Chọn tổ hợp môn không dễ vì học sinh chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng

Việc lựa chọn tổ hợp môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông cần dựa trên năng lực, sở thích, nguyện vọng và kết hợp với định hướng của nhà trường.

Năm học 2024-2025 là năm thứ 3 các trường trung học phổ thông thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Học sinh sẽ học 8 môn bắt buộc và chọn nhóm tổ hợp các môn học theo năng lực, định hướng nghề nghiệp.

Trong đó, 8 môn bắt buộc bao gồm: Ngữ văn; Toán; Tiếng Anh; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Ngoài các môn bắt buộc, các em sẽ được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật.

Việc không bắt buộc học tất cả các môn học trong chương trình giúp giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, để chọn được tổ hợp môn học phù hợp xuyên suốt trong 3 năm và phù hợp với xét tuyển đại học trong tương lai không phải là vấn đề dễ dàng với nhiều học sinh chuẩn bị vào lớp 10.

Đắn đo, băn khoăn khi chọn tổ hợp

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Hương, phụ huynh có con chuẩn bị theo học lớp 10 tại Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị ủng hộ việc phân ban để học sinh không phân tán với những môn học không phải thế mạnh.

Trường chỉ có 1 tổ hợp khoa học xã hội và 3 tổ hợp khoa học tự nhiên. Con chị đã chọn tổ hợp các môn khoa học xã hội vì thế mạnh của con chủ yếu ở các môn Ngữ văn và Tiếng Anh.

Trong quá trình lựa chọn, chị Hương cũng trao đổi với con và nhận thấy đam mê của con là công việc biên tập viên. Chính vì thế, theo chị chọn tổ hợp khoa học xã hội là phù hợp nhất. Tuy nhiên, gia đình chị Hương cũng chưa kịp tìm hiểu trường đại học nào đào tạo ngành nghề này và nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động.

Trong khi đó, anh Nguyễn Hồng Thắng, có con trúng tuyển lớp 10 tại Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, ngay từ lớp 9, con của anh đã được định hướng học và thi theo khối khoa học tự nhiên. Vì gia đình đều quan tâm tới việc học của con nên không băn khoăn, lo lắng về việc chọn tổ hợp khi vào lớp 10.

“Ba môn Toán, Văn, Anh chắc chắn là chiếc “kiềng ba chân” vững chắc cho học sinh, nếu học các môn bắt buộc này giỏi thì khả năng vào đại học rất lớn. Bởi môn Toán là nền tảng của các môn khoa học tự nhiên, môn Ngữ văn là nền tảng của các môn khoa học xã hội”, anh Thắng cho hay.

 Học sinh có nhiều thuận lợi khi chọn tổ hợp môn học vào lớp 10.

Học sinh có nhiều thuận lợi khi chọn tổ hợp môn học vào lớp 10.

Còn với chị Nguyễn Thanh Bình, phụ huynh có con vừa trúng tuyển Trường Trung học phổ thông Trung Văn (Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ sự lo lắng về việc chọn tổ hợp, vì nhiều học sinh lớp 10 chưa nhận thức được thế mạnh bản thân và định hướng ngành nghề cần thi.

Theo chị Bình, hiện tại, việc chọn tổ hợp phần lớn chỉ dựa vào sở thích và khả năng của con. Nếu các con được học tất cả các môn thì sẽ có nhiều sự lựa chọn và định hướng hơn.

Con của chị Bình lựa chọn tổ hợp các môn khoa học xã hội theo sở thích và khả năng của bản thân. Bên cạnh đó, gia đình cũng phân tích, trao đổi với con và tham khảo thông tin trên các diễn đàn. Tuy nhiên, quá trình lựa chọn tổ hợp cũng rất khó khăn vì trong tất cả các tổ hợp đều có môn con thích và không thích.

Chị Nguyễn Thị Tâm, phụ huynh có con đỗ lớp 10 Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, gia đình chọn tổ hợp theo sở thích của con là khoa học tự nhiên, có tham khảo ý kiến từ bạn bè, giáo viên. Tuy nhiên, gia đình còn gặp khó khăn vì chưa hiểu hết các tổ hợp để định hướng cho con.

Theo chị Tâm, học sinh lớp 10 mới trải qua cuộc thi vào trung học phổ thông căng thẳng, mới tiếp xúc môi trường phổ thông nên chưa hiểu rõ cách thức chọn tổ hợp, cũng như thế mạnh của bản thân.

