Chốn xưa
1.Cánh cổng lâu ngày không mở, ổ khóa ngủ im với mấy cái lá sấu bị gió giắt lên. Cây sấu già đã rụng lá suốt mấy tháng qua, lá khô ken dày trong cái sân gạch. Lối nhỏ đi vào nhà cỏ đã chườm ra, vô tư bò ngang dọc.
Đứng trước ngôi nhà, Khả cảm thấy một niềm háo hức dịu dàng. Ngôi nhà cũ của bố mẹ đẻ Khả, nơi cô được sinh ra, lớn lên và hạnh phúc cùng khổ đau với mối tình đầu.
Tay run run, Khả chạm khẽ vào cánh cửa. Nó không khóa.
“Méo oèo!”
Tiếng mèo kêu ré lên, trước khi Khả kịp định thần, hai con mèo, một khoang đen trắng, một tam thể từ trong nhà chạy vụt ra. Con tam thể còn đâm sầm vào chân Khả, khiến cô chới với, không nhanh tay bấu chặt vào cánh cửa thì ngã ngửa ra đằng sau. Trong nháy mắt, chúng biến vào đám cỏ rậm rạp trong vườn.
Khả bước vào trong nhà. Cảm giác chộn rộn. Dường như không phải đã lâu rồi không có người ở. Thậm chí hai con mèo cũng không phải từ ngoài lẻn vào qua một lỗ hổng nào đó. Một cái áo cũ, không biết của nam hay nữ vắt trên thành ghế. Hai cái bát sứ và một bát tô nước đặt thành hàng sát tường, là thức ăn và nước uống của mèo. Chắc cô cháu họ, người mà gia đình Khả nhờ thi thoảng đáo qua trông nom đã ở đây.
Thư giãn một lúc, Khả đặt cái túi vải xuống ghế, mở các cánh cửa sau nhà. Một lối nhỏ men từ ngoài góc vườn vào. Không phải lối người ta ra thăm vườn, vẻ như thường xuyên có người đi lại.
Đêm, Khả nằm trên chiếc ghế dài trong phòng khách. Khắp người đau ê ẩm. Khả đã dành suốt buổi chiều đầu tiên trở về để dọn dẹp, quét dọn đám lá sấu rụng trong sân, vặt cỏ ở lối đi, lau rửa đám dụng cụ nhà bếp cáu bẩn.
Không ngủ được, Khả nằm nghe gió vườn xào xạc. Hai con mèo bỏ chạy lúc trưa, nay trở về ngồi trước cửa kêu eo éo đòi vào. Khả rất ghét mèo. Điều này trái ngược hoàn toàn với Đức, mối tình đầu và là người chồng cũ của cô.
Đức bây giờ ra sao? Đã nhiều năm rồi Khả không gặp lại, chỉ mơ hồ đâu đó anh lấy vợ và sinh sống ở vùng giáp biên. Thật ra Khả cố ý không tiếp cận những nguồn tin về Đức.
Đêm càng khuya, tiếng kêu gào của hai con mèo càng to. Ngồi một chỗ kêu chán, chúng chạy quanh quanh sùng sục tìm lối vào. Rõ ràng, chúng kêu không phải vì đói, bởi Khả đã mang ba cái bát thức ăn và nước uống của chúng ra ngoài sân. Chỉ có thể chúng đã quen với việc ngủ trong nhà.
Giấc ngủ không về trong cái đêm đầu tiên nhiều xúc cảm, vừa hạnh phúc, vừa sợ hãi. Ngôi nhà này đã thay đổi đôi ba lần kể từ ngày Khả đi xa. Khả đã chèn kỹ các cánh cửa, chỉ sợ đêm nay kẻ kia lại mò đến, lại còn phải để đèn sáng cả đêm, để hắn biết có chủ nhà đang ở đó.
Sáng sớm, Khả mở cổng, hy vọng ai đó ghé chơi, rồi ngồi trên hiên nhìn bầy chim sâu đang chuyền cành tìm kiếm thức ăn trên các cành na, cành bưởi trong vườn. Cánh cửa cổng bỗng động nhẹ, một mái đầu bạc trắng ló vào.
