Chống biến đổi khí hậu tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế
Tình trạng trái đất nóng lên đang được nhận định là nguyên nhân dẫn đến việc những cơn bão tăng cấp. Với việc ngày càng có thêm những kỷ lục về cường độ và tần suất của bão, kinh tế toàn cầu sẽ chịu nhiều tác động nghiêm trọng.
Bão tăng cấp thần tốc
Những ngày gần đây, truyền thông quốc tế đăng tải nhiều bài viết với nội dung bao trùm là lo ngại về sự gia tăng cường độ và tần suất của những cơn bão. Trong đó cùng nêu bật rằng, biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính tạo nên những kỷ lục mới về bão.
Vừa qua, Yagi là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ 2 thế giới trong năm 2024, chỉ sau bão Đại Tây Dương Beryl. Được biết, ngày 6/9, khi bão Yagi đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), nó đã mạnh hơn gấp đôi kể từ khi rời miền Bắc Philippines 2 ngày trước đó. Khi bão Yagi trên đường tiến vào đất liền Việt Nam, nó đã tăng cấp rất nhanh và không theo quy luật.
Sau bão Yagi, bão Francine càn quét bang Louisiana, Mỹ vào ngày 11/9 với sức gió khoảng 160km/giờ. Thành phố New Orleans đã ghi nhận lượng mưa chỉ trong 1 ngày lớn tương đương 1 tháng. Theo truyền thông Mỹ, ban đầu, các nhà dự báo khí tượng nhận định, bão Francine là bão cấp 1. Tuy nhiên, cơn bão đã nhanh chóng tăng cấp lên bão số 2 ngay trước khi đổ bộ vào đất liền. Francine đã tăng tốc độ thêm 56km/giờ chỉ trong 1 ngày.
Theo nhận định từ giới chuyên gia khí tượng học, các cơn bão tăng cấp thần tốc sẽ phổ biến hơn trong tương lai, nguyên nhân do khủng hoảng khí hậu. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ tăng cấp của bão ngày nay cao hơn 30% so với thập niên 90 của thế kỷ trước.
Theo các nhà khí tượng học của Mỹ, năm 2022, bão Ian từng tăng cấp nhanh chóng và bất ngờ lên cấp 5 ngay trước khi đổ bộ vào bang Florida, Mỹ khiến 149 người thiệt mạng. Kể từ năm 1970, số cơn bão tăng cấp lên bão số 4, hoặc số 5 với sức gió trên 210km/giờ đã tăng gấp đôi tại Bắc Đại Tây Dương.
Theo lý giải từ giới chuyên gia, một phần nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng này là do khí nhà kính giam nhiệt độ trong không khí, dẫn đến nhiệt độ tăng kỷ lục trên đại dương. Việc nhiệt độ trên đại dương ấm hơn cũng góp phần khiến các cơn bão nhiệt đới tăng cấp nhanh chóng. Các cơn bão hút năng lượng từ đại dương và chuyển thành gió mạnh. Để bão phát triển, nhiệt độ nước thường ở mức 26,5 độ C trở lên. Nhiệt độ nước càng cao thì càng có nhiều năng lượng để tăng cường cơn bão.
Theo giới chuyên gia, Trung tâm Bão quốc gia Mỹ sử dụng các mẫu dự đoán thời tiết tiên tiến bậc nhất thế giới, nhưng cũng không thể luôn phát hiện được sự thay đổi vào phút cuối của bão.
Còn theo giới chuyên gia kinh tế, những cơn bão là một trong những nguyên nhân quan trọng đe dọa đến nền kinh tế toàn cầu, góp phần làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng, gây nguy hiểm cho tiến trình hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Mặc dù một số nền kinh tế đã thể hiện khả năng phục hồi đáng chú ý, nhưng căng thẳng địa chính trị âm ỉ cũng như cường độ và tần suất ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan đã làm trầm trọng thêm những rủi ro tiềm ẩn với kinh tế toàn cầu.