Ngoài ra, chị Tâm còn mong muốn các trường đại học hàng năm sớm có nghiên cứu và công bố đề án tuyển sinh. Từ đó, học sinh và phụ huynh mới có căn cứ lựa chọn tổ hợp sát nhất với định hướng sau này.

Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, cô Trần Huyền, giáo viên Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (Long Biên, Hà Nội) cho rằng, phụ huynh, học sinh đứng trước việc lựa chọn tổ hợp môn học từ lớp 10, đồng nghĩa với quyết định chọn nghề từ sớm. Phụ huynh và học sinh cần tính toán, cân nhắc khi lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10 của con sao cho phù hợp với định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

"Nếu không tính toán kỹ để để chọn nghề nghiệp, từ đó chọn tổ hợp môn học thì rất khó để thay đổi. Vì học sinh học ban tự nhiên có thể học ban xã hội được, nhưng ngược lại, các em học ban xã hội sẽ rất khó để chuyển sang ban tự nhiên", cô Huyền chia sẻ.

 Cô Trần Huyền, giáo viên Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Trần Huyền, giáo viên Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Hài hòa giữa năng lực, sở thích và nguyện vọng

Thời điểm hiện tại, các trường trung học phổ thông đều tăng cường tuyên truyền, giới thiệu và hỗ trợ phụ huynh cùng các con tìm hiểu về cách chọn tổ hợp, cũng như điểm mới của chương trình giáo dục khi vào lớp 10.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Bội Quỳnh, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ có 4 môn, trong đó có 2 môn thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn.

Vì vậy, việc lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp ngay từ lớp 10 sẽ tạo thuận lợi trong quá trình học tập và định hướng nghề nghiệp của học sinh sau này.

 Tiến sĩ Nguyễn Bội Quỳnh, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Nguyễn Bội Quỳnh, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Trong năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường chưa thể tư vấn được hết cách thức lựa chọn tổ hợp cho học sinh. Do đó, đa số học sinh lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội. Hết năm học thứ nhất, nhà trường có 6 học sinh xin đổi tổ hợp.

Trong năm thứ hai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường đã chủ động tư vấn cho tất cả phụ huynh, học sinh cách thức lựa chọn tổ hợp. Thực tế, nhiều học sinh lựa chọn tổ hợp xã hội vì các em không chú trọng học các môn tự nhiên ở cấp 2 cũng như có tâm lý sợ học các môn học này. Sau khi nhà trường tư vấn, động viên, phân tích lợi ích của từng tổ hợp, số học sinh chọn tổ hợp tự nhiên ở năm học tiếp theo tăng cao.

Trường Trung học phổ thông Việt Đức đã tạo điều kiện cho học sinh thoải mái lựa chọn trong 8 tổ hợp đa dạng, bao gồm tổ hợp thiên về các môn tự nhiên, tổ hợp thiên về các môn xã hội, tổ hợp có một nửa môn tự nhiên và một nửa môn xã hội. Chính vì vậy, ở năm học vừa qua, nhà trường chỉ có 2 học sinh xin đổi tổ hợp từ ban xã hội sang ban tự nhiên.

Ngày 5/7/2024, nhà trường đã tổ chức một buổi tư vấn cho phụ huynh có con trúng tuyển vào trường để hiểu về mô hình giảng dạy cũng như cách thức lựa chọn tổ hợp môn học. Học sinh đã lựa chọn các tổ hợp tương đối đều và được phân chia vào tất cả các lớp, không có tổ hợp nào quá ít học sinh.

 Học sinh khối 10 Trường Trung học phổ thông Việt Đức trong buổi tư vấn chọn tổ hợp tại trường. Ảnh: NTCC

Học sinh khối 10 Trường Trung học phổ thông Việt Đức trong buổi tư vấn chọn tổ hợp tại trường. Ảnh: NTCC

Nhà trường muốn tạo điều kiện cho phụ huynh và học sinh thời gian dài để quyết định chính xác lựa chọn tổ hợp. Vì vậy, phụ huynh và học sinh có thể suy nghĩ, cân nhắc đến ngày 15/8. Nếu cảm thấy không phù hợp với lựa chọn ban đầu, nhà trường sẵn sàng hỗ trợ học sinh đổi tổ hợp.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Bội Quỳnh, để lựa chọn tổ hợp môn phù hợp, học sinh cần lưu ý các yếu tố: Thứ nhất, học sinh phải căn cứ vào năng lực của chính bản thân mình. Thứ hai, phụ huynh, học sinh nên có sự tính toán trong tương lai, các em sẽ làm nghề nghiệp gì, thi khối gì để cân nhắc lựa chọn. Thứ ba là nguyện vọng, mong muốn của gia đình. Ba yếu tố đó là một tổng hòa để tạo nên sự lựa chọn đúng đắn cho các em.

