Chống biến đổi khí hậu nhờ bộ chỉ số đánh giá, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo

Việc quy định chi tiết về bộ chỉ số và quy trình đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ tài nguyên biển, hải đảo của Việt Nam, đảm bảo chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Các địa phương và người dân thể hiện vai trò của mình trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Internet.

Các địa phương và người dân thể hiện vai trò của mình trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Internet.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Thông tư số 52/2024/TT-BTNMT áp dụng cho các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển. Với mục tiêu tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường biển, Thông tư này cung cấp một khung pháp lý cụ thể, rõ ràng, bao gồm các quy định về giải thích thuật ngữ, cấu trúc bộ chỉ số, cách thức đánh giá, và quy trình thực hiện. Bộ chỉ số đánh giá được thiết kế khoa học, phản ánh rõ nét hai khía cạnh quan trọng: kết quả thực hiện mục tiêu kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường biển.

Nhóm chỉ số thứ nhất tập trung vào việc đo lường kết quả đạt được trong quản lý nhà nước, bảo vệ chất lượng môi trường và bảo tồn hệ sinh thái biển. Trong đó, năng lực quản lý nhà nước được đánh giá thông qua các tiêu chí như hiệu quả triển khai các chương trình tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và mức độ thực thi các quy định pháp luật. Đồng thời, các yếu tố về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát ô nhiễm cũng được xem xét. Chỉ số bảo vệ chất lượng môi trường biển và hải đảo bao gồm tỷ lệ nước thải được xử lý đạt quy chuẩn, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải nguy hại, cũng như khả năng ứng phó các sự cố môi trường nghiêm trọng. Việc bảo tồn hệ sinh thái biển được đánh giá thông qua các tiêu chí như diện tích rừng ngập mặn được trồng mới, tỷ lệ các khu bảo tồn biển được thành lập và quản lý hiệu quả, cùng với việc xử lý ô nhiễm tại các khu vực ven biển.

Nhóm chỉ số thứ hai hướng tới đo lường sự hài lòng của người dân về chất lượng môi trường biển và hải đảo. Các tiêu chí trong nhóm này bao gồm cảm nhận của người dân về chất lượng nước biển, hệ sinh thái ven biển và mức độ tham gia của họ trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Đây là một chỉ số đặc biệt quan trọng, phản ánh mức độ gắn bó của người dân với môi trường biển cũng như sự hiệu quả của các chính sách quản lý từ phía nhà nước. Dữ liệu để tính toán chỉ số này được thu thập thông qua các cuộc khảo sát xã hội học tại địa phương.

Việc đánh giá được thực hiện dựa trên thang điểm Chỉ số kiểm soát ô nhiễm môi trường biển (MEPCI) với tổng điểm tối đa là 100. Trong đó, nhóm chỉ số đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu kiểm soát ô nhiễm chiếm 70 điểm, còn nhóm chỉ số về mức độ hài lòng của người dân chiếm 30 điểm. Các địa phương sẽ tự thực hiện đánh giá, tổng hợp kết quả và báo cáo lên Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/01 hàng năm.

Quy trình đánh giá được quy định chặt chẽ, bao gồm ba bước chính: tự đánh giá của các cơ quan có liên quan, thực hiện điều tra xã hội học để đo lường mức độ hài lòng của người dân, và lập hồ sơ đánh giá kết quả. Sau khi hoàn thiện, các báo cáo này sẽ được phê duyệt bởi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố công khai trước ngày 15/3 hàng năm trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các cơ quan liên quan.

Với việc ban hành Thông tư số 52/2024/TT-BTNMT, từ ngày 14/02/2025, các quy định trước đây về đánh giá kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo sẽ được thay thế toàn bộ. Để đảm bảo việc thực hiện Thông tư một cách đồng bộ và hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương trong công tác hướng dẫn, kiểm tra và giám sát.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia về môi trường, bộ chỉ số đánh giá và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo mới không chỉ giúp chuẩn hóa hoạt động đánh giá và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển mà còn là bước đệm để xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho hệ sinh thái biển và hải đảo. Đây cũng là cơ hội để các địa phương và người dân thể hiện vai trò của mình trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và hướng tới một tương lai xanh và bền vững cho các vùng biển của Việt Nam.

Thùy Linh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chong-bien-doi-khi-hau-nho-bo-chi-so-danh-gia-kiem-soat-o-nhiem-moi-truong-bien-va-hai-dao.html