Trầm trọng thêm rủi ro tiềm ẩn
Theo giới chuyên gia, tác động của biến đổi khí hậu đang lan rộng. Đó là các đợt nắng nóng và cháy rừng gây ảnh hưởng ở châu Âu; lụt thảm khốc ở Bangladesh... Dễ thấy, thiên tai đánh trực diện vào nền kinh tế. Các quốc gia chịu thiệt hại từ thiên tai đều đối diện với giảm tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bởi tổn thất lớn về cơ sở hạ tầng, hoạt động nông nghiệp và sinh kế của người dân.
Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lâu dài và lớn nhất đối với nền kinh tế, cũng như tương lai của toàn cầu. Tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re cho biết, nếu thế giới không đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, toàn cầu có thể mất đi 23.000 tỷ USD sản lượng kinh tế.
Một lẽ tất yếu, khi nhiệt độ toàn cầu tăng, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xảy ra thường xuyên hơn và có mức độ nghiêm trọng cũng ngày càng lớn hơn. Tổ chức từ thiện Christian Aid của Anh cho biết, 10 hiện tượng thời tiết cực đoan nhất năm 2021 gây thiệt hại tổng cộng 170 tỷ USD. Truyền thông quốc tế dẫn các báo cáo ước tính, khu vực Nam Á có thể mất từ 10% đến 18% GDP do thiên tai, cao gấp 10 lần so với châu Âu. Dự báo ảm đạm cho thấy, tổn thất kinh tế do biến đổi khí hậu sẽ tăng lên theo thời gian. Giới chuyên gia cùng chung khẳng định rằng, tác động kinh tế của biến đổi khí hậu là rất lớn, nhưng thế giới vẫn còn cơ hội để xoay chuyển tình thế và ngăn chặn những kịch bản tồi tệ nhất.
Trong một báo cáo của tổ chức kiểm toán Deloitte, việc đáp ứng các mục tiêu về khí hậu có thể tăng quy mô của kinh tế thế giới thêm 43.000 tỷ USD vào năm 2070. Đây là một minh họa về lợi ích kinh tế của việc đầu tư vào giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Các báo cáo nghiên cứu cũng nhận định rằng, để hạn chế tốc độ nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tổng lượng phát thải khí nhà kính (GHG) sẽ cần phải giảm khoảng 43% vào năm 2030. Đặc biệt, giới chuyên gia khẳng định, việc giảm thiểu biến đổi khí hậu có ý nghĩa sống còn đối với nhân loại và có chi phí thấp hơn nhiều so với việc khắc phục hậu quả. Nhiệm vụ này cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Trong đó, không thể chỉ dựa vào nỗ lực của chính phủ, mà doanh nghiệp cũng là động lực tạo ra sự thay đổi tích cực trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ròng bằng 0.
Để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu, các công ty sẽ cần phải xử lý lượng khí thải. Việc thích ứng với những thách thức do biến đổi khí hậu đặt ra thông qua các chiến lược mạnh mẽ về môi trường, xã hội và quản trị có khả năng giúp các doanh nghiệp trở nên kiên cường hơn và thu lợi nhuận cao hơn trong dài hạn.
Giải quyết những thách thức biến đổi khí hậu tuy là công việc khó khăn, nhưng nếu xác định tốt những chiến lược và giải pháp phù hợp, thế giới hoàn toàn có thể ứng phó với thiên tai hiệu quả hơn rất nhiều, giảm thiểu đáng kể thiệt hại.
Truyền thông quốc tế dẫn các nghiên cứu dự báo cho thấy, GDP toàn cầu có nguy cơ giảm khoảng 10% vào năm 2100, khi tính đến các rủi ro như sự sụp đổ của thềm băng Greenland. Các mô hình khác chỉ ra rằng, nếu hiện tượng nóng lên trên toàn cầu không được kiểm soát, thu nhập trung bình toàn cầu có thể thấp hơn 23% vào năm 2100.