Ngoài ra, học sinh cũng không nên lựa chọn theo đám đông, lựa chọn theo trào lưu mà cần có trách nhiệm với việc học của chính mình. Theo cô Quỳnh, nếu các em chưa hiểu cũng như chưa định hướng được nên chọn tổ hợp nào thì cần tham khảo ý kiến của gia đình cũng như thầy cô. Tất cả giáo viên nhà trường đều có trách nhiệm đồng hành cùng học sinh để các em có thể thoải mái, tự tin trong việc lựa chọn tổ hợp của mình.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Tấn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Cao Vân (Tam Kỳ, Quảng Nam) chia sẻ, sau khi có danh sách trúng tuyển của Sở, trường đã phát hành hồ sơ để học sinh nhập học, trong đó có phiếu đăng ký tổ hợp. Học sinh có thể lựa chọn 1 trong 8 tổ hợp nhà trường xây dựng.

Qua 3 năm triển khai chọn tổ hợp lớp 10, nhà trường đã song hành nhiều giải pháp để tư vấn, định hướng cho học sinh và phụ huynh. Theo thầy Tấn, phụ huynh và học sinh cần nghiên cứu và suy nghĩ thấu đáo, bởi việc lựa chọn tổ hợp lớp 10 rất quan trọng.

Nếu lựa chọn được môn học phù hợp sẽ giúp các em phát huy được thế mạnh của mình. Từ đó sẽ tránh được tình trạng học sinh phải thay đổi tổ hợp sau này. Nếu phải thay đổi, nhà trường sẵn sàng tạo điều kiện cho học sinh, nhưng đó là việc không mong muốn.

 Học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Cao Vân (Tam Kỳ, Quảng Nam). Ảnh: NTCC.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Cao Vân (Tam Kỳ, Quảng Nam). Ảnh: NTCC.

Thầy Tấn cũng cho biết thêm, hai năm qua, nhà trường chỉ có 1-2 em học sinh xin chuyển tổ hợp. Đơn xin chuyển phải có chữ ký xác nhận của cả học sinh và phụ huynh. Đồng thời, học sinh phải có trách nhiệm tự ôn tập các môn mà năm học trước các em chưa được học, sau đó nhà trường sẽ tổ chức kiểm tra.

Nếu điểm học sinh đạt, đủ năng lực học sẽ được chuyển tổ hợp. Nếu điểm học sinh quá thấp, nhà trường sẽ động viên các em tiếp tục học theo tổ hợp cũ.

Tại Trường Trung học phổ thông Trần Cao Vân, trong 3 tuần đầu khi vào năm học mới, học sinh khối 10 có quyền lợi lựa chọn và thay đổi các môn học tự chọn nếu trong quá trình học tập cảm thấy không phù hợp. Việc này cho phép học sinh thay đổi nguyện vọng đã chọn từ trước để không ảnh hướng đến kết quả tổng kết cuối kỳ.

Cùng đưa ra lời khuyên về vấn đề chọn tổ hợp cho học sinh, cô Trần Huyền cho biết, chương trình giáo dục phổ thông 2018 là giáo dục phổ thông toàn diện đến lớp 9, tới lớp 10 là phân hóa nghề nghiệp. Để chọn nghề, phụ huynh và học sinh cần dựa vào các yếu tố năng lực, sở thích của học sinh và nhu cầu xã hội.

“Bên cạnh đó, học sinh cần nghiên cứu phương thức tuyển sinh của các trường đại học mình muốn lựa chọn để từ đó chọn môn học phù hợp.

Thông thường, nếu sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển, các trường tốp đầu và tốp giữa sẽ tuyển các khối, tổ hợp truyền thống như A, A1, B00, C, D01 đến D08”, cô Trần Huyền nhấn mạnh.

Bích Ngọc

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chon-to-hop-mon-khong-de-vi-hoc-sinh-chua-co-dinh-huong-nghe-nghiep-ro-rang-post244553.gd