Đã có 109 doanh nghiệp công bố lợi nhuận quý 2: Chỉ tăng 4%, mức thấp nhất trong 8 quý

Tổng lợi nhuận sau thuế của nhóm này tăng 4% so với cùng kỳ năm 2024, mức tăng trưởng thấp nhất trong 8 quý gần đây kể từ quý 3/2023 chủ yếu do không còn hưởng lợi từ hiệu ứng nền so sánh thấp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tính đến ngày 17/7/2025, đã có 109 doanh nghiệp niêm yết đại diện 17,5% vốn hóa toàn thị trường công bố báo cáo tài chính hoặc ước tính sơ bộ kết quả kinh doanh quý 2/2025, bao gồm 4/27 Ngân hàng, 8/44 công ty chứng khoán, và 96/1512 doanh nghiệp Phi tài chính, theo số liệu từ FiinTrade.

Tổng lợi nhuận sau thuế của nhóm này tăng 4% so với cùng kỳ năm 2024, mức tăng trưởng thấp nhất trong 8 quý gần đây kể từ quý 3/2023 chủ yếu do không còn hưởng lợi từ hiệu ứng nền so sánh thấp.

Cụ thể, với Ngân hàng lợi nhuận sau thuế Q2/2025 tăng mạnh so với cùng kỳ tại PGB tăng 98,1% và KLB tăng 67,7%, trong khi chững lại ở TPB tăng 4,6% và NAB tăng 5,4%.

Tuy nhiên, do quy mô nhỏ, các số liệu này chưa phản ánh bức tranh lợi nhuận toàn ngành. Tăng trưởng lợi nhuận được dự báo sẽ tiếp tục phân hóa, với điểm sáng là VIB, MBB, CTG (nhờ tín dụng tăng mạnh, dự phòng giảm), trong khi VCB, BID chịu áp lực do tín dụng tăng thấp và NIM thu hẹp.

Ở nhóm Phi tài chính, một số doanh nghiệp đạt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tích cực, nổi bật là Thép (HPG), Thực phẩm (MSN, VOC), Chăn nuôi (DBC), Hàng không (HVN), Cao su (TRC) và Xuất khẩu (ANV, VGT, HAH).

Công nghệ Thông tin (FPT) duy trì đà tăng ổn định quý thứ 3 liên tiếp với mức tăng gần 20% so với cùng kỳ . Đây là những điểm sáng trong bối cảnh nhiều ngành sản xuất và tiêu dùng vẫn còn đối mặt với áp lực phục hồi, bao gồm Dầu khí (BSR), Nhiệt điện (POW, HND, PPC), Hóa chất (DCM, LAS, BFC), Cảng hàng không (ACV).

Đối với nhóm Xuất khẩu, tăng trưởng lợi nhuận quý 2 chủ yếu nhờ yếu tố dồn đơn hàng để né thuế, đặc biệt là từ thị trường Mỹ. Tuy nhiên, rủi ro thuế quan hiện hữu, khi nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể phải chịu mức thuế đối ứng lên tới 20%, gây áp lực lên biên lợi nhuận và triển vọng tăng trưởng trong các quý tiếp theo.

Nhóm Phân bón (DCM, LAS) được kỳ vọng sẽ cải thiện kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2025, với biên lợi nhuận cải thiện nhờ được hoàn thuế đầu vào sau khi chuyển sang nhóm chịu thuế giá trị gia tăng.

Trên thị trường chứng khoán, Vn-Index đã tăng 36% so với đáy 1 năm thiết lập ngày 9/4, khi thị trường chịu tác động từ kế hoạch áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và hiện đang tiệm cận vùng đỉnh lịch sử 1.500 điểm. Đà tăng được hỗ trợ bởi thanh khoản cải thiện và dòng tiền khối ngoại quay trở lại mạnh mẽ.

Tuy nhiên, hệ số P/E hiện tại đã tăng lên 14,6x, tương đương mức trung bình giai đoạn từ 2020 đến nay và cao hơn 35% so với đáy 1 năm (10,8x). Điều này cho thấy, trong ngắn hạn, định giá thị trường không còn ở vùng hấp dẫn, trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng lợi nhuận quý 2/2025 khó duy trì ở mức hai chữ số như các quý trước.

Thu Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/da-co-109-doanh-nghiep-cong-bo-loi-nhuan-quy-2-chi-tang-4-muc-thap-nhat-trong-8-quy.htm