“Chào ông! Ông tìm ai đấy ạ?”.
Khả cất tiếng chào. Nhưng ông già không trả lời. Thậm chí ông ấy còn dường như không nghe thấy, không nhìn thấy Khả.
Ông già đứng ngoài cổng ngó vào trong sân một lát, rồi bỏ đi. Ông đi rồi, Khả vẫn bần thần. Có điều gì đó giống như cảm xúc xao xuyến đầu đời mỗi khi thấy Đức đứng giữa sân ngắm cây sấu ngày mới trao nhận lời yêu nhau.
Một người phụ nữ hé cánh cổng bước vào. Bà ta trung tuổi, áo lao động thẫm màu, chân quấn xà cạp, có lẽ đang chuẩn bị ra đồng. Đó là người cháu họ mà gia đình Khả vẫn nhờ quét dọn trông nom ngôi nhà cùng sân vườn. Nhưng có vẻ đã lâu chị ta không làm việc đó.
“Chết chửa! Cô về lúc nào đấy? Sao không bảo cháu ra đón? Sao không bảo cháu nấu cơm? Thế cô đã ăn gì chưa?”.
Khả không trả lời, mà hỏi lại: “Chị có thấy ông già vừa nãy không? Ai thế?”.
Người phụ nữ ngẩn người nhìn Khả. Một lát, bà ta thẽ thọt:
“Cô không nhận ra ông ấy thật ư? Ông Đức đấy mà”.
Tim Khả thắt lại. Đức ư? Là Đức thật sao? Làm sao anh ấy có thể già đến vậy? Làm sao anh ấy có thể đã đãng trí đến mức không nhận ra Khả khi hai người đứng trước mặt nhau như thế?
2. Mười sáu tuổi, Khả về làm dâu nhà Đức.
Đức có anh trai đi bộ đội đã hy sinh, nhưng chiến tranh ngày một khốc liệt, anh làm đơn tình nguyện ra chiến trường. Biết Đức quyết đi bộ đội, Khả khóc:
“Chúng mình cưới nhau đi! Em sẽ nguyện chờ anh trở về”.
“Nhưng bao giờ hết chiến tranh anh mới về”.
“Bao giờ cũng được. Em đợi anh”.
Đức ấp mái đầu thanh xuân của người yêu vào ngực. Là hàng xóm, lớn lên bên nhau, từ lâu anh và Khả đã âm thầm yêu thương nhau. Lẽ ra đám cưới sẽ tổ chức vào cuối năm, nhưng tình hình gấp gáp quá. Nơi nơi thanh niên trai tráng hò nhau ra chiến trường, anh khỏe mạnh, lành lặn, không thể vì đã có anh trai hy sinh mà ở nhà được.
Đêm tân hôn, Khả nằm giữa hai cô bạn thân, thao thức. Ngoài sân, Đức cùng mấy thanh niên làng ngồi quây bên đống lửa. Bốn giờ sáng anh sẽ lên đường, không biết có khi nào trở lại.
Nước mắt Khả ướt đẫm hai bên thái dương.
“Mình lên đường thôi anh. Lỡ không may nhỡ đò”.
Khả quàng cái khăn bông nâu lên cổ Đức, nhìn anh thúc giục. Mấy thanh niên đến uống chè xanh tiễn Đức, người còn thức hút thuốc lào, người đã gục đầu ngủ gật. Sương xuống lạnh, Khả nắm tay chồng băng ra ngõ. Không biết là đã mấy giờ sáng. Không gian tĩnh lặng và lạnh lẽo, chỉ bước chân gấp gáp của hai người trên ngõ xóm. Đám chó nghe động sủa váng thách thức và dọa dẫm. Chỉ còn một chặng nữa là đến bến đò. Nơi người ta đón lính mới sang sông đến điểm tập trung vào chiến trường.
