Chông chênh đường đến giảng đường

Đỗ vào trường đại học, cao đẳng mà mình mơ ước nhưng vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên hành trình chinh phục giảng đường của các tân sinh viên còn lắm chông chênh. Hơn bao giờ hết, các em rất cần được tiếp sức đến trường để sớm vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên trong học tập...

Không đầu hàng nghịch cảnh

Căn nhà nhỏ của cậu mợ em Trần Thị Như Ý nằm ở đầu thôn Trường Phước, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng tràn ngập niềm vui khi Ý trúng tuyển vào ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Trường Đại học Kinh tế Huế.

Cùng với niềm vui là nỗi lo, sự trăn trở hằn in trên gương mặt khắc khổ của người mẹ khuyết tật Trần Thị Lộc (52 tuổi). Dù nói năng khó khăn, bà Lộc vẫn cố gắng chia sẻ với tôi rằng, vốn bị khuyết tật đôi chân bẩm sinh không làm được việc nặng, nên bà sống nương nhờ vào sự cưu mang của vợ chồng anh trai.

Năm 2005, với ước nguyện có đứa con để nương tựa khi tuổi già, sức yếu nên bà Lộc làm mẹ đơn thân. Bản thân bị khuyết tật lại sinh con, nên cuộc sống của hai mẹ con nhiều lúc rơi vào cùng cực. Cũng may là vợ chồng anh chị của bà Lộc thương hoàn cảnh đứa em gái khuyết tật nên đã cố gắng cưu mang hai mẹ con. Dù sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu, nhưng Ý luôn nỗ lực cố gắng học giỏi, vừa phụ giúp vợ chồng cậu mợ công việc nhà.

“Vừa rồi, anh trai tôi bị bệnh nặng rồi qua đời, gia đình càng thêm nghèo khó, thiếu thốn trăm bề. Nhiều lúc, tôi có ý định khuyên con gác lại giấc mơ học tập. Nhưng rồi thấy con chăm chỉ học tập, tôi lại động viên con tiếp tục học tập. Bây giờ, con tôi trúng tuyển đại học, khó mà nói hết niềm vui, tự hào của người mẹ khuyết tật như tôi. Không biết rồi đây, tôi phải làm gì để nuôi con ăn học suốt 4 năm đại học...”, bà Lộc thở dài.

Như Ý phơi lúa giúp mẹ trước khi nhập học - Ảnh: H.A

Như Ý phơi lúa giúp mẹ trước khi nhập học - Ảnh: H.A

“Với quyết tâm học đại học để sau này tìm kiếm công việc ổn định lo cho mẹ em khi tuổi già, sức yếu. Nên khi việc học ổn định, em sẽ tìm việc làm thêm để có khoản thu nhập phục vụ cho việc học tập”, Như Ý cho biết thêm.

Vượt khó khăn đến giảng đường

Người dân thôn Phương Ngạn, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong vừa cảm thương, vừa khâm phục nghị lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn để học tập tốt khi nói về em Trần Thế Quân. Hiện tại Quân trúng tuyển ngành công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, Trường Đại học Khoa học Huế. Vậy nhưng, giấc mơ tiếp tục theo học đại học của em dường như trở nên chông chênh. Hoàn cảnh gia đình Quân thật éo le.

Mẹ em là bà Nguyễn Thị Luynh (55 tuổi) bởi cuộc sống quá khó khăn phải vào TP. Hồ Chí Minh làm thuê, làm mướn để nuôi con ăn học. Gần đây, do sức khỏe yếu nên bà Luynh trở về căn nhà tạm bợ mướn của người thân ở trong thôn để tiếp tục đạp xe lên thị xã Quảng Trị làm thuê kiếm tiền nuôi con.

Có lần bà Luynh nói với con rằng: “Mẹ biết con ngoan, học giỏi và con luôn mang trong mình khao khát, ước mơ cháy bỏng là được học đại học. Nhưng mẹ sức khỏe ốm yếu, không đủ sức để lao động kiếm tiền nuôi con ăn học. Hay con nghỉ học đi làm công nhân một thời gian. Mẹ biết con buồn nhưng mẹ không còn cách nào khác”. Nhưng rồi, đêm đêm trong căn nhà tạm bợ, thấy con vẫn chong đèn miệt mài học tập, bà Luynh không nỡ lòng để con nghỉ học.

