Chống buôn lậu, đầu cơ vàng: Thuế là công cụ hữu hiệu
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đánh thuế giao dịch vàng không chỉ tạo điều kiện cho ngân sách nhà nước có thêm nguồn thu, mà còn là sự công bằng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các kênh đầu tư vàng - chứng khoán - bất động sản, là phương sách để chống buôn lậu, đầu cơ.
Thuế là công cụ hữu hiệu nhất để điều tiết thị trường vàng
Tại cuộc họp vào ngày 9/6 giữa NHNN với các chuyên gia kinh tế để trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định số 24/2012/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định số 24), các chuyên gia đã đề xuất những giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vàng là nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng.
Giải pháp này nhằm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tránh hệ lụy tiêu cực của tình trạng này như: buôn lậu, trốn thuế, quản lý ngoại tệ chuyển ra nước ngoài…
GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho rằng giữa việc nhập khẩu vàng làm nguyên liệu cho việc chế biến trang sức và nhập khẩu vào làm vàng miếng trao đổi, hai mục tiêu này khác nhau nhưng dù thế nào thì cũng phải thu thuế.
Đồng tình với ý kiến trên, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, cho rằng công cụ hữu hiệu nhất là thuế, nếu không khuyến khích thì thuế cao, còn không thì giảm xuống. Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế.
PGS.TS Nguyễn Thị Mùi cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng.
Theo bà Mùi, việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng; giải pháp trên có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đánh thuế giao dịch vàng không chỉ tạo điều kiện cho ngân sách nhà nước có thêm nguồn thu, mà còn là sự công bằng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các kênh đầu tư vàng - chứng khoán - bất động sản, là phương sách để chống "vàng hóa" nền kinh tế. Song thời điểm và mức thuế cần phải được cân nhắc thận trọng cho phù hợp.
Một chính sách thuế thích hợp cho thị trường vàng ngoài việc điều tiết cung cầu, còn hỗ trợ đánh giá chính xác quy mô thị trường thông qua giao dịch có hóa đơn chứng từ. Đây sẽ là sự bổ trợ cho việc xây dựng, chỉnh sửa khung pháp lý quản lý thị trường vàng phù hợp với biến động chung của thị trường tài chính quốc tế, thị trường tiền tệ trong nước qua từng giai đoạn.
Đánh thuế vàng, xét từ mọi góc độ trong tổng hòa nền kinh tế, mang lại ích nước, lợi nhà.
Từ đầu năm đến nay, vàng áp đảo các kênh đầu tư khác nếu xét về mức độ sinh lời. Với vàng miếng, tỷ suất này là khoảng 22% sau 5 tháng, vượt xa gửi tiết kiệm ngân hàng, chứng khoán hay trái phiếu.
Theo các chuyên gia, kim loại quý "sốt nóng" một phần do thị trường đang thiếu kênh đầu tư tích sản. Hiện, thị trường bất động sản đang gặp khó, trái phiếu vẫn trong cuộc khủng hoảng niềm tin, còn chứng khoán theo hướng đầu tư an toàn dài hạn chưa thực sự được phổ cập đến đông đảo người dân.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã chỉ rõ, Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích người dân giữ vàng nhưng cũng không cấm, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, vàng cũng là câu chuyện của quốc tế không chỉ riêng Việt Nam. Để ổn định thị trường vàng, nhà chức trách đã đưa ra nhiều giải pháp như đấu thầu tăng cung, nhưng sau đó dừng phương án này do không hiệu quả. Từ 3/6 vàng bình ổn giá được bán trực tiếp qua 4 ngân hàng quốc doanh và SJC. Qua gần 2 tuần triển khai bước đầu chênh lệch giá bán vàng miếng SJC và giá vàng thế giới đã được thu hẹp.
Tăng quản lý thuế với hoạt động mua bán vàng
Trong thời gian vừa qua, thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.
Để triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có công văn về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.
Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các phòng chức năng, Chi cục Thuế tổ chức quán triệt, nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023, Công văn số 157/BCĐ389-VPTT của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Công văn số 03/BTC-BCĐ của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính.
Các cục thuế phải thực hiện rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng. Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế để thực hiện kiểm tra hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định.
Đồng thời, lập đơn vị đầu mối phụ trách chuyên môn, thực hiện nghiên cứu, triển khai, theo dõi và quản lý các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, chế tác vàng, bạc, trang sức, mỹ nghệ. Kịp thời phát hiện các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh có phát sinh mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý nhưng không kê khai thuế, có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế vưới giá vốn, doanh thu kê khai thuế giá trị gia tăng.
Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh, đề xuất các phương án, giải pháp phối hợp với các sở ban ngành để tăng cường công tác quản lý đối với các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý.
Cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan như: Công an, Quản lý thị trường, Ngân hàng, Hải quan… để thực hiện quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh vàng, bạc, đá quý, giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý thuế.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng, bạc, đá quý có vi phạm pháp luật về thuế và có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để tiến hành điều tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Xung quanh vấn đề áp dụng hóa đơn điện tử trong lĩnh vực mua bán vàng, đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: từ ngày 1/7/2022, hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Theo đó, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh kinh doanh vàng, bạc đã sử dụng hóa đơn điện tử.
Từ ngày 15/12/2022, ngành thuế chính thức triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng hóa đơn điện tử một cách nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực bán lẻ.
Theo quy định tại Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 của Quốc hội, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua.
Đối với việc kinh doanh vàng miếng, chỉ doanh nghiệp đáp ứng quy mô lớn về nguồn vốn, mạng lưới chi nhánh… được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được phép kinh doanh.
Doanh nghiệp sẽ được mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ khi có đăng ký kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ.
"Đối với 2 lĩnh vực này, cơ bản cơ quan quản lý thuế đã kiểm soát được việc xuất hóa đơn. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực gia công vàng, bạc, có một số trường hợp người mua hàng gia công, dịch vụ gia công là cá nhân và không lấy hóa đơn, dẫn đến khó khăn cho cơ quan thuế trong việc kiểm soát giao dịch", đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh.