, trang trí đẹp mắt, được nhiều khách hàng lựa chọn.

Chị Vũ Nhung, chủ một cơ sở làm bánh trung thu handmade cho biết, loại bánh này do sản xuất với số lượng ít, chủ yếu ở dùng trong gia đình hoặc bán cho bạn bè, người quen, “Tôi bắt đầu làm bánh trung thu vào các đợt nghỉ làm do COVID-19, ban đầu chỉ để ăn và cho bạn bè. Rồi chính bạn bè là những người động viên tôi nên làm số lượng nhiều hơn để bán và họ trở thành khách hàng thân thiết của tôi. Bánh trung thu handmade làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên đòi hỏi mọi công đoạn đều phải tỉ mẩn. Để sên 1 mẻ nhân bánh thường phải mất 4-5 tiếng, chưa kể đóng bánh, nướng bánh, tất cả đều phải làm bằng tay. Vì thế, không ít người đã mua bột và nhân bánh bán sẵn ngoài hàng về làm nên chất lượng không đảm bảo”, chị Nhung cho hay.

Có hai loại bánh trung thu của chị Nhung được người tiêu dùng ưa thích, đó là bánh nướng thập cẩm và bánh Đài Loan. Riêng bánh trung thu Đài Loan, mỗi mùa chị Nhung chỉ nhận đặt làm 100 cái vì để làm ra chiếc bánh này rất kỳ công. Nhân bánh gồm java trứng muối, mochi, đậu xanh, dăm bông trứng muối nên rất hợp khẩu vị của trẻ. Còn với bánh thập cẩm, nguyên liệu trong nhân bánh gồm các loại hạt gia vị, mỡ, đường, dăm bông… tất cả đều do chị Nhung mua rồi về sơ chế sao cho hợp khẩu vị của người miền Trung nên bánh nhà chị rất dễ ăn, không quá ngọt như nhiều loại bánh thập cẩm khác.

Đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chị Nhung cũng chú trọng bao bì, mẫu mã để khách mua làm quà tặng. “Năm ngoái, từ ngày 12-15 tháng 8 âm lịch, tôi bán được khoảng 1.000 chiếc bánh trung thu, chủ yếu do người quen đặt trước. Mùa Trung thu năm nay, tôi bắt đầu làm bánh từ khoảng đầu tháng 7 Âm lịch, càng gần rằm tháng 8, lượng khách đặt mua bánh càng tăng”, chị Nhung cho biết.

Mặc dù thị trường bánh trung thu rất đa dạng, phong phú, tuy nhiên khi chọn mua, người tiêu dùng cần bám vào các tiêu chí “truyền thống” như thương hiệu, mẫu mã, bao bì, thành phần nhân bánh… Hãy mua các loại bánh trung thu của các thương hiệu uy tín, được nhiều người lựa chọn, được đăng ký tiêu chuẩn về chất lượng với cơ quan chức năng, đồng thời có giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, một tiêu chí khác không kém phần quan trọng, đó là khi lựa chọn bánh trung thu cần chú trọng đến khẩu vị của mỗi người, tránh mua các loại bánh có giá thành cao nhưng lại không hợp sở thích, gây lãng phí.

Minh Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=169978&title=chon-mua-banh-trung-thu-dam-bao-chat-luong