Cái khóm tre bên sông đã ở ngay trước mặt. Ngày nào đi làm đồng qua khóm tre Khả cũng không dám dừng lại, vì sợ ma. Người làng bảo có nhiều xác chết trôi từ thượng nguồn qua khúc sông này thường mắc lại ở gốc tre ấy. Thế mà, lúc này, đến đó, đang bước vội, Khả bất ngờ đứng sựng lại, ôm chầm lấy chồng. Một giây bối rối, Đức như sực tỉnh, cũng ôm nghiến vợ, hôn lịm đôi môi khao khát của Khả.
Bờ tre kẽo kẹt đu với gió. Một đốm sáng vàng vọt chập chờn tiến tới. Đức vội buông vợ ra, ngơ ngác.
“Tao định ra bến sông tiễn mày”.
Người cầm đèn đi đến nói. Khả xấu hổ quay mặt đi, cài lại khuy áo vừa bung dưới những ngón tay mạnh mẽ của Đức. Là Thịnh, người thợ may của làng. Thịnh đã ngồi bên Đức từ chập tối đám cưới, cho đến khi ngủ gật bên bếp lửa.
3. “Cô định ở lại đây lâu không?”. - Người phụ nữ ban sáng đặt mấy cái túi lên bàn bếp, túi đựng vài cân gạo, lạng thịt, túi mớ rau mà có lẽ chị ta đã nhanh chân ra cái chợ cóc đầu làng mua về cho Khả.
“Chị nuôi hai con mèo này phải không?”.
Khả xoay hướng sang hai con mèo.
“Không. Cháu nào có biết. Cháu có ở đây đâu, chỉ chạy qua dọn dẹp thôi mà”.
Hai con mèo đã có vẻ hiển nhiên tự coi mình là thành viên trong ngôi nhà. Chúng him mắt nằm khoanh tròn trên cái ghế dài ở gian giữa.
Đêm, hai con mèo lại lồng lộn chạy quanh nhà đòi và tìm lối vào. Khả nằm trên chiếc giường đã được người cháu họ dọn dẹp lúc sáng. Tiếng mèo gào dữ dội và thê thiết hơn đêm trước. Có vẻ chúng muốn quyết liệt đấu tranh với Khả. Và chủ của chúng chắc hẳn đã lẻn vào nhà qua lối cũ, đang đứng trong bóng tối khu vườn nhìn cô.
… Khả đã có cảm giác ánh mắt Thịnh thiêu đốt trên thân thể mỗi khi cô buộc phải đi qua gian chính vào buồng hay xuống bếp. Thịnh xếp những miếng vải nâu đã cắt rời theo mẫu của mẹ, chị dâu cùng ba cô cậu em chồng của Khả và bắt đầu kim chỉ. Cả làng Mỹ Thôn chỉ có nhà Thịnh làm thợ may. Thịnh có bàn tay mềm mại, những ngón tay thon dài, trắng xanh, khi khâu áo quần cho khách, những ngón tay cong lên, yểu điệu như một con chim hạc đang tung cánh. Năm nào cũng thế, đến tháng mười âm lịch, khi lúa ngoài đồng đã cất kho, một vụ dệt vải, nhuộm nâu của phụ nữ trong vùng đã xong, bốn cha con anh em nhà Thịnh lại vác bồ đựng đồ nghề lên đường. Họ tản đến các làng trong vùng cắt may.
Mỗi lần cắt quần áo cho khách, Thịnh thường không phải dùng đến dây đo, chỉ cần đứng nhìn ước chừng một lúc, là may áo cho các chị, các bà rộng vừa như ý. Các cô gái trẻ thường thích mặc những chiếc áo ôm sát, lộ những đường cong mềm mại, và Thịnh chẳng bao giờ khiến các cô thất vọng. Nên bao giờ đến vụ, Thịnh cũng phải may xong áo cho người làng rồi mới đi làng khác. Năm trước, một tai nạn bất ngờ làm cho Thịnh bị tật ở chân trái, thành ra không tham gia tòng quân như Đức được.
Đã năm năm về làm dâu nhà Đức, năm vụ trồng bông, thu bông, dệt vải, nhuộm nâu, chưa một năm nào Khả được may áo mới. Trước khi gọi Thịnh đến may áo, mẹ chồng lại an ủi Khả: “Mẹ chả mấy mà xuống lỗ, mặc mới tí cho mát mặt chị em mày. Chị dâu mày thiệt thòi, chồng chết, con dại, khổ lắm…”.
