Chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 - Vì quyền lợi của học sinh

Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2, lớp 6 trên cả nước học sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Cùng với nhiều địa phương, thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc chọn sách giáo khoa mới theo đúng quy trình, bảo đảm minh bạch, hướng đến học sinh và vì quyền lợi của học sinh.

Giáo viên Trường Tiểu học Tân Lập (huyện Đan Phượng) thảo luận về phương pháp giảng dạy theo sách giáo khoa mới lớp 2 năm học 2021-2022. Ảnh: Đỗ Tâm

Công tâm, minh bạch

Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018) đối với lớp 2, lớp 6 từ năm học 2021-2022 theo Nghị quyết số 88/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, dù có giai đoạn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song thành phố Hà Nội đã nỗ lực triển khai công tác chuẩn bị đúng tiến độ, bảo đảm điều kiện dạy, học tốt nhất.

Ngày 20-4, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt danh mục gồm 19 cuốn sách giáo khoa lớp 2 và 28 cuốn sách giáo khoa lớp 6 để sử dụng trong các nhà trường. Danh mục này cũng được chuyển tới các nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn để các đơn vị chuẩn bị đủ, đúng số lượng sách giáo khoa cần cung ứng.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thanh Thủy cho biết, tất cả các trường trên địa bàn đã tổ chức cho giáo viên chọn sách giáo khoa mới theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, bảo đảm công tâm, chất lượng; giáo viên chọn sách theo hình thức bỏ phiếu kín. Rút kinh nghiệm từ việc chọn sách lớp 1 năm trước, trong quá trình chọn sách lớp 2, mỗi giáo viên đều cho ý kiến về những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quảng An (quận Tây Hồ) Nguyễn Thị Kim Xuân, nhà trường xác định việc chọn sách giáo khoa là khâu rất quan trọng để bảo đảm chất lượng giáo dục. 100% giáo viên đều có trách nhiệm đánh giá từng cuốn sách giáo khoa để chọn ra cuốn phù hợp nhất với thực tế năng lực của học sinh và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến đánh giá, các nhà trường ý thức rõ việc chọn sách giáo khoa sẽ quyết định đến chất lượng dạy, học, nên dù số lượng sách nhiều, song các thầy, cô giáo đã chủ động nghiên cứu sách và thảo luận kỹ, bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được thực hiện đúng tiến độ, đúng quy trình, minh bạch và luôn đặt quyền lợi của học sinh lên cao nhất.

Quyết tâm dạy, học chất lượng

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cùng với việc thực hiện “nhiệm vụ kép” là phòng, chống dịch và dạy, học chất lượng, các đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Nội đang khẩn trương triển khai khâu “hậu chọn sách”, quyết tâm để cô và trò dạy, học với sách mới chất lượng nhất.

16 trường tiểu học và trung học cơ sở thuộc quận Tây Hồ đang xây dựng bài giảng từng môn học và chuẩn bị tổ chức dạy thử nghiệm. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết, các tiết dạy tốt sẽ được chọn tham gia kiến tập cấp quận, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 5 này. Đây là phương pháp bồi dưỡng hiệu quả, giúp giáo viên hình dung cụ thể về cách thức tổ chức hoạt động trong một giờ học, phát huy tối đa ưu điểm của sách mới...

Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Hòa thông tin, trên cơ sở rà soát của các nhà trường, phòng đã xây dựng danh mục dự kiến đầu tư trang thiết bị dạy học lớp 2, lớp 6 trình UBND huyện phê duyệt, với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, quy mô giáo dục của huyện khá lớn, phòng đã yêu cầu các nhà trường rà soát, tận dụng tối đa trang thiết bị sẵn có, tránh lãng phí.

Còn cô giáo Lê Thu Lý, dạy môn ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Mỗ Lao (quận Hà Đông) chia sẻ: “Công việc cuối năm học rất bận, song chúng tôi cố gắng dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu sách giáo khoa của môn học mình đảm nhận; tăng cường trao đổi trong tổ chuyên môn để hiểu rõ hơn về những yêu cầu mới…”.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, năm học 2021-2022, toàn thành phố có 7.000 giáo viên dạy lớp 2; 16.000 giáo viên dạy lớp 6. Để triển khai dạy, học chất lượng, Sở khuyến khích các nhà trường tổ chức dạy thử nghiệm, tạo điều kiện tối đa để giáo viên tự bồi dưỡng, tham gia bồi dưỡng theo quy định. Bên cạnh đó, từng nhà trường phải rà soát kỹ các điều kiện về cơ sở vật chất, ưu tiên tối đa cho học sinh lớp 2 học 2 buổi/ngày; bảo đảm đủ thiết bị dạy học theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/998717/chon-sach-giao-khoa-lop-2-lop-6---vi-quyen-loi-cua-hoc-sinh