Chọn tổ hợp môn có lợi để tăng cơ hội trúng tuyển bằng học bạ
Bên cạnh chương trình học, giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Linh còn hướng dẫn học sinh cách đăng ký xét tuyển đại học bằng học bạ THPT. Ảnh: THÚY HẰNG
Phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả học bạ đang ngày càng phổ biến với các trường đại học. Tuy nhiên, do có quá nhiều tổ hợp xét tuyển nên thí sinh phải biết cách lựa chọn để tăng cơ hội trúng tuyển.
Đa dạng cách tính điểm tổ hợp môn
Xét học bạ là phương thức xét tuyển dựa vào bảng điểm học sinh đạt được trong quá trình học tập bậc THPT. Điểm mới trong phương thức này năm nay là đa dạng cách tính điểm và cho phép người học linh hoạt trong chọn tổ hợp môn.
Năm nay, Trường đại học Xây dựng Miền Trung có 3 hình thức xét tuyển từ kết quả học bạ THPT. Thứ nhất, tổng điểm trung bình 3 môn xét tuyển của 3 năm THPT + điểm ưu tiên đạt từ 18 điểm. Thứ hai, tổng điểm trung bình 3 môn xét tuyển của năm lớp 12 + điểm ưu tiên đạt từ 18 điểm. Thứ ba, tổng điểm trung bình 3 môn xét tuyển của 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12) + điểm ưu tiên đạt từ 18 điểm. Tổ hợp xét tuyển khối ngành kỹ thuật, kinh tế gồm: Khối A (Toán, Vật lý, Hóa học), khối A1 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), khối C1 (Toán, Vật lý, Ngữ văn) và khối D1 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh). Đối với ngành Kiến trúc và Kiến trúc nội thất, xét tuyển các tổ hợp khối V (Toán, Vật lý, Vẽ mỹ thuật), khối V1 (Toán, Ngữ văn, Vẽ mỹ thuật) và khối A1, D1.
Theo thống kê của các trường, tổ hợp xét tuyển thì nhiều, song thường chỉ có 5 tổ hợp được thí sinh lựa chọn nhiều nhất là A, A1, D1, B (Toán, Hóa học, Sinh học) và C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý). Theo quy định, mỗi ngành được sử dụng không quá 4 tổ hợp để xét tuyển. Trong khi đó, mỗi thí sinh đều có một số môn học sở trường, có thể ghép thành tổ hợp để sử dụng xét tuyển. Do vậy thí sinh cần biết cách lựa chọn tổ hợp khi đăng ký xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển.
ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo (Trường đại học Xây dựng Miền Trung) chia sẻ: Hầu hết các trường đại học đều sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ nên học sinh nào học đều các môn ở trường phổ thông sẽ có lợi thế hơn. Ngoài ra, việc chọn tổ hợp để xét tuyển học bạ hoàn toàn chủ động, không liên quan đến việc chọn bài thi tốt nghiệp THPT, do đó sau khi chọn được ngành yêu thích rồi, thí sinh phải tính toán tổ hợp mà mình có tổng điểm cao nhất để tham gia xét tuyển.
Trước sự đa dạng của các trường trong xét học bạ, ThS Nguyễn Vân Trạm khuyên thí sinh nên đọc kỹ quy định riêng của từng trường để không bị nhầm lẫn.
Được tham gia xét tuyển nhiều tổ hợp, nhiều trường
Học sinh lớp 12 có xu hướng chọn phương thức xét tuyển bằng học bạ ngày càng tăng nên hiện các trường THPT trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tư vấn, giúp các em chọn tổ hợp có lợi thế nhất. Thầy Nguyễn Đình Diêm, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh (TX Đông Hòa) cho hay: Do các trường đại học sử dụng nhiều phương thức xét tuyển nên hầu hết học sinh sử dụng cùng lúc nhiều phương thức để xét tuyển. Học sinh lớp 12 của trường cũng rất chủ động tham gia xét tuyển bằng phương thức xét học bạ vào các trường đại học, cao đẳng. Có những lớp, học sinh sao lưu học bạ gần 100%, nộp cùng lúc vào nhiều trường đại học khác nhau.
Nhìn từ mùa tuyển sinh năm 2020 cho thấy, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT phục vụ mục đích chính là xét tốt nghiệp, tính phân hóa trong đề thi không còn quá cao, dẫn đến tỉ lệ cạnh tranh giữa các học sinh có điểm thi cao rất nhiều. Do vậy, việc ngày càng có nhiều thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ là điều dễ hiểu.
Em Lê Hồng Đăng, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi nói: “Em vừa nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ vào một số trường đại học ở TP Hồ Chí Minh. Em sử dụng tổ hợp khối A1 để xét tuyển, vì điểm trung bình các môn Toán, Vật lý, Tiếng Anh của em cao hơn các môn còn lại. Em nghĩ dù vào đại học bằng phương thức nào cũng đều hướng đến mục tiêu chính là theo đuổi ngành học yêu thích. Vì thế, em đặt hy vọng vào hình thức này khá nhiều để giảm bớt áp lực cho việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT”.
Theo các trường, sở dĩ học sinh “chuộng” phương thức xét tuyển bằng học bạ vì hầu hết các trường đại học đều tăng chỉ tiêu xét tuyển đối với phương thức này. Học sinh có thể nộp hồ sơ trực tuyến nên những thủ tục mang tính hành chính được giảm bớt. Thực tế tuyển sinh những năm qua cho thấy, học sinh có năng lực học tập khá, giỏi gần như nắm chắc cơ hội đậu vào các trường đại học khi tham gia xét tuyển bằng học bạ.
Tận dụng các phương thức xét tuyển ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giúp học sinh lớp 12 giảm bớt áp lực thi cử. Mặc dù vậy, các em cũng không nên chủ quan, vẫn phải cố gắng học tập để đậu tốt nghiệp THPT, vì đây là điều kiện bắt buộc cần phải có đối với thí sinh khi tham gia xét tuyển đại học.