Khả không nói gì, quanh năm mặc lại những cái áo nâu sớm bạc thếch do nhuộm vụng của chị dâu.
Mùa bông chín, Khả cùng đám đàn bà con gái trong làng đi hái bông, lọc hạt, se sợi dệt vải. Vải dệt xong rồi, đến phiên chợ thì đi mua củ nâu về giã lọc lấy nước ngâm nhuộm. Qua ngày sau vớt ra phơi trong nắng to, được những tấm vải nâu. Mẹ chồng Khả thích màu đen, cô phải lấy bùn từ ao về lọc sạch đá sỏi, chỉ còn nước bùn mịn quánh, rồi ngâm vải nâu vào đó, hôm sau vớt ra giặt sạch phơi khô. Trong suốt những ngày nhuộm vải, những người phụ nữ trong làng không được nghỉ ngơi, lúc nào cũng quần quật phơi phóng để có được tấm vải nâu, đen đều đẹp nhất.
Vải bông thô, nhuộm nâu cứng quèo, giặt nhiều sẽ mềm hơn, nhưng màu nâu lại nhanh phai. Nhà chồng đông người, Khả quần quật dệt vải, nhuộm vải suốt mùa, từ tinh sương, đêm xuống sâu mới được đi nằm.
Năm thứ hai Khả về làm dâu, trồng bông, dệt vải, lúc Thịnh trả áo cho chủ nhà, thừa ra một cái áo nâu cổ lá trầu. Thịnh bảo vải thừa nên tận dụng may thêm một cái áo tặng lại. Nhưng không ai mặc vừa áo, trừ Khả.
Năm thứ ba, lại thừa một áo.
Năm thứ tư, vẫn chỉ có Khả mặc vừa cái áo thừa ra ấy.
Mẹ chồng lườm nguýt: “Chả lẽ nó cố tình cắt áo của tôi chật, để may áo cho cô?”.
Khả không nói gì, đem cả ba cái áo xuống bếp châm lửa đốt.
“Năm nay nếu có thừa vải, anh đừng có may thêm cái áo nào nữa. Cứ để vải thừa đó cho tôi”. Khả đi qua chỗ Thịnh ngồi may áo, buông một câu lạnh lùng. Thịnh không nói gì. Khả đi rồi, Thịnh kín đáo chấm ngón tay trỏ xuống ống quần, nơi cái chân què. Một giọt máu nhỏ xíu thấm lên vải, tròn xoe.
Tin Đức hy sinh báo về. Làng tổ chức lễ truy điệu cho anh và một số chiến sĩ đã hy sinh khác. Khả không khóc. Mẹ chồng bảo: “Cô có yêu thương gì con trai tôi đâu. Nó chết mà cô không thèm rơi lấy một giọt nước mắt gọi là”.
Đêm làng tổ chức truy điệu cho Đức, Khả nằm giữa hai cô bạn thân, mà một cô áo vẫn vương mùi sữa và nước tè của con trẻ. Năm năm trước, vào đêm tân hôn của Khả, bao nhiêu khao khát thiếu nữ cuối cùng lại ở bên hai cô bạn gái mà áo họ vẫn tỏa mùi thơm của rạ rơm đồng đất. Làng có lệ, các bạn thân nhất của cô dâu sẽ được ngủ cùng cô dâu trong căn buồng tân hôn ba đêm. Có lẽ người làng đã quen với lệ xưa, chả lấy gì làm lạ. Nhưng Khả làm gì có đêm thứ hai, đêm thứ ba, khi chúng thực sự chẳng biết khi nào mới tới. Khả chỉ có một đêm ở bên chồng.
Những người bạn thân cũng sẽ đến ngủ chung vài ngày đầu khi bạn họ có chồng qua đời.
Khả khóc. Nước mắt lăn ướt hai bên thái dương. Hai cô bạn thân ngủ say như bí. Một ngày dài vất vả của họ đã qua, một ngày dài vất vả khác đang đợi họ.
