Chông chênh ước nguyện của những cư dân '2 không'
Sống và làm việc gần 40 năm trên chính mảnh đất mình góp công gây dựng, nhưng hàng trăm hộ dân ở xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai hiện vẫn chông chênh ước nguyện về những ngôi nhà chính chủ vì nhiều nguyên nhân. Hàng trăm ngôi nhà không sổ đỏ, không được xây dựng mới, dẫn đến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Những cư dân “2 không”
Ấp 6, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai được nhiều người dân gọi vui là khu dân cư “2 không”. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì hàng trăm hộ dân ở đây đang sống trong tình cảnh, có nhà nhưng không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSD) và không thể xây dựng mới.
Ông Nguyễn Văn Dũng (49 tuổi), sinh sống ở ấp 6 cho biết, bố mẹ ông sinh được 5 người con. Ông bà trước đây làm công nhân của Nông trường quốc doanh Thọ Vực (nay là Công ty TNHH MTV Thọ Vực). Hơn 30 năm vào đây làm kinh tế mới, đến nay, cả gia đình ông vẫn khao khát được đứng tên trên mảnh đất này. “Gia đình tôi 5 anh, chị, em cùng trên dưới chục người con, cháu không thể ra riêng vì không thể tách khẩu, tách hộ do đang sinh sống trên đất nông trường đang quản lý. Hiện nay cũng không thể xây dựng vì địa phương quản lý chặt không cho xây dựng”, ông Dũng nói và cho biết gần như toàn bộ cư dân ấp 6 đều đang sống trong những ngôi nhà không sổ đỏ, không được xây cất mới.
Còn ông Vũ Đình Khiêu (64 tuổi), trước đây là công nhân Nông trường Thọ Vực cùng ngụ ấp 6, chia sẻ, hiện nay toàn bộ những căn nhà hiện hữu của người dân ở đây đều là đất nông trường quản lý, nên phần lớn người dân chỉ lận lưng một mảnh giấy do nông trường cấp để có sở xây cất nhà an tâm công tác.
“Tôi vào đây từ năm 1987, không chỉ tôi mà hàng trăm hộ dân, chủ yếu là công nhân nông trường vẫn đang rất trăn trở về việc được cấp đất xây nhà đúng nghĩa. Trước đây, nông trường tạo điều kiện để chúng tôi an tâm công tác bằng cách cho xây nhà cửa trên đó sinh sống”, ông Khiêu nói và khẳng định đã hơn 30 năm nay sống kiểu “2 không” đó là đất không có sổ và không được xây dựng. “4 đứa con đều đã trưởng thành, bây giờ muốn cắt đất cho con làm nhà cũng không được đặt một viên gạch xây nhà là vi phạm quy định của luật pháp”, ông Khiêu trăn trở.
Ông Khiêu, ông Dũng là hai trong số hàng trăm hộ dân tại ấp 6 đang sống trong cảnh “2 không” tại xã Xuân Bắc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, xã Xuân Bắc được thành lập năm 1987 trên cơ sở tách từ xã Xuân Thọ và Nông trường Quốc doanh Thọ Vực. Riêng diện tích đất có nguồn gốc từ Nông trường Thọ Vực quản lý là 1.391 ha theo Quyết định số 448/QĐ.CT.UBT ngày 21/5/1977 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về thành lập Nông trường Thọ Vực gồm các loại đất như: đất ở, đất giao thông, đất sản xuất nông nghiệp... Trên diện tích đất này, đến nay, có khoảng gần 900 hộ dân thuộc ấp 1, ấp 3B, ấp 4B, ấp 5 và ấp 6 xã Xuân Bắc đã và đang sinh sống, sản xuất ổn định từ năm 1977 đến nay.
Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, địa phương cùng nhân dân đã triển khai làm đường giao thông, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, khang trang, sạch đẹp. Tuy nhiên, vấn đề những căn nhà “2 không” đã trở thành nỗi trăn trở của không chỉ nhân dân mà còn của chính quyền địa phương nơi đây.
Cần một giải pháp cốt yếu
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Xuân Bắc cho hay, hơn 30 năm nay, câu chuyện những căn nhà không sổ đỏ, không được tách thửa, không được xây dựng đã được cử tri xã Xuân Bắc đề đạt nhiều lần nhưng đến nay mới chỉ dừng lại ở mức độ ghi nhận chứ chưa có giải pháp nào cốt yếu để giải quyết dứt điểm ước nguyện an cư lạc nghiệp của người dân.
Theo ông Tuấn, tháng 6/2010, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thọ Vực (khu 3D) với diện tích hơn 522 ha (đất của Nông trường Thọ Vực) cho Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai thực hiện. Phương án sau khi thực hiện dự án xong sẽ bàn giao số diện tích còn lại về địa phương quản lý. Tuy nhiên tính đến nay, thời gian triển khai kiểm kê, áp giá bồi thường, hỗ trợ mới đạt khoảng hơn 50%; số còn lại chưa thực hiện từ năm 2016 đến nay. Qua ghi nhận, một số diện tích đất thu hồi cho dự án hiện đang bỏ hoang không canh tác.
“Khi triển khai dự án, người dân rất đồng thuận. Nhưng tiến độ thực hiện chậm, hiện nay đã quá thời hạn, khiến người dân sống trong cảnh chậm được đền bù, có đất, có nhà nhưng không thể làm giấy CNQSD đất, không được xây dựng. Nhiều gia đình sinh sống 3-4 thế hệ trong một căn nhà chật chội”, ông Tuấn nói.
Về vấn đề hàng trăm hộ dân hiện nay có nhà nhưng không có sổ đỏ, không được xây dựng, Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc Trần Văn Trình khẳng định đó hoàn toàn là sự thật.
Theo ông Trình, việc chậm thực hiện dự án tại diện tích đất do Nông trường Thọ Vực quản lý dẫn đến việc chậm thực hiện phương án giải thể của đơn vị này. Trước đó, tháng 12/2017, Công ty TNHH MTV Thọ Vực đã trình phương án giải thể lên cấp có thẩm quyền, trong đó có nội dung sẽ bàn giao cho địa phương quản lý diện tích đất giao khoán theo NĐ 01/NĐ – CP hiện không quản lý được (khoảng hơn 704 ha), hiện hữu có 795 ngôi nhà ở, trong đó có 231 hộ (gần 69 ha) được cấp đất để làm nhà ở cho công nhân; 492 hộ tự ý xây dựng nhà ở (86ha); 72 hộ dân tự xây dựng trên đất người khác giao (21ha) theo Kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai về việc quản lý, sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Thọ Vực tại xã Xuân Bắc.
“Với địa bàn rộng, dân cư đông, sinh sống ổn định hơn 40 năm nay. Cộng với việc dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thọ Vực chậm thực hiện khiến việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn vì hiện nay có hàng trăm hộ dân không có giấy CNQSD đất”, ông Trình nói và mong muốn, thời gian tới, các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo để chủ đầu tư sớm thực hiện dự án.
Chính quyền địa phương cần sớm đưa ra phương án tối ưu nhất vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt, số diện tích đất không nằm trong dự án của Công ty Thọ Vực sớm có phương án giao cho địa phương quản lý, cấp giấy CNQSD đất cho người dân yên tâm sinh sống, an cư lập nghiệp và thuận lợi trong quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng.