Chọn về với gia đình thay vì đi chơi dịp lễ 30/4-1/5

Trước 30/4, Minh Ngọc cùng bạn đi du lịch Huế để tránh đông đúc nên kỳ nghỉ lễ 4 ngày sắp tới, cô quyết định về thăm gia đình.

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 hàng năm, Minh Ngọc (25 tuổi), nhân viên công ty truyền thông tại TP.HCM, không đi du lịch vì sợ đông đúc và chi phí cao. Cô thường xin nghỉ phép đi chơi trước đó khoảng một tháng và tận dụng kỳ nghỉ dài ngày để về thăm bố mẹ ở Hà Nội.

“Từ đầu tháng 4, giá vé máy bay đã đắt đỏ. Mình phải canh vé sát ngày về xem có hạ nhiệt chút nào không. Hôm 25/4, mình mua thì giá vé đều là 1,8-3,2 triệu đồng một chiều nên đành chọn mức 1,8 triệu đồng để kịp lịch trình. Mình quyết định về ngày 27/4, trước lễ ít hôm với hy vọng bớt đông hơn. Tuy nhiên, đợt này nhu cầu du lịch, di chuyển cao nên mình nghĩ không khá hơn là bao”, Ngọc nói với Zing.

 Thay vì đi chơi, nhiều bạn trẻ quyết định về thăm nhà dịp lễ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Thay vì đi chơi, nhiều bạn trẻ quyết định về thăm nhà dịp lễ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ngọc cho hay nếu không về quê trong kỳ nghỉ, cô thường ở lại làm việc xuyên lễ do đặc thù công việc.

Xa nhà khá lâu và bố mẹ mong nên cô gái 25 tuổi cảm thấy vui xen lẫn háo hức khi được về năm nay.

Ngọc vẫn duy trì làm việc và học online trong lễ nên không có kỳ nghỉ trọn vẹn. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy nên cô đã quen.

Nếu có thời gian rảnh, Ngọc cho biết sẽ hẹn bạn đi dạo phố, ngồi cà phê hoặc ghé thăm đường sách. Cô cho rằng nhiều người rời Hà Nội về quê nghỉ lễ nên đường phố sẽ bớt đông đúc hơn.

Không đi du lịch vì đắt đỏ

Vì dịch Covid-19 mà dịp nghỉ lễ 30/4 hai năm nay, Vũ Thảo (28 tuổi), nhân viên ngân hàng tại Hà Nội, không thể về quê Yên Bái thăm gia đình. Cả năm, cô chỉ về vào dịp Tết Nguyên đán.

“Năm nay được nghỉ lễ 4 ngày, quê cũng xa, cách Hà Nội hơn 200 km, nên mình muốn tận dụng thời gian này để về thăm ông bà, bố mẹ và cháu nhỏ. Một phần do công việc áp lực và căng thẳng, mình muốn về bên người thân để cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn”, cô nói.

Vào kỳ nghỉ lễ các năm trước, Thảo đều đi du lịch cùng bạn bè. Khi bố mẹ hỏi và biết con gái không về, hai người khá buồn. Tuy nhiên, còn trẻ và ham chơi, Thảo nghĩ gọi điện về là được.

“Càng lớn, mình càng muốn ở gần bố mẹ nhiều hơn nhưng áp lực và làm việc gần như kín tuần nên không có dịp nào để về. Mình cũng sắp lập gia đình nên tự thấy không còn nhiều thời gian ở nhà nữa”.

Thảo thường về quê bằng xe khách. Những dịp lễ, cô phải đặt vé trước 7-10 ngày để giữ chỗ. Công việc không cho phép nghỉ sớm nên Thảo chỉ có thể tiết kiệm thời gian bằng cách về chuyến xe muộn của ngày 29/4 để chơi được lâu hơn.

Nếu không về với gia đình, Thảo sẽ dành thời gian nghỉ lễ để thư giãn, ngủ bù và đi cà phê, tâm sự cùng bạn bè. Cô không chọn đi du lịch như trước kia vì sợ cảnh chen chúc đông người, vé máy bay cũng như dịch vụ đều đắt đỏ.

Thảo thấy may mắn hơn nhiều bạn bè vì sẽ được nghỉ ngơi hoàn toàn, không phải chạy deadline hay mang việc về nhà trong 4 ngày nghỉ lễ.

 Không du lịch hay ở lại Hà Nội như các dịp nghỉ lễ 30/4 trước, Vũ Thảo về quê thăm gia đình dù khoảng cách xa xôi, đi lại đông đúc.

Không du lịch hay ở lại Hà Nội như các dịp nghỉ lễ 30/4 trước, Vũ Thảo về quê thăm gia đình dù khoảng cách xa xôi, đi lại đông đúc.

Cái Tết thứ hai

Gần như chưa có dịp 30/4 năm nào mà Phương Thảo (27 tuổi, Nam Định), nhân viên công ty công nghệ ở Hà Nội, không có mặt ở nhà.

“Với đại gia đình mình, kỳ nghỉ 30/4 giống như cái Tết thứ hai. Con, cháu học tập, làm việc xa nhà đều sắp xếp để về thăm ông bà, cha mẹ, họ hàng. Mọi người quan niệm chỉ có dịp này về mới có thể gặp mặt đông đủ”, cô lý giải.

Bên cạnh đó, em gái Thảo sinh nhật hôm 30/4 nên năm nào bố mẹ cô cũng làm cỗ mời gia đình hai bên nội, ngoại tới chơi.

Mọi năm, khi về quê dịp lễ, Thảo thường đi xe khách hoặc nhờ xe chú, bác. Gần đây, khi chuyển ra sống xa người thân tại Hà Nội, cô chủ động xe cộ để thuận tiện hơn.

Thảo dự định đặt vé xe 16 chỗ thay vì ra bến xe chen chúc. Tùy công việc, cô có thể xin sếp về từ 29/4 để tránh đông. “Mình từng trải qua những lần chèn ép trên xe khách hoặc đứng suốt quãng đường 120 km. Tuy vậy, mình nghĩ chịu đựng khoảng 3 tiếng nhưng có 4 ngày ở nhà là vẫn thấy vui vẻ”.

 Đại gia đình của Phương Thảo coi dịp lễ 30/4 là cơ hội gặp gỡ, tụ tập đông đủ.

Đại gia đình của Phương Thảo coi dịp lễ 30/4 là cơ hội gặp gỡ, tụ tập đông đủ.

Kỳ nghỉ lễ năm nay, Thảo sẽ đi chơi, thăm ông bà hoặc đơn giản ở nhà với bố mẹ và em gái. Cô hy vọng có kỳ nghỉ trọn vẹn, không phát sinh công việc.

Theo Thảo, đi du lịch dịp nghỉ lễ có nhược điểm là vé máy bay đắt đỏ và đông đúc. Với cô, đó không phải nghỉ dưỡng mà giống như bon chen.

“Mỗi năm, mình về quê khoảng 3-4 lần dù khoảng cách chỉ là 120 km. Năm nay, mình tính về nhiều hơn mà không biết có thể làm được không. Sống xa nhà hơn 10 năm càng giúp mình nhận ra giá trị của tình thân và luôn trân trọng gia đình”, cô nói.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chon-ve-voi-gia-dinh-thay-vi-di-choi-dip-le-304-15-post1312268.html