4. Dường như có tiếng chân bước trên thềm gạch.
“Ai đấy?”.
Không tiếng trả lời. Hai con mèo dường như đã được ôm ấp, cưng nựng, chúng chuyển tiếng gào khèn khẹt sang điệu gừ gừ ve vuốt.
Một tiếng gõ cửa nhẹ. Khả đứng giữa nhà, tay cầm cái gậy tre đã chuẩn bị từ trước.
“Cháo…cháo chào…”.
Một thằng bé cỡ mười ba, mười bốn đứng trước Khả.
“Đêm hôm khuya khoắt cháu vào đây làm gì?”, Khả gắt.
“Ông cháo muốn ngủ với bọn nó. Ông cháo hai hôm không ngủ được”.
Khả lặng người trước lời đề nghị của thằng bé. Sau lưng nó, ông già hôm trước đang cúi đầu rầm rì với hai con mèo.
…Gói chặt mấy bộ quần áo cũ vào cái túi vải, Khả nhẹ kéo cái cành tre dấp vào cổng rồi vội vã men con đường nhỏ ra bến sông. Bốn giờ sáng, sao treo đầy trời, gà gáy eo óc khắp xóm, bầy chó đua nhau sủa tang tang.
Cũng tầm 4 giờ sáng của bảy năm trước, Khả đã kéo tay Đức đi như chạy ra bến đò. Bụi tre vẫn đứng đó rì rào. Dòng sông vẫn âm thầm chảy.
“Chồng chết chưa đến ba năm mà đã hủ hóa, chửa hoang. Mày cút đi cho tao nhờ!”.
Mẹ chồng chì chiết đến lần thứ ba, Khả gói khăn áo sang sông.
Đứng bần thần bên gốc tre, nỗi nhớ thương Đức cồn cào gan ruột Khả. Đêm tĩnh lặng như một lời giã biệt. Khả khóc.
Bờ tre kẽo kẹt đu với gió. Một đốm sáng vàng vọt chập chờn tiến tới.
“Khả. Khả về với tôi. Tội gì phải chết!”.
Người cầm đèn đi tới nói.
“Tôi không chết. Tôi đi khỏi cái làng này. Anh không xứng!”.
Khả hất bàn tay mềm mại đang níu tay Khả giữ lại kia. Cái đèn văng ra xa, lửa cháy bùng lên từ đám dầu loang đổ, rồi chưa kịp tỏ mặt người đã rất nhanh tắt ngúm.
Khả đi tháng trước, tháng sau Đức trở về làng. Nghe tin về người vợ trẻ mà anh chưa một lần được chung chăn gối, Đức không nói lời nào. Ngày lên đường đi biên giới, qua em gái Khả, anh nhắn: “Dù sao, anh cũng đã chết rồi”.
Bây giờ Đức đang nằm kia, ôm hai con mèo, trong ngôi nhà cũ của gia đình Khả. Làm sao Đức có thể trở nên già nua đến vậy? Làm sao anh có thể mộng du hết ngày này qua ngày khác, hết năm này qua năm khác? Anh không còn nhận ra Khả, hay anh cố tình quên cô?
Đêm chuyển dần về sáng, ông cụ vẫn say sưa ngủ. Khu vườn xào xạc. Khả khẽ khàng đến bên, chạm tay vào mái tóc bạc trắng, làn da mồi nhăn nhúm của Đức. Hai con mèo nhỏm dậy, lặng lẽ chuồn ra ngoài.
Sáng hôm ấy, từ ngoài cổng đi vào, người cháu họ xa của Khả suýt bổ ngửa vì kinh ngạc. Toàn bộ sân, vườn, những cánh cửa và các bức tường phủ đầy những con bướm ngài, loài bướm sinh ra từ một lứa sâu tằm nhả kén. Đã lâu rồi làng không còn trồng bông dệt vải, và cũng chẳng ai trồng dâu nuôi tằm, sao chúng lại sinh ra nhiều đến thế…
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-nghe/chon-xua/25039.htm