Trần Thế Quân nỗ lực vượt lên để tiếp tục giấc mơ giảng đường - Ảnh: NVCC

Trần Thế Quân nỗ lực vượt lên để tiếp tục giấc mơ giảng đường - Ảnh: NVCC

“Dù biết học thêm 4 năm đại học thì mẹ sẽ phải tiếp tục cố gắng gấp nhiều lần để làm thuê, làm mướn. Nhưng trong lòng em vẫn luôn âm ỉ niềm mơ ước được tiếp tục học đại học. Nếu được đi học đại học, em sẽ cố gắng tìm kiếm việc làm thêm để phần nào tự lo cho cuộc sống. Sau này ra trường xin được việc làm ổn định để phụng dưỡng mẹ khi tuổi già, sức yếu”, Quân chia sẻ.

Khao khát được tiếp tục học tập

“Nhận giấy báo trúng tuyển ngành Đông phương học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh mà em cứ rối bời với tâm trạng nửa vui, nửa buồn. Vui vì em đã thực hiện được ước mơ bước chân vào giảng đường đại học để tiếp tục con đường học tập; buồn là bởi hoàn cảnh khó khăn của gia đình em hiện tại, không biết rồi đây em có thể tiếp tục theo học đại học được không...”, em Nguyễn Vũ Khánh Nhi ở Khu phố 4, Phường 3, thị xã Quảng Trị chia sẻ.

Khánh Nhi luôn mong muốn được tiếp tục học trường đại học mà em mơ ước bấy lâu nay - Ảnh: H.A

Khánh Nhi luôn mong muốn được tiếp tục học trường đại học mà em mơ ước bấy lâu nay - Ảnh: H.A

Biến cố của gia đình em Nhi bắt đầu từ tháng 1/2021, khi ba em mất vì bệnh ung thư. Đến tháng 6/2022, trên đường đi dạy học từ xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong lên thị xã Quảng Trị thì mẹ của em bị tai nạn giao thông phải cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau 1 tháng chạy chữa, mẹ Nhi qua đời vào tháng 7/2022.

Từ khi ba mẹ mất, Nhi phải nương tựa vào người thân của gia đình. “Hơn ai hết, em hiểu rằng, học tập chính là con đường giúp em có tương lai tươi sáng hơn. Và niềm vui đã đến khi em trúng tuyển vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Bây giờ, em luôn cầu mong các tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp em vượt qua giai đoạn khó khăn này. Em sẽ cố gắng học tập để không phụ những tấm lòng nhân ái”, Khánh Nhi tâm sự.

Ước mơ có thể học xong đại học

Những ngày này, đối với bạn bè cùng trang lứa, việc làm thủ tục nhập học ở các trường đại học là niềm vui thì em Phan Thị Tình ở thôn Diên Khánh, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng lại nhập học ngành Ngôn ngữ Nhật, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng với ngổn ngang bao nỗi âu lo, bởi hoàn cảnh của gia đình em quá khó khăn.

Năm 2018, mẹ em bị bệnh nặng qua đời. Lúc ấy, cuộc sống của gia đình em rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Ba em dù sức khỏe yếu cũng phải cố gắng làm ruộng, làm vườn để có thu nhập trang trải cho cuộc sống và nuôi các con ăn học. Đến năm 2020, ba em mắc bạo bệnh rồi qua đời. Mấy anh em phải cố gắng nương tựa vào nhau để sống qua ngày...

Với Phan Thị Tình học tập chính là con đường ngắn nhất để có cuộc sống ổn định - Ảnh: H.A

Với Phan Thị Tình học tập chính là con đường ngắn nhất để có cuộc sống ổn định - Ảnh: H.A

“Nhiều tháng qua, em vẫn luôn lo lắng bởi gia cảnh túng thiếu, khánh kiệt như gia đình em khó mà lo được cho em học đại học trong thời gian tới. Em luôn khao khát, ước mơ có thể học xong đại học rồi kiếm việc làm ổn định tự lo cho cuộc sống của chính mình. Không biết liệu ước mơ đó của em có trở thành sự thật...”, Phan Thị Tình ngậm ngùi chia sẻ.

Hải An

(Còn nữa)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/chong-chenh-duong-den-giang-duong/180090.htm