Chồng bỏ trốn, làm sao mua bán đất nhà?

Câu hỏi

Chồng tôi bỏ trốn khỏi địa phương, giờ tôi muốn mua đất nhà thì phải làm thế nào? Tôi lo lắng nếu khi chồng về phải chia cho chồng hoặc khi bán nhà không có chữ ký chồng cũng không bán được?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vì thế, nếu bạn trực tiếp mua, nhận chuyển nhượng trong thời kỳ hôn nhân dù không có chồng bạn mà không chứng minh được nguồn tiền đó là tài sản riêng thì quyền sử dụng đất bạn mua vẫn được xác định là tài sản chung vợ chồng. Bạn sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề rắc rối nếu không phân định rõ được tài sản chung, riêng như việc buộc phải có chữ ký của chồng khi bạn muốn thực hiện bất kỳ giao dịch nào liên quan phần tài sản chung này. Hoặc bạn có thể gặp phải vấn đề pháp lý do vấn đề nợ nần riêng của chồng bạn mà cơ quan tố tụng xử lý tài sản của chồng bạn trong khối tài sản chung.

Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình về tài sản riêng của vợ chồng. Theo đó, tài sản do được thừa kế hoặc tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân sẽ được xác định là tài sản riêng của người nhận. Trong trường hợp này, nếu bố mẹ hoặc anh, chị em ruột của bạn mua đất rồi làm thủ tục tặng cho riêng bạn, thì phần đất đó sẽ được xác định là tài sản riêng của bạn. Khi có căn cứ rõ ràng xác định đây là tài sản riêng, bạn sẽ có toàn quyền sở hữu, định đoạt, chuyển nhượng đất mà không cần phải có ý kiến hoặc chữ ký của người chồng. Điều này giúp bạn yên tâm hơn trong việc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời tránh được những rủi ro liên quan đến tranh chấp, rắc rối pháp lý sau này.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, bạn nên làm thủ tục xác nhận rõ ràng về nguồn gốc tài sản, có giấy tờ chứng minh đất là tài sản riêng của bạn, như hợp đồng tặng cho, giấy thừa kế, hoặc các giấy tờ liên quan khác. Khi đó, trong các thủ tục chuyển nhượng, bạn không cần phải có chữ ký của người chồng, và quyền sử dụng đất của bạn sẽ được pháp luật bảo vệ tuyệt đối. Đây là cách tối ưu nhất để bạn có thể đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một cách hợp pháp, an toàn, tránh bị can thiệp hoặc tranh chấp không cần thiết trong quá trình thực hiện các thủ tục chuyển nhượng hoặc khi có các tranh chấp phát sinh sau này.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn

Phương Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chong-bo-tron-lam-sao-mua-ban-dat-